1/11/15

Wat Rongkhun, tâm hồn trong suốt

(nld.com.vn)- Là ngôi chùa ở Thái Lan do cá nhân đầu tư, Wat Rongkhun hiện đại và độc đáo hiếm thấy, đồng thời ẩn chứa nhiều triết lý và giá trị nghệ thuật sâu sắc
Trong hành trình đến Tam Giác Vàng, chúng tôi đã ghé thăm Wat Rongkhun, ngôi “chùa bạc” độc đáo do một họa sĩ tự bỏ tiền ra xây dựng ở ngoại ô Chiang Rai (Thái Lan). Sau 5 năm đưa vào hoạt động, đã có 6,5 triệu lượt khách khắp nơi trên thế giới đến viếng...

Hy vọng trở thành báu vật quốc gia
Họa sĩ nổi tiếng Chalermchai Kositpipat đã bỏ toàn bộ tiền bạc của mình ra xây dựng ngôi “chùa bạc” hết sức tinh tế và hùng vĩ mang tên Wat Rongkhun mà không hề tìm kiếm bất cứ sự đóng góp tài chính nào khác. Ông là một họa sĩ thành công trong nghệ thuật Phật giáo, trở thành người giàu có, nổi tiếng và được sự ngưỡng mộ của mọi người dân Thái Lan. Sự gắn bó sâu sắc với nghệ thuật Phật giáo và tình yêu quê hương đã khiến ông trở lại quê nhà sau khi thành danh ở Bangkok và Anh quốc, dành hết tâm sức xây dựng nên ngôi chùa để “dâng hiến cho đạo Phật và hy vọng trong tương lai nó sẽ trở thành một báu vật của quốc gia…”.
Một góc “chùa Bạc” Wat Rongkhun
Chalermchai bắt đầu học mỹ thuật tại Trường Poh Chang, tốt nghiệp khoa điêu khắc và nghệ thuật đồ họa thuộc trường đại học nổi tiếng Silpakorn của Thái Lan. Trong lúc theo học, ông từng đoạt giải nhất và huy chương vàng tại cuộc thi nghệ thuật toàn quốc. 15 năm sau khi tốt nghiệp, ông được nhiều học bổng của các quốc gia ở châu Á, châu Âu và Mỹ để tiếp tục nghiên cứu trong các chương trình giao lưu văn hóa, đồng thời tổ chức hơn 10 cuộc triển lãm cá nhân ở nước ngoài. Năm 1984, Chalermchai lúc đó mới 29 tuổi, đã đến Anh quốc và đưa ra ý tưởng tự mình vẽ tranh bích họa tại chùa Buddhapadipa - một ngôi chùa theo phong cách Phật giáo Thái Lan do chính phủ Thái xây dựng ở London. Trong 4 năm ròng rã, ông đã thành công trong việc giới thiệu các đặc trưng mỹ thuật Thái Lan rộng rãi ở khắp châu Âu. Năm 1995, ông trở thành một trong những họa sĩ được nhà vua Thái Lan mời tham gia vẽ minh họa cho bộ sách “Mahajanaka” của hoàng gia suốt 2 năm trời.
Đó là lúc Chalermchai có được mọi thứ, từ tên tuổi, của cải và tiền bạc. Các tác phẩm của ông đã có mặt ở nhiều bộ sưu tập nghệ thuật trong và ngoài Thái Lan với giá cả tác phẩm vượt lên hàng đầu cả nước. Ông quay về quê hương, nơi mà trong suốt tuổi thơ ông từng mơ sẽ thực hiện các mục đích cao nhất trong đời là phụng sự cho đất nước, cho Phật giáo và nhà vua (Rama IX) cũng như chứng tỏ với thế giới biết rằng tầm vóc rộng lớn của nghệ thuật Phật giáo đương thời bao gồm kiến trúc, mỹ thuật và điêu khắc mang một tầm vóc mỹ học có giá trị toàn cầu...
Ông lựa chọn những nông dân đầu tiên ở quê nhà có năng khiếu mỹ thuật để huấn luyện họ, mỗi năm khoảng 5-6 người và đến năm 2009 đã có được 60 môn đệ nhằm từng bước thực hiện việc xây dựng ngôi chùa. Với vốn đầu tư ban đầu là 18 triệu baht, đến nay đã tăng lên hơn 300 triệu. Từ mảnh đất chùa cũ rộng 3 rai (rai = 1.600 m2), ông mua thêm hơn 10 rai để mở rộng Wat Rongkhun...
