12/7/15

Gỏi cá – thủ phạm ung thư gan tại Thái Lan

(SKĐS)- Được chế biến từ một loại cá sống, món ăn này được xem là đặc sản ở vùng Đông Bắc Thái Lan, nhưng ẩn sau món ăn đó lại là nguy cơ gây bệnh ung thư gan.

Được chế biến từ một loại cá sống, món ăn này được xem là đặc sản ở vùng Đông Bắc Thái Lan, nhưng ẩn sau món ăn đó lại là nguy cơ gây bệnh ung thư gan. Hiện thời, các bác sĩ đang tìm cách tuyên truyền cho người dân về nguy cơ mắc bệnh tử thần từ món ăn khoái khẩu của họ.
Giáo dục thế hệ trẻ về nguy cơ nhiễm sán lá gan do ăn cá sống.
Khoảng 1/3 dân số Thái Lan đang sinh sống tại cao nguyên Isaan ở miền Đông Bắc, họ nổi tiếng bởi một nền văn hóa ẩm thực giàu sáng tạo và rất cay. Những nơi có nhiều sông, hồ, người Isaan lại sử dụng một thứ cá nhỏ mà họ đánh bắt được để chế biến nên món ăn có vị cay gọi là Koi Plaa. Trước tiên, cá được bằm thật nhừ, rồi trộn với các loài rau gia vị ở địa phương, nước cốt chanh và kiến đỏ (còn sống) và ăn tái. Món ăn này rất phổ biến và được coi là đặc sản ở chốn này, song gần đây nó được phát hiện là món ăn gây bệnh ung thư gan. Trong suốt hàng thập niên, một lượng dân cư Isaan được xác nhận có tỷ lệ bệnh ung thư gan cao bất thường. Đặc biệt, tỷ lệ nam giới mắc bệnh chiếm hơn một nửa trên tổng các dạng bệnh ung thư, so với trung bình không đầy 10% bệnh ung thư của thế giới. Được biết, tỷ lệ bệnh nhân mắc ung thư gan cao là do sự lây nhiễm từ một loại sán gan, một loại ký sinh trùng, được tìm thấy trong cá khi loại cá này được chế biến để ăn sống. Và những người ăn món gỏi này nghiễm nhiên bị nhiễm sán, từ đó mắc bệnh.
TS. Banchob Sripa tại Phòng Thí nghiệm Nghiên cứu bệnh nhiệt đới của Đại học Khon Kaen (Isaan, Thái Lan) là người chịu trách nhiệm chính cho công tác thay đổi hành vi ăn uống của người dân. Trong công trình nghiên cứu về mối liên kết giữa bệnh ung thư gan và sán lá gan trong suốt hơn 30 năm, ông Banchob đã phát hiện ra loài sán gan đã tạo ra một thứ hóa chất làm kích thích phản ứng miễn dịch - gây viêm sưng - rồi sau nhiều năm sẽ hình thành nên viêm mạn tính, là căn nguyên gây ung thư gan.
Một khi mắc bệnh thì rất hiếm cơ hội sống cho bệnh nhân. Tại bệnh viện của Đại học Khon Kaen, các bác sĩ tiếp nhận điều trị khoảng 2.000 bệnh nhân bị sán gan mỗi năm, khi họ đã có dấu hiệu mắc một chứng ung thư gọi là Cholangiocarcinoma (ung thư đường mật). Khoảng 200 bệnh nhân trong số này đã được chữa trị bằng phẫu thuật, cắt bỏ khối u ở gan.
Phòng bệnh: Phải thay đổi nhận thức
Việc điều trị bệnh trở nên rất khó khăn nên phòng ngừa là biện pháp tốt nhất. TS. Banchob Sripa và các đồng nghiệp đang điều hành một chương trình giáo dục sức khỏe dựa trên cộng đồng tại các làng bản nằm dọc theo vùng đất ngập nước lớn, còn được biết đến dưới cái tên Hồ Lawa ở phía Nam Khon Kaen, nơi tỷ lệ nhiễm sán gan cao nhất. Bằng cách tuyển mộ những người được kính trọng trong cộng đồng để đảm trách công tác thuyết phục dân cư thay đổi hành vi, không ăn món gỏi cá Koi Plaa ưa thích của họ.
Dưới mọi hình thức, họ đã cung cấp những hiểu biết đơn giản nhất về vòng đời của sán gan. Chẳng hạn như, ấu trùng sán đã ẩn sâu vào trong thịt cá, việc ăn cá sống sẽ làm nhiễm sán ở gan. Những quả trứng sán sau đó lại được bài tiết ra ngoài, rơi vào hệ thống nước, ký sinh vào một số loài ốc, rồi nhiễm trở lại cá... một vòng tuần hoàn liên tiếp.
Để phát hiện sớm bệnh, các nhà nghiên cứu cũng sử dụng một máy siêu âm xách tay để sàng lọc những người có dấu hiệu nhiễm sán gan quanh các làng bản.
Tuy nhiên, việc thay đổi hành vi ẩm thực quả thực là một việc làm rất khó khăn. Món gỏi cá này là thức ăn truyền thống, khá lâu đời và nó ngấm sâu vào thói quen của người dân nơi đây. Ông Jongluck Laonongkwa, 61 tuổi - một cư dân ở vùng này được xác nhận là nhiễm sán qua chương trình sàng lọc. Dù ông cũng đã nhận thức được sự nguy hiểm của sán gan, nhưng ông cũng thừa nhận rằng chưa thể thay đổi hoàn toàn được hành vi ăn món gỏi cá. Ông cho biết, do thói quen từ lâu đời và nhiều năm đã ăn Koi Plaa mà không có ai mắc bệnh ngay, nên thường quên mất nguy hại từ việc ăn cá sống.
Nhóm nghiên cứu của TS. Banchob cũng đã tiến hành vệ sinh môi trường, làm sạch nguồn cá. Và một phần của chiến dịch tuyên truyền là tập trung vào việc nâng cao nhận thức của người dân về thói quen đi vệ sinh, không đi vệ sinh ở sông suối nhằm làm giảm tối đa lượng trứng sán vào nguồn nước.
Tại các làng, nơi đang diễn ra chiến dịch, tỷ lệ nhiễm sán đã thực sự giảm rõ rệt, một số làng giảm dưới 10%. Có lẽ sẽ còn rất lâu để giảm tỷ lệ ung thư gan, tuy vậy thái độ của người trẻ có vẻ đã thay đổi. Đây chính là tín hiệu đáng mừng để giúp người dân nơi đây giảm hẳn tỷ lệ ung thư gan trong thế hệ tương lai.
(Theo BBC NEWS, 6/2015)
NGUYỄN THANH HẢI