7/12/12

Sức mạnh của lòng nhân từ


Bài viết về Vua Bhumibol Adulyadej của Vương quốc Thái Lan của tác giả Ân Nam được đăng làm 2 kỳ trên Phụ nữ online 6-7/12/2012. Để giúp bạn đọc có thêm nguồn tư liệu tham khảo về vị vua đang trị vì của đất nước chùa vàng, 
SiamViet blog đăng lại bài viết này (lược trích một số ảnh và có bổ sung ảnh minh họa). 

Xin trân trọng giới thiệu.

Sức mạnh của lòng nhân từ - 

Kỳ 1: Trung tâm hòa giải

Quốc vương Bhumibol Adulyadej của vương quốc Thái Lan là một trong những nhân vật có sức ảnh hưởng rất lớn đối với thần dân của mình. Người thái gọi ông là “Cha”, “Vị vua Đổi mới” hay “Vua của dân” một cách trìu mến.

Nhà vua tại Lễ mừng sinh nhật 5/12/2012. Ảnh: Bangkok Post

Dân chúng tham dự Lễ mừng sinh nhật Đức vua 5/12/2012. Ảnh: Bangkok Post.
Hơn 60 năm trị vì, Quốc vương Bhumibol Adulyadej chứng kiến sự ra đi của hơn 20 thủ tướng, vô số các cuộc đảo chính, bạo động. Sự can thiệp của ông vào những sự kiện chính trị lớn của đất nước luôn có hiệu quả cao đến bất ngờ. Lòng nhân hậu và sự hòa hiếu đã đưa ông vào vị trí trung tâm của sự hòa giải, dù ngôi vua chỉ mang tính biểu tượng của quốc gia.
Phong trào dân chủ năm 1973
Sự việc bắt đầu vào tháng 6/1973 khi chín sinh viên (SV) Đại học Ramkhamhaeng bị đuổi học vì đã xuất bản một tờ báo lưu hành trong giới SV chỉ trích chính phủ và tham gia phong trào đòi dân chủ. Sau đó, hưởng ứng lời kêu gọi của Trung tâm SV toàn quốc Thái Lan, hàng vạn SV đã tổ chức phản đối tại đài kỷ niệm Dân chủ, yêu cầu nhà trường nhận chín SV trên vào học trở lại. Đi xa hơn, họ đòi lật đổ chính phủ độc tài quân sự thân Hoa Kỳ đang ở trong tay “ba kẻ bạo chúa” có dây mơ rễ má với nhau: Thủ tướng Thanom Kittikachorn, con trai của y là trung tá Narong Kittikachorn và Nguyên soái Praphas Charusathien. Bộ ba này đã thao túng chính trường Thái Lan trong giai đoạn những năm 60 đến đầu những năm 70 của thế kỷ XX.
Đến đầu tháng 10, tình hình càng trở nên nghiêm trọng hơn khi 13 SV khác bị bắt giữ vì dính líu đến âm mưu lật đổ chính phủ. Lần này, trong hàng ngũ của những người phản đối không chỉ có SV mà còn có công nhân, thương nhân và những thường dân khác. Số người xuống đường phản đối lên đến 200.000. Những cuộc biểu tình lôi kéo được hàng trăm ngàn người, vấn đề cũng được mở rộng ra từ việc phóng thích những SV bị bắt, yêu cầu một hiến pháp mới đến thay thế chính phủ hiện tại. Cảnh sát đã bắn vào đoàn biểu tình, làm ba người chết, trong đó có một bé gái lên bảy. Xung đột bùng phát thành cuộc chiến giữa SV với cảnh sát và quân đội.
Sinh viên giơ cao ảnh của Quốc vương và Hoàng hậu 
trong một cuộc tuần hành hồi tháng 10/1973.
Đỉnh điểm của phong trào Dân chủ năm 1973 là ngày 14/10 lịch sử ở đài tưởng niệm Dân chủ. Bị đám đông biểu tình dồn vào một góc, cảnh sát đã phản ứng bằng bạo lực với hơi cay và hỏa lực. Xung đột bùng phát trên diện rộng. Quân đội vào cuộc. Thủ đô Bangkok chứng kiến cảnh tượng kinh hoàng của những chiếc xe tăng lăn bánh trên đại lộ Rajdamnoen và những chiếc trực thăng chĩa mũi súng xuống Đại học Thammasat. Quân đội và xe tăng của Binh đoàn 11 của trung tá Narong nã pháo vào SV, làm thương vong nhiều người. SV trả miếng bằng cách thẳng tay đốt phá những tòa nhà chính phủ và cơ quan đầu não của cảnh sát.
Trước sự hỗn loạn trên đường phố, Quốc vương đã kêu gọi người dân Thái “hãy sống trong hòa bình”, ra lệnh mở toang cửa của Cung điện Chitralada để đón SV đang bị quân đội săn đuổi. Chitralada trở thành nơi trú ẩn của những người cố trốn chạy khỏi bạo lực. Quốc vương lên án sự bất lực của chính phủ khi không thể dàn xếp được cuộc biểu tình, lệnh cho Thanom, Praphas và Narong phải rời đất nước.
Ông cũng tiếp xúc với những thủ lĩnh của phong trào SV đấu tranh. Saeksan Prasertkul, một trong những thủ lĩnh của phong trào SV, đã hoãn lại một cuộc biểu tình theo yêu cầu của Quốc vương.
Sáu giờ chiều hôm đó, Thanom Kittikachorn từ chức thủ tướng. Vị thống chế ngồi ghế thủ tướng suốt 10 năm đã tìm được nơi ẩn náu với gia đình ở Hoa Kỳ. Chưa đầy 24 giờ, chính phủ Thanom Kittikachorn đã sụp đổ trước sức mạnh tự phát của SV. Một giờ sau, Quốc vương Bhumibol Adulyadej xuất hiện trên vô tuyến quốc gia, kêu gọi: “Ta cầu khẩn tất cả các bên và tất cả mọi người hãy loại bỏ những nguyên nhân gây ra bạo loạn bằng cách dứt khoát từ bỏ bất kỳ hành động nào dẫn đến chiều hướng đó, để đất nước chúng ta có thể trở lại trạng thái bình thường càng sớm càng tốt…”.
Khủng hoảng chính trị năm 1992
Tháng 5/1992, đối đầu công khai giữa một bên là lực lượng quân đội do tân Thủ tướng Suchinda Kraprayoon đứng đầu và một bên là lực lượng phản kháng dưới sự cầm trịch của cựu Thống đốc Bangkok, Chamlong Srimuang, “ông trong sạch” của đất nước, đã khiến bạo lực leo thang tại Bangkok. Nhiều SV và các nhà hoạt động chính trị ở Bangkok bị bắn chết khi các lực lượng quân đội tấn công.
Lúc đó, người dân đã khẩn nài chủ nhân của Điện Chitralada can thiệp. Quốc vương Bhumibol Adulyadej, lúc này đã 64 tuổi, đăng đàn vào tối 20/5/1992. Ông cho triệu tập Suchinda và Chamlong đến Điện Chitralada trong một cuộc gặp gỡ mang tính gia đình nhưng được truyền hình trực tiếp, thu hút sự quan tâm của nhiều người, vượt ra khỏi biên giới của Thái Lan. Chỉ mới hai ngày trước, hai người đàn ông này còn hùng hổ muốn ăn tươi nuốt sống nhau, nhưng giờ “kẻ sát nhân” Suchinda Kraprayoon chỉn chu trong bộ Âu phục màu đậm và “ông trong sạch” Chamlong Srimuang đơn giản trong bộ áo của nhà nông màu xanh, đã phủ phục trước mặt Quốc vương. Hai đối thủ không đội trời chung trở nên “hiền lành một cách đáng ngạc nhiên”; ngoan ngoãn lắng nghe Quốc vương Bhumibol Adulyadej như những đứa con hư đang bị người cha phạt đòn và khiển trách. Quốc vương đã đặt câu hỏi: “Mục đích của chiến thắng là gì khi người chiến thắng đứng trên đống đổ nát?”. Sau đó, ngài cảnh báo về “mối đại họa”, yêu cầu Suchinda và Chamlong bắt tay hợp tác “vì quốc gia của chúng ta, chứ không phải là quốc gia của hai người. Cuộc khủng hoảng hiện tại không chỉ ảnh hưởng đến mọi người ở Bangkok, mà còn cả nước. Giả sử như Bangkok bị thiệt hại, cả nước cũng sẽ bị thiệt hại. Không ai có thể ca khúc khải hoàn trên đống đổ nát của đất nước”.
Thủ tướng Suchinda Kraprayoon (giữa) và Tướng Chamlong Srimuang (trái) 
là hai kẻ chủ chốt gây nên cuộc bạo loạn quân sự đẫm máu tháng 5/1992. 
Trong đó còn có một nhân vật thứ tư, vị tướng có nhiều ảnh hưởng - 
Prem Tinsulanond- (ngồi quay lưng với máy ảnh). 
Quốc vương Bhumibol Adulyadej đã can thiệp thành công vào chính trường Thái Lan ở một vị trí phi chính trị, phi vũ trang. Lúc ấy, sức mạnh của ông gần như là tuyệt đối; quyền lực ông hầu như là vô song. Phải chăng, chính lòng nhân từ đã giúp ông chiến thắng cái ác đang hoành hành và xâu xé xã hội Thái Lan?
Chỉ vài giờ sau cuộc diện kiến lịch sử ấy, tình hình bạo loạn chấm dứt. Suchinda và Chamlong rời bỏ chính trường, quân đội giã từ vũ khí và những người biểu tình thoái lui.

Sức mạnh của lòng nhân từ - 

Kỳ 2: Người cha của các thần dân
Quốc vương Bhumibol Adulyadej luôn tham gia tích cực vào việc cải thiện đời sống kinh tế, xã hội của đất nước. Các đề án phát triển kinh tế do ông đề xuất, tổ chức và tài trợ bằng nguồn ngân quỹ của Hoàng gia đều nhằm vào một số lĩnh vực như: nông nghiệp, môi trường, hướng nghiệp, tài nguyên nước, truyền thông, phúc lợi xã hội...
Từ Điện Chitralada
Từng là nơi nghỉ mùa hè của vua Chulalongkorn và giờ là nơi nghỉ chính của Quốc vương Bhumibol và Hoàng hậu Sirikit, cung điện Chitralada tọa lạc trong khuôn viên biệt điện Dusit rộng khoảng một cây số vuông. Sau sự ra đi bí ẩn của người anh trai, Quốc vương Bhumibol chuyển đến sinh sống tại cung Chitralada.
Nơi ở của hoàng gia trong khuôn viên điện Dusit nằm ở trung tâm Bangkok ngay cạnh nông trang thí nghiệm và ngân hàng cây trồng được dựng lên kể từ những năm 1950.
Để giúp cải thiện đời sống của người dân, Quốc vương đã dành một phần của khuôn viên điện Chitralada làm thành những phân xưởng, nông trang, cánh đồng lúa, nhà máy và nhiều đề án khác. Không giống bất kỳ cung điện nào khác trên thế giới, điện Chitralada kiêm nhiệm nhiều chức năng không hề gắn kết với hoàng gia. Nó là một phức hợp của những phòng thí nghiệm và hàng loạt các đề án. Có hơn 3.000 đề án do quốc vương khởi xướng và được triển khai trên toàn quốc, nhắm vào mục tiêu cải thiện điều kiện sống của dân nghèo ở vùng nông thôn Thái Lan đã được thể nghiệm tại cung điện này.
Cung điện Chitralada có trường Chitralada, ngôi trường đầu tiên được thiết lập cho những đứa trẻ thuộc hoàng tộc. Phía Nam và Tây của điện Chitralada là các nhà máy chế biến, nông trang thể nghiệm và các hầm chứa.
Sinh viên tìm hiểu các thí nghiệm với kỹ thuật trồng cây 
trong nước ở điện Chitralada vào đầu những năm 1980.
Trong khuôn viên điện Chitralada là những ao đầy cá để phân phối cho các trại cá và khu vực lân cận. Những cánh đồng lúa thử nghiệm. Một trại sữa thu mua sữa tươi từ các nơi. Sản lượng của nhà máy sữa rót vào việc xây dựng nhà máy sữa bột và nhà máy chế biến phó mát. Cách trại sữa không xa - băng qua một trong những cái ao đầy cá - là một cánh rừng đã gần ba mươi năm tuổi với hơn 1.250 loại cây. Ngân hàng cây trồng này được hình thành nhằm bảo tồn và nhân giống những giống cây quý hiếm.
Đến những vùng xa xôi, nghèo khó
Có lẽ Quốc vương Bhumibol là vị vua duy nhất đã đến mọi nơi trên đất Thái, cả những vùng nguy hiểm, xa xôi nhất để nói chuyện với dân nghèo, tìm hiểu cuộc sống và giúp đỡ họ. Đi đến đâu, ông cũng mang theo ba vật bất di bất dịch: chiếc máy ảnh, chiếc ra-đi-ô thu phát hai chiều giắt bên hông và những xấp bản đồ dày cộm. Dường như đây là ba "đặc điểm" để phân biệt Quốc vương với những người trong đoàn bởi lúc đó, các nghi thức cung đình không còn nữa.
Ảnh minh họa: Internet 

Khoảng cách giữa Quốc vương và mọi người trong đoàn cũng như với người dân địa phương đã bị xóa nhòa. Có lần Quốc vương chỉ vào cổ và đôi vai của mình nói: “Họ (giới quý tộc châu Âu) nói rằng một vương quốc giống như một kim tự tháp: nhà vua ở trên, người dân ở dưới. Nhưng ở đất nước này nó bị đảo ngược. Đó là lý do thỉnh thoảng tôi bị đau nhức ở đây”.
Ảnh minh họa: Internet 

Nếu như ở điện Chitralada, khi Quốc vương quỵ gối, lập tức các quần thần và quan chức cũng phủ phục xuống đất, cố giữ cho đầu của họ thấp hơn đầu của Quốc vương, thì những người dân quê và miền cao, xem mối quan hệ của họ với Quốc vương như là người nhà. Có khi Quốc vương ngồi chồm hổm trên nền đất, đặt ra một loạt những câu hỏi và chú thích trên tấm bản đồ trải trước mặt, dưới ánh nắng như thiêu như đốt để hỏi han người dân địa phương về những địa điểm mà chính họ - thổ địa trong vùng - cũng phải lúng túng.
Ảnh minh họa: Internet 

Ở mỗi địa phương, ông xem xét tấm bản đồ trong tay, vạch ra những con đường mới, cách thức mới; và những con đập mới, những cánh đồng mới có thể tạo dựng. Phương châm của Quốc vương là, “lắng nghe người dân; để họ là thầy của bạn”. Với nguồn năng lượng tưởng chừng như vô tận, trung bình mỗi năm, Quốc vương Bhumibol Adulyadej chỉ ở trong điện Chitralada khoảng năm tháng. Bảy tháng còn lại ông đến các địa phương để thực hiện các đề án của mình cùng với đoàn cận thần và quan chức chính phủ. Trung bình mỗi năm ông đi khoảng 30.000 dặm đường - hầu hết trên chiếc xe jeep tự lái.
Ảnh minh họa: Internet 

