6/5/15

Thái Lan liên tục phát hiện trại buôn người


(vnexpress)- Cảnh sát Thái Lan tiếp tục tìm thấy trại buôn người thứ hai có ba nạn nhân đang ẩn náu bên trong, sau khi phát hiện 26 bộ hài cốt ở trại thứ nhất tuần trước.

Thi thể nạn nhân trong trại một được phát hiện tuần trước. Ảnh chụp màn hình: CNN.
Theo CNN, cảnh sát đang thẩm vấn ba nạn nhân trong trại thứ hai. Nạn nhân sống sót duy nhất trong trại một đang được điều trị ở bệnh viện.
Theo tổ chức giám sát quyền con người Human Rights Watch (HRW), một tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Mỹ, nạn buôn người đang vượt quá tầm kiểm soát ở Thái Lan.
Những nạn nhân ở trại một được tìm thấy hôm 2/5 là người Rohingya theo đạo Hồi ở Myanmar hoặc Bangladesh. Trại một ở huyện Sadao, tỉnh Songkhla, miền nam Thái Lan, giáp biên giới Malaysia.
14 sĩ quan cảnh sát cấp cao bị điều chuyển khỏi địa phương, trong khi các nhà điều tra đang tìm hiểu khả năng họ giúp che giấu sự tