Chùa Wat Arun là một trong những kiến trúc đẹp nhất Bangkok
Đường Sukhumvit náo nhiệt
Ngày thứ nhất
Chúng tôi từ Nana đến Saphan Taksin bằng xe điện trên không (skytrain). Xe
chạy nhanh, trong xe khá lạnh nhờ máy điều hòa tốt nên dù chật như nêm vẫn thở
được. Đường xe điện chạy sát các tòa nhà cao tầng bên đường tưởng chừng giơ tay
ra là chạm vào quần áo phơi trên ban công nhà người. Bởi vậy đứng dưới đường
nhìn lên không thấy trời đâu, chỉ thấy bêtông xám xịt và dây điện chằng chịt.
Hệ thống xe điện trên không chạy sát các tòa nhà cao
tầng.
Bến thuyền Chao Phraya Express cách ga Saphan Taksin 2 phút đi bộ. Chúng
tôi sém đi thành 2 tiếng nếu nghe lời người đàn ông đứng ngoài cửa ga. Đã nghe
chuyện “dụ đi chỗ khác” phổ biến ở Bangkok nên chúng tôi cương quyết đi theo lộ
trình. Thuyền rẽ sóng lên hướng Bắc. Bờ Tây là Thonburi, thủ đô Thái từ năm
1767-1782. Bờ Đông từng là thủ đô Krung Thep tức “thành phố Thiên thần”. Vì sao
“thành phố Thiên thần” nay lại có tên Bangkok thì không ai biết chính xác.
Đi thuyền trên sông Chao Phraya
Từ bến Tha Chang, qua ngôi chợ bên sông sẽ thấy Hoàng cung và chùa Phra
Kaeo nằm dọc đường Sam Sen. Qua cửa soát vé, chúng tôi bị thu hút bởi một tháp
vàng rực rỡ cao cỡ tòa nhà 2 tầng. Tháp trông như một chuông vàng khổng lồ có 4
cửa, đầu chuông được thay bằng bệ vuông trên gắn một “bánh kem hình nón”, tất
cả đều dát vàng thật. Thư viện Phra Mondop hình vuông nằm ngay cạnh tháp. Bốn
cặp garuda (người chim) cùng 4 cặp naga (rắn thần) uy nghi canh giữ 4 cánh cửa
đóng kín. Thư viện này không tiếp khách vãng lai.
Đền Vua cạnh đó hiếu khách hơn, mỗi năm mở cửa một lần vào ngày 6.4 cho du
khách. Trước Đền Vua có 2 tháp vàng được nâng bằng nhiều garuda chạm trổ rất
tinh xảo, dát toàn vàng và đá quý.
Tòa nhà lớn nhất Hoàng cung có kiến trúc hiện đại và rất Thái. Nếu không có
3 chỏm tháp dát vàng với mái chồng mái nằm ở trung tâm và 2 đầu, tòa nhà sẽ
trông như lâu đài châu Âu thế kỷ XIX. Người Thái đặt biệt danh cho Chakri Maha
Prasat (tên tòa nhà) là “người Tây đội mũ Thái”. Vua Rama V xây nhà này cho
những người đẹp trong hậu cung và dùng tháp chính làm nơi lưu trữ tro hài cốt
các tiên đế.
Tòa nhà Chakri Maha Prasat
Từ Hoàng cung đi bộ 15 phút là đến chùa Pho. Chùa này nổi tiếng nhờ tượng
Phật nằm dài nhất thế giới (46 m).
Chùa Pho
Ngày thứ hai
Chúng tôi thăm nhà Jim Thompson. Ông là người Mỹ, sống ở Thái Lan sau Thế
chiến II, có công khôi phục ngành dệt truyền thống Thái. Nhà Thompson nằm trong
khu vườn mát rượi. Ngôi nhà chính gồm 4 nhà sàn cổ nối với nhau hết sức khéo
léo. Những bức tượng cổ, bàn ghế cổ Thompson sưu tập và trưng bày trong nhà
được giữ gìn cẩn thận.
Bảo tàng Nhà Jim Thompson
Có một điều huyền bí về chủ nhân ngôi nhà: Jim Thompson đã mất tích đúng
vào ngày sinh nhật 61 của mình khi đi dạo trong khu rừng gần nhà người bạn cũ ở
Malaysia.
Buổi tối chúng tôi đi xem đoàn ca vũ Calypso ở khách sạn Asia. Vé đã đặt
trước một tuần qua internet. Vũ công cao ráo, trang điểm công phu và ăn mặc rất
sexy. Họ toàn mang giày cao gót cỡ 10 phân trở lên và nhảy múa rất tự nhiên. Họ
nhép môi rất chuẩn theo bài hát nên không ai biết họ hát nhép. Vũ công của đoàn
đa số là người chuyển đổi giới tính từ nam sang nữ.
Đoàn ca vũ Calypso
Ngày thứ ba
Chúng tôi đến Trung tâm giáo dục khoa học quốc gia gần ga xe điện Ekkamai.
Trung tâm gồm 3 khu: Khoa học, Biển và Vũ trụ. Khu Khoa học trưng bày các mô
hình và thí nghiệm các nguyên tắc và hiện tượng cơ bản như âm thanh, điện, lực
hút trái đất... Khu Biển đơn giản, chỉ có hình vẽ và một số loài cá bơi trong
bể kính. Khu Vũ trụ ngoài các hình ảnh trưng bày còn có một phòng chiếu hình
vòm.
Trung tâm giáo dục khoa học quốc gia
Hôm ấy chúng tôi vào xem chung với các em học sinh Thái bộ phim về sự tạo
thành của vũ trụ và khởi đầu cuộc sống trên trái đất. Chúng tôi từng thăm một
nơi tương tự ở Nagoya (Nhật). Họ gọi là Bảo tàng Khoa học, các sơ đồ và mẫu vật
rất hiện đại, chi tiết, dễ hiểu. Có nhiều thí nghiệm lý thú như về sóng âm
thanh, kính biến hình và đặc biệt nhất là trò chế tạo và điều khiển robot do
sinh viên đại học hướng dẫn.
Đêm cuối tôi muốn mua một cái áo thun làm kỷ niệm nhưng tìm đỏ cả mắt chỉ
thấy hàng nhái, rất ít áo in chữ Bangkok hoặc Thái Lan. Trong khi ở Lào và
Campuchia, áo kỷ niệm dạng này rất nhiều.
Minh Lê - nhipcaudautu.vn
An Bường bổ sung một số ảnh minh họa