(QĐND)- Sau vụ đánh bom kinh hoàng ngày 17/8 làm 20
người thiệt mạng và 125 người khác bị thương tại đền thờ Ê-ra-oan (Băng-cốc,
Thái Lan), nhiều hoạt động ý nghĩa nhằm giúp các nạn nhân trong vụ nổ đã được
triển khai tại Băng
Cốc với tinh thần “thương người như thể thương thân”…
Hàng
dài người xếp hàng tại các bệnh viện ở thủ đô Băng Cốc đã trở thành hình ảnh
quen thuộc trong những ngày qua tại đất nước Chùa vàng. Nếu chú ý quan sát sẽ
thấy những người tình nguyện đến đây thuộc đủ mọi tầng lớp trong xã hội, từ già
tới trẻ, từ người giàu đến người nghèo, phần đông là người ở gần nhưng cũng có
người ở xa đã phải lặn lội hàng chục cây số tới bệnh viện chỉ để đáp lại lời
kêu gọi “hiến giọt máu đào, trao niềm hy vọng”, đồng thời cung cấp những hỗ trợ
cần thiết cho các nạn nhân của vụ nổ bom.
Hiến
máu nhân đạo vốn là một nghĩa cử cao đẹp, giúp các nạn nhân cấp cứu thiếu máu
có cơ hội được cứu sống. Sau vụ nổ kinh hoàng, nghĩa cử này lại càng tạo sức
lan tỏa mạnh mẽ. Nó như những ngọn nến lung linh thắp lên ngọn lửa yêu thương,
trao niềm hy vọng cho các nạn nhân, giúp xoa dịu phần nào nỗi đau. Bởi vậy, dù
phải dậy từ sáng sớm, rồi lặn lội hàng chục cây số tới bệnh viện để xếp hàng
chờ hiến máu, anh Con-non Giát-ra-cun (Khonnnon Jathrakul) cũng không nề hà.
Anh chia sẻ với Hãng tin Thông tấn xã Đức: “Là một con người, là một người dân
Thái Lan, trách nhiệm của tôi là phải giúp đỡ các nạn nhân… Tôi có nhóm máu O
và nó có thể truyền được cho nhiều người”.
Trong
khi đó, theo tờ Bưu điện Băng Cốc, các bệnh viện chật cứng du khách Trung Quốc
tới tìm người thân sau vụ nổ bom. Nhiều tình nguyện viên nói tiếng Trung đã kịp
thời có mặt tại đây để giúp phiên dịch cho người nhà nạn nhân và nhân viên y
tế. Be-ni-a-pa-uy Ngam-ta-na-kít-gia (Benyapawee Ngamtanakitja), cô sinh viên
đại học 19 tuổi là một trong những người tình nguyện trở thành phiên dịch tiếng
Trung cho các nạn nhân này. Để đến được Bệnh viện Đa khoa, cảnh sát Băng Cốc,
Ngam-ta-na-kít-gia phải vượt qua chặng đường 20km. Cô cho biết: “Hồi tôi còn ở
Trung Quốc, mọi người đã thực sự quan tâm đến tôi, vì thế bản thân tôi cảm thấy
mình có trách nhiệm phải giúp những nạn nhân là người Trung Quốc”.
Pei
Ying thì lại khác; cô vốn là sinh viên đại học người Trung Quốc. Cô tới Bệnh
viện Chulalongkorn ngay sau vụ nổ đầu tiên để tìm một khách du lịch đồng hương.
"Tôi đọc được lời thỉnh cầu tìm giúp bà Weng Da trên mạng. Người phụ nữ
này tới Thái Lan du lịch cùng bạn bè nhưng mất liên lạc với gia đình sau vụ nổ
bom ở Băng Cốc. Tôi quyết định giúp gia đình bà ấy vì tôi có thể nói tiếng
Thái. Tôi cũng muốn giúp những người khác nữa", Pei cho
hay. Theo Pei, tên của bà Weng không có trong danh sách những người được xác
định là thiệt mạng hay bị thương. Tuy nhiên, cô vẫn đang cố gắng đối chiếu ảnh
bà Weng với thông tin các nạn nhân của vụ nổ bom. Không chỉ riêng
Ngam-ta-na-kít-gia và Pei, rất
nhiều tình nguyện viên khác cũng túc trực tại các bệnh viện để sẵn sàng giúp
đỡ. Một tình nguyện viên người Trung Quốc, đã đi khắp các bệnh viện với hy vọng
giúp đỡ những nạn nhân, chia sẻ rằng: “Chúng tôi đã đến rất nhiều bệnh viện và
cuối cùng chúng tôi quyết định ngồi chờ tại bệnh viện này để xem có ai cần giúp
đỡ gì không. Chúng tôi có thể làm bất cứ điều gì để giúp đỡ như hiến máu, hoặc
liên hệ với các gia đình nạn nhân. Chúng tôi muốn giúp họ trong thời điểm kinh
hoàng này”.
Không
chỉ người dân mà tầng lớp lãnh đạo Thái Lan cũng rất chú trọng tới việc chia sẻ
những khó khăn mất mát với các nạn nhân và gia đình họ. Chính phủ Thái Lan ngày
18-8 cho biết, sẽ hỗ trợ ban đầu 100 nghìn bạt (tương đương hơn 2.800USD) cho
mỗi nạn nhân thiệt mạng, và 30 nghìn bạt (846USD) cho mỗi người bị thương để
trang trải viện phí. Thông tin được tờ Bưu điện Băng Cốc đăng tải, dẫn thông
báo của Cục Bảo vệ tự do và Nhân quyền. Tổng giám đốc, Đại tá cảnh sát Na-rát
Xa-oét-nan (Narat Sawetnant) khẳng định, 4 nhóm công tác của cơ quan này đã
được lệnh tới thăm hỏi gia đình những người thiệt mạng, cũng như những người bị
thương trong vụ nổ tại Băng Cốc. Nhà vua và Hoàng hậu Thái Lan cũng sẽ hỗ trợ
90 nghìn bạt (hơn 2.500USD) cho mỗi người bị thương và thiệt mạng trong vụ đánh
bom tại Băng Cốc hôm 17-8, Văn phòng Thư ký riêng của Nhà vua Thái Lan thông
báo.
Nhiều
tổ chức trong ngành du lịch cũng gây quỹ để giúp đỡ các nạn nhân. Điển hình
trong số đó là Hội đồng du lịch Thái Lan (TCT) gây quỹ 6 triệu bạt với mong muốn
hỗ trợ 300 nghìn bạt cho mỗi nạn nhân thiệt mạng. Chủ tịch Hội Liên hiệp các
khách sạn Thái Lan (THA) Xu-ra-phông Tê-cha-ru-vi-chít (Surapong Techaruvichit)
thì cho biết, người nhà các nạn nhân sẽ được cung cấp chỗ ở miễn phí tại các
khách sạn gần bệnh viện ở thủ đô Băng Cốc trong thời gian họ lưu trú tại Thái
Lan. Bên cạnh đó, Hãng hàng không Thai Airways thông báo sẽ miễn phí đổi vé
hành trình của các du khách trong thời hạn 1 tháng, bắt đầu từ ngày 18/8.
Hai vụ
nổ bom liên tiếp đã cướp đi sinh mạng của 20 người, làm hơn 125 người bị
thương, đồng thời reo rắc nỗi kinh hoàng và khiếp sợ cho nhiều người dân Thái
Lan. Thế nhưng, thông qua những nghĩa cử cao đẹp, người dân xứ sở Chùa vàng đã
giúp xua tan nỗi tuyệt vọng, đồng thời tiếp thêm sức mạnh và niềm tin cho những
nạn nhân vẫn còn bên bờ vực hiểm nguy.
HÀ LAN