(vnexpress)-
Trung Quốc và Thái Lan ký biên bản ghi nhớ xây dựng kênh đào Kra Isthmus, được
mệnh danh là "kênh đào Panama châu Á" ở miền nam Thái Lan, nhằm rút
ngắn hải trình của tàu bè Trung Quốc từ Trung Đông về Quảng Châu.
Want China Times dẫn lại báo Hong Kong Oriental
Daily hôm qua cho biết, biên bản này được ký kết tại một diễn đàn hợp
tác nghiên cứu và đầu tư tổ chức ở Quảng Châu, thủ phủ tỉnh Quảng Đông, Trung
Quốc. Đây là bước tiếp theo trong chính sách mở rộng vành đai kinh tế Con đường
tơ lụa trên biển của Trung Quốc. Trước đó, Trung Quốc đã thúc đẩy thiết lập
hành lang kinh tế với Pakistan và xây dựng một dự án đường sắt cao tốc với Nga.
Tuyến đường biển dự kiến qua kênh đào Kra Isthmus. Đồ
họa: Ifeng.
Theo đề xuất thỏa thuận, kênh đào hai
chiều sâu 25 m, dài 102 km, rộng 400 m. Việc xây dựng sẽ hoàn tất trong 10 năm,
với chi phí 28 tỷ USD. Kra Isthmus được ví như kênh đào Panama của châu Á. Kênh
đào Panama nối Đại Tây Dương với Thái Bình Dương ở Trung Mỹ, sâu 15 m và điểm
rộng nhất là 304 m, là kênh đào có số lượng tàu qua lại lớn nhất trên thế
giới.Hàng năm khoảng trên 14.000 tàu bè qua lại kênh này.
Khi kênh đào Kra Isthmus dài hơn 100 km
đi vào hoạt động, thuyền bè, đặc biệt là tàu chở dầu Trung Quốc từ Trung Đông
xuất phát từ biển Andman ở Ấn Độ Dương, có thể trực tiếp đi vào vịnh Thái Lan,
tiết kiệm 1.200 km đường biển, so với tuyến đường hiện tại phải vòng qua eo
biển Malacca.
Eo biển Malacca là tuyến hàng hải đặc
biệt quan trọng đối với nguồn cung cấp dầu cho Trung Quốc. 80% dầu nhập khẩu
vào Trung Quốc từ Trung Đông và châu Phi phải đi qua vùng này, nơi nạn cướp
biển hoành hành.
Liang Yunxiang, giáo sư Học viện Quốc
tế, Đại học Bắc Kinh nhận định, kênh đào có ý nghĩa chính trị và chiến lược
quan trọng đối với Trung Quốc. Dự án không chỉ giúp tăng cường khu vực tự do
thương mại giữa Trung Quốc và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), mà còn
giảm sự phụ thuộc của nước này vào khu vực eo biển Malacca.
Nó giúp cắt ngắn tuyến đường biển, giảm
thời gian vận chuyển xuống 2-5 ngày, do đó, giảm chi phí và thúc đẩy các cảng
biển ở Hong Kong và đại lục phát triển. Tuy nhiên, dự án có những rủi ro chính
trị nhất định, vì liên quan chặt chẽ tới môi trường chính trị của các nước
trong khu vực Đông Nam Á và quan hệ Mỹ - Thái.
Ngoài ra, lý do để Trung Quốc tham gia
dự án này là e ngại Mỹ có thể phong tỏa tuyến đường biển qua eo biển Malacca,
cắt đứt nguồn cung cấp dầu cho Trung Quốc.
Huang Dong, nhà phân tích quân sự ở
Macau cho rằng, kênh đào này sẽ giúp tăng cường năng lực ứng phó sự cố quốc tế
của hải quân Trung Quốc, ví dụ như sơ tán công dân làm việc ở các quốc gia
Trung Đông về nước.
Li Zhenfu, giáo sư đại học Hàng hải Đại
Liên, tỉnh Sơn Đông, đông bắc Trung Quốc, cho biết nhiều công ty Trung Quốc sẽ
tham gia dự án này. Thậm chí, Trung Quốc dường như có khả năng được cấp quyền
quản lý kênh đào ở mức độ nhất định, có thể thu xếp giành quyền từ chối tàu
chiến một số quốc gia nhất định đi qua kênh đào, trong nỗ lực gia tăng ảnh
hưởng ở Đông Nam Á.
Ý tưởng xây dựng kênh đào lớn nhất châu
Á này có từ thế kỷ 17. Hơn 100 năm trước, vua Xiêm (Thái Lan) là Chualalongkorn
tiếp tục đề xuất việc này. Tuy nhiên, lúc đó nước Xiêm không đủ kinh phí, nên
dự án bị trì hoãn.
Hồng Hạnh - vnexpress.net