Đã có nhiều lời cười nhạo, chế giễu ông như một kẻ khoác lác, ngông cuồng nhưng bên cạnh đó là sự tán dương và hiểu rõ giá trị, khi ngày càng có nhiều người Thái và ngoại quốc, các phật tử và người ủng hộ khác đến thăm chùa mỗi năm. “Vào năm thứ 12, trong quá trình xây dựng (2009), khi Chalermchai vào tuổi 54, đã có 5 triệu người đến thăm chùa Bạc, trong đó có 200.000 khách ngoại quốc và đưa ngôi chùa này lên hàng đầu trong những điểm du lịch ở tỉnh Chiang Rai... Bằng sự nhạy bén trong tư duy và táo bạo trong nghệ thuật, Chalermchai đã cách mạng hóa tính đơn điệu và thế tục trong nghệ thuật Thái Lan và hướng nó vào một phong cách mới và hiện đại. Việc quản trị bên trong ngôi chùa cũng được cải cách theo các tiêu chuẩn quốc tế, chú trọng đến vẻ đẹp, trật tự, sạch sẽ và giản dị. Chalermchai không muốn lợi dụng việc truyền đạo gạ gẫm tiền bạc từ các du khách phật tử qua việc bán các tặng phẩm, vật thiêng, bùa chú hoặc chia cắt không gian trong khuôn viên chùa để làm các quầy cho thuê bán hàng lưu niệm. Nội thất của chùa được chia làm 3 phần: Buddhavasa hay nơi đức Phật ngự, Sanghavasa làm chỗ ở cho các nhà sư và Gharavasa dành cho các hoạt động thế tục như triển lãm nghệ thuật, nhà vệ sinh dát vàng và một giảng đường lớn để tổ chức các lễ hội vào những ngày cuối tuần và giảng kinh Phật...”.
Tất cả sáng tác điêu khắc, chạm trổ và mỹ thuật đều thấm đẫm triết lý đạo Phật và được thể hiện bằng một màu trắng tinh khôi, nhân bản. Phía trước các công trình xây dựng là một cầu Luân hồi thể hiện niềm vui và nỗi buồn nhân thế, diễn tả hành trình giác ngộ đạo Phật, niềm hạnh phúc và sự hủy diệt nơi địa ngục tăm tối, thể hiện lòng khao khát của con người...
Không để vật dục đeo bám
Chalermchai cho biết: “Tôi vô cùng may mắn là được sinh ra và làm những điều mình yêu thích. Tôi ngẫu nhiên thành công và giàu có để thực hiện ngôi chùa này và sáng tạo những tác phẩm nghệ thuật với mục đích không để vật dục đeo bám lấy tâm hồn mình. Tôi có cơ hội giác ngộ Phật pháp và tìm ra hạnh phúc cho tâm hồn từ khi 40 tuổi nhưng phải đến tuổi 50 thì mới thấy được ánh sáng để cởi bỏ được những phiền muộn và thấy được chân như (Nirvana). Đó là khi nhận ra tiền bạc và của cải là không quan trọng. Chúng không là của tôi mà chỉ là ảo ảnh. Tiền bạc chỉ có thể có giá trị khi nó làm cho tâm hồn ta tiến xa hơn mà thôi!”.
Vị họa sĩ tài danh năm nay bước sang tuổi lục hoa viết trong tài liệu giới thiệu ngôi chùa: “Màu trắng bạc của ngôi chùa là thể hiện sự siêu nghiệm của trí tuệ và cái toilet màu vàng rực rỡ kia lại là biểu tượng cho thân xác và những ham muốn trần tục của con người. Mọi người đến đây để hiểu rằng con người cần phải tiến lên nhưng không phải níu lấy vật chất và tiền bạc. Đừng thấy cái thân xác giả tạo kia là có thật mà hãy giữ lấy ánh sáng của đức hạnh và sự trong suốt của tâm hồn...”.
Trong hàng chục ngôi chùa cổ trên hàng trăm năm tuổi trên đất nước Thái Lan mà chúng tôi đã đến thăm, bất ngờ lại có một Wat Rongkhun hiện đại và độc đáo với một ngôn ngữ nghệ thuật - triết lý hoàn toàn mang tính cách tân nhưng gần gũi. Một công trình tín ngưỡng, nghệ thuật độc đáo do cá nhân đầu tư đã thu hút hàng triệu du khách là điều bất ngờ và hiếm thấy. Nhưng những thông điệp mà tác giả của nó gửi gắm như trên lại càng trở nên quý giá hơn trong một thế giới mà con người mãi cứ bị cuốn vào những vòng quay khốc liệt của kim tiền...
Bài vả ảnh: TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG