(baodatviet) - Thái Lan
đang xem xét kế hoạch chuyển nước từ các dòng Mê Kông, Moei và Salween để tưới
tiêu cho các vùng đất nông nghiệp.
Trong bối
cảnh khô hạn đang tiếp tục gây thiệt hại 48 huyện trên 9 tỉnh của nước này, kế
hoạch
chuyển nước trên được Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha và chính phủ
nước này kỳ vọng sẽ là giải pháp hiệu quả giúp nông dân thoát khỏi cảnh
khan hiếm nước lâu nay.
Thủ tướng
Prayut đã coi đây là một cơ hội giúp hồi sinh các khu canh tác nông nghiệp nhằm
tối đa hóa lợi ích quốc gia. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh rằng trước tiên cần
đàm phán với các quốc gia khác có liên quan.
Sông
Salween và Moei tạo nên biên giới giữa Thái Lan và Myanmar; một phần dòng Mê
Kông cũng tạo nên biên giới giữa Thái Lan và Lào. Phương án chuyển nước từ các
dòng sông đa quốc gia này nằm trong kế hoạch nhằm giải quyết một cách bền vững
vấn đề thiếu hụt nguồn nước phục vụ cho nông nghiệp của Thái Lan.
Đây cũng
không phải lần đầu tiên Thái Lan tìm kiếm nguồn nước từ các quốc gia láng giềng
để giúp các vùng đất nông nghiệp đủ nước tưới tiêu. Nguyên Thủ tướng Samak
Sundaravej ngay từ năm 2008 đã từng đề xuất một dự án chuyển nước từ sông Mê
Kông khi ông còn đương nhiệm.
Thái Lan
nghiên cứu dự án chuyển dòng nước sông Mê Kông
Tuy
nhiên, kế hoạch này khi đó đã gặp phải sự phản đối mạnh mẽ từ các nhà hoạt động
môi trường trong và ngoài nước. Cùng với thái độ không ủng hộ của các quốc gia
cùng sở hữu con sông, dự án đó cuối cùng chỉ nằm lại trên giấy.
Trước đó,
ngày 25/7, mạng lưới người Thái tại 8 tỉnh lưu vực sông Mê Kông đã phản đối kế
hoạch xây dựng các khu kinh tế đặc biệt ở 8 tỉnh dọc sông Mê Kông vừa được
chính phủ Thái Lan công bố.
Bà
Jintana Kaysornsombat, đại diện Mạng lưới Người Thái, cho rằng cần nghiên cứu
kỹ lưỡng việc chuyển nước sông Mê Kông trước khi thực hiện vì những rủi ro mà
dự án này mang lại.
Nông dân
và ngư dân địa phương đã và đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ những con đập ở
thượng nguồn, do đó họ có lý do để lo lắng về tác động của những dự án lớn
khác, bà Jintana nhấn mạnh.
Đồng quan
điểm, ông Nichon Pholjan, thành viên Hội đồng Phát triển Chính trị tỉnh Beung
Kan (một tỉnh bên bờ sông Mê Kông) nhấn mạnh: "Việc chuyển nước của con
sông lớn này có thể ảnh hưởng đến hàng trăm ngàn người. Chúng tôi yêu cầu chính
phủ Thái Lan phải đưa người dân tham gia vào quá trình lên kế hoạch".
Bên cạnh
đó, theo số liệu từ Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam: Thời gian qua, các quốc gia
Trung Quốc, Lào, Campuchia đã quy hoạch trên 20 đập thủy điện bậc thang trên
dòng chính sông Mê Kông.
Hiện nay,
Trung Quốc đang triển khai xây dựng 8 đập thủy điện ở thượng nguồn, trong đó có
4 đập đã hoàn thành và đi vào khai thác. Trung Quốc cũng đang nghiên cứu triển
khai tiếp 6 đập khác trên lãnh thổ nước mình và dự định đầu tư một số đập thủy
điện khác trên lãnh thổ nước Lào.
Lào dự
kiến sẽ xây dựng 7 đập thủy điện và liên kết với Thái Lan xây dựng 1 đập thủy
điện khác ở vùng biên giới Lào-Thái Lan. Hiện nay đập thủy điện đầu tiên của
Lào là Sayabury công suất 1.285 MW đã hoàn thành 40% khối lượng, dự kiến phát
điện thử vào năm 2017, bất chấp sự phản ứng của hàng triệu người dân bị ảnh
hưởng.
Campuchia
cũng dự định xây dựng 3 đập thủy điện, trong đó đập Sảmbo có vị trí sát Việt
Nam, với công suất dự kiến lên đến 2.600MW, dự báo sẽ tác động đến chế độ dòng
chảy mùa khô về phía Việt Nam rất lớn.
Thủy điện
trên dòng chính sông Mê Kông sẽ làm lợi cho các quốc gia có tiềm năng lớn như
Trung Quốc, Lào, Campuchia, Thái Lan 3-4 tỷ USD/năm, nhưng cũng gây thiệt hại
rất lớn về môi trường sinh thái cho cả vùng và khu vực hạ lưu.
Cụ thể,
báo cáo Đánh giá Môi trường Chiến lược (SEA) đối với những đề xuất dự án phát
triển thủy điện trên dòng chảy chính Sông Mê Công được Ủy hội Sông Mê Kông
(MRC) công bố vào tháng 10/2010 cho biết: các dự án thủy điện đóng góp khoảng
8% năng lượng cho toàn vùng nhưng làm tổn thất các ngành thủy sản và nông
nghiệp 500 triệu USD/năm, hơn 100 loài sinh vật có nguy cơ tuyệt chủng, thiệt
hại 30 triệu USD do giảm sản lượng nông nghiệp và phải đầu tư 30 triệu USD để
tăng thêm phân bón, cải tạo hệ thống tưới tiêu vì các đập thủy điện.
Sinh kế
và an ninh lương thực của 30 triệu người dân sống dựa vào vùng đánh bắt cá của
sông Mê Kông sẽ bị hủy hoại nếu các đập thủy điện được xây dựng.
Sơn Ca