Phương châm của Quốc vương là tập trung sự quan tâm vào vùng nông thôn - nơi có khoảng 80% người dân Thái Lan sinh sống - nhằm khơi thêm nhiều kênh thủy lợi, mang lại mùa màng tốt tươi, xây dựng trường học và bệnh xá. Tất cả những gì Quốc vương Bhumibol Adulyadej đã tận tâm tận lực trong suốt cuộc đời mình chỉ vì sự phồn vinh của thần dân Thái Lan, đúng như lời tuyên thệ lúc đăng cơ “Chúng tôi sẽ trị vì bằng sự chính trực vì lợi ích và hạnh phúc của người dân Thái”.
Ảnh minh họa: Internet 
Ban Na Phang, một ngôi làng ở tỉnh Sakhon Nakhon miền Đông Bắc Thái Lan, là một trong vô số những điểm mà Quốc vương nhắm đến trong suốt hơn hai thập niên để cải thiện số phận của nông dân khi ông sắp bước sang độ tuổi lục tuần. Một ngày tháng Giêng năm 1986, Quốc vương theo đoàn xe đến những con suối dọc theo đường mòn hẹp trong rừng rậm ở vùng Đông Bắc để đáp lại sự thỉnh cầu của người dân trong vùng. Ban Phon Phaeng, được kết nối với thế giới bên ngoài chỉ bằng con đường mòn hẹp mà Quốc vương đang đi. Những cộng đồng nhỏ trong thung lũng thường xuyên thiếu nước sinh hoạt cũng như thủy lợi. Kế hoạch của Quốc vương khởi xướng bao gồm những trại cá, những chương trình thay thế vụ mùa nhằm bài trừ ma túy, những nông trại mở rộng, cải cách ruộng đất, trồng rừng… Trong trường hợp của Ban Na Phang, người dân làng nơi đây muốn ngăn nước ở con sông bên cạnh, nhưng sau khi bàn bạc với các chuyên gia và cận thần, Quốc vương quyết định xây một con đập ngăn dòng nước nhỏ hơn, xây hồ nhân tạo có sức chứa 200.000m3, để đủ tưới tiêu cho 80 hécta ruộng lúa ở vùng thung lũng. “Những cây cầu chúng tôi xây sẽ nối những ngôi làng này với thế giới bên ngoài và chợ búa sẽ được các thương nhân đến buôn bán” Quốc vương nói.
Có lẽ một trong những đề án ở ngoài điện Chitralada đáng chú ý nhất và đầy hoài bão nhất của Quốc vương là mối quan tâm đến những người trồng anh túc. Mục đích của Quốc vương là phá bỏ việc trồng loại cây chết người này, mang lại kế sinh nhai hợp pháp cho những người dân ở miền cao vùng cực Bắc Thái Lan. Đồng thời, đề án cũng giúp ngăn chặn việc phá rừng và hủy hoại các lưu vực sông. Những đề án hoàng gia đã thay đổi thói quen sinh hoạt và cuộc sống của hơn 50.000 con người ở gần 300 ngôi làng trên miền cao vùng cực Bắc Thái Lan. Cùng với sự giúp đỡ đến từ các cơ quan của Liên Hiệp Quốc, Hoa Kỳ, Đài Loan và New Zealand, cơ sở hạ tầng thiết yếu cũng được triển khai gồm các con đường, hệ thống điện trong làng, các hệ thống thủy lợi nhỏ. Điều quan trọng và thấm đẫm chất nhân văn chính là Quốc vương đã giúp người dân ở Ang Khang, trung tâm của cái gọi là “Tam giác vàng” từ bỏ việc trồng thuốc phiện thay vào đó họ trồng đào, hoa màu. Lòng nhân từ đã giúp Quốc vương “thu phục” được thần dân ở những vùng tử địa, nơi cái chết và sự hiểm nguy luôn rình rập, nơi gieo rắc tội ác và tai họa cho cả thế giới.
Những năm 1990, khi tuổi cao sức yếu, Quốc vương Bhumibol Adulyadej rút ngắn những cuộc vi hành của mình, nhưng vẫn tiếp tục điều hành những đề án do hoàng gia khởi xướng.
Ân Nam - phunuonline.com.vn