(Thethaovanhoa.vn)- “Tôi
từng sang học tập ở Thái Lan một thời gian và thấy được cách làm bóng đá của
họ. Họ thật sự rất giỏi”, ông Chung phát biểu.
* Theo
ông bóng đá Thái Lan phát triển ra sao những năm gần đây?
- Có một
số người nghĩ, do nội bộ của Thái Lan gần đây bị ảnh hưởng bởi tình hình chính
trị bất ổn nên bóng đá và cả nền thể thao cũng bị ảnh hưởng theo. Nhưng theo
tôi, nó chỉ ảnh hưởng một phần nhỏ thôi. Bởi người Thái đang duy trì rất tốt
nền thể thao của mình và vẫn đầu tư vào các môn trọng điểm.
Tôi nói
như vậy, vì nhìn vào bảng tổng sắp huy chương qua kỳ Đại hội vừa rồi, họ thật
sự rất mạnh. Người Thái đang dần bỏ không đầu tư để VĐV thi đấu ở các môn SEA
Games trong đó có cả bóng đá mà chủ yếu tập trung đầu tư phát triển vượt để qua
tầm khu vực, phấn đấu ra châu lục. Nhưng do thời điểm hiện tại họ vẫn chưa thể
đạt mục tiêu, nên đành quay lại đấu trường khu vực. Ở khu vực thì trình độ của
họ vẫn trội hơn chúng ta và các nước còn lại rất nhiều.
* Nguyên
nhân nào giúp bóng đá Thái Lan vượt trội, do chất lượng giải VĐQG của họ hay do
khâu đào tạo trẻ tốt lên?
- Tôi
từng sang học tập ở Thái Lan một thời gian và thấy được cách làm bóng đá của
họ. Họ thật sự rất giỏi, làm bóng đá căn cơ hơn nhiều nước. Với công tác đào
tạo trẻ, họ đưa ra một quy trình cụ thể. Họ đào tạo các cầu thủ từ cái cơ bản
nhất, các yếu tố để tạo thành một cầu thủ từ khi còn nhỏ, với kỹ thuật toàn
năng và theo một chiến lược đã đề ra.
Các bạn
có thể thấy qua kỳ SEA Games vừa rồi, rõ ràng các cầu thủ chúng ta kỹ thuật
không thua kém gì Thái Lan nhưng về tận dụng cơ hội hay bản lĩnh trong thi đấu,
sự tự tin hay khâu dứt điểm... chúng ta không bằng người Thái. Đó theo tôi chính
là yếu tố cơ bản mà người Thái đã đào tạo tốt hơn chúng ta.
Còn với
giải VĐQG của họ, mặc dù ít đội nhưng chất lượng và khâu tổ chức chuyên nghiệp
hơn chúng ta. Vì thế theo tôi cả 2 yếu tố trên đã góp phần làm nên thành công
của bóng đá Thái Lan.
* Theo
ông chúng ta nên học tập người Thái từ điểm nào?
- Theo
tôi, chúng ta nên bắt đầu xây dựng lại nền tảng từ đầu. Nói như thế không phải
là dỡ bỏ tất cả các công sức hay các lứa cầu thủ hiện tại mà chúng ta hãy bỏ
qua một vài kỳ SEA Games như người Thái đã làm từ những năm 2003 đề đầu tư tầm
xa hơn. Phải có thời gian kiên nhẫn thay vì vội vã. Đất nước chúng ta còn
nghèo, điều kiện kinh tế cũng không thể bằng người Thái.
Vì vậy
cần lắm những con người, những doanh nghiệp như ông Đoàn Nguyên Đức đang làm là
luôn ủng hộ và đầu tư mạnh mẽ cho bóng đá nước nhà, đặc biệt là bóng đá
trẻ. Bóng đá Việt Nam cần thêm những lò đào tạo chất lượng như ông Đức thì
tương lai sẽ phát triển như bóng đá Thái. Thậm chí nếu làm tốt có thể tiến xa
hơn.
* Ông
nhận xét sao khi HLV Toshiya Miura làm HLV cả ĐTQG lẫn U23 Việt Nam, dù chưa
bao giờ phương án này phát huy hiệu quả ở môi trường bóng đá Việt Nam?
- Tôi xin
phép không trả lời câu này, và xin dành câu hỏi đó cho những người khác.
* Xin cảm
ơn ông về cuộc trao đổi!
“Thái
Lan chưa thể vươn lên tầm châu lục”
“Như
tôi đã nói bóng đá Thái những năm gần đây tập trung phấn đâu vươn ra tầm châu
lục, vì thế họ đầu tư đào tạo rất mạnh cho lực lượng của mình. Nhưng không dễ
thu hẹp khoảng cách với châu lục một sớm một chiều. Còn với các nước khu vực
Đông Nam Á, lực lượng của họ trội hơn hẳn”.
“Người
Thái đang có những HLV đủ giỏi, lực lượng mạnh, đồng đều, tạo ra từ những
chiến lược bài bản trước đó nên giờ đang gặt hái kết quả. Thành công của họ
là tổng hòa của nhiều yếu tố. Còn cho dù có một HLV thật giỏi tầm quốc tế như
Sir Alex Furguson, nhưng trong tay ông ta lại có một lực lượng không đồng đều
hay không có nền tảng căn bản thì cho dù ông ấy giỏi đến đâu cũng không thể
nào vô địch được. Và ngược lại, với lực lượng mạnh mà HLV lại yếu cũng chẳng
đến đâu. Đó chính là 2 yếu tố làm nên 1 đội bóng hoàn hảo”.
“Tôi
còn nhớ chính người Thái họ cũng có thời gian có HLV ngoại, họ cho các HLV
nội học tập từ các HLV ngoại của mình hoặc họ gửi các HLV trong nước ra nước
ngoài để tập huấn thêm về trình độ. Tội nghĩ với cách làm của người Thái như
hiện tại, họ sẽ có thể vươn ra tầm châu lục. Nhưng đó là chuyện tương lai
thôi, còn thực tế khoảng cách đang vẫn tồn tại” - HLV Mai Đức Chung
(Nguyên Trưởng phòng các đội tuyển).
|
Việt Hà (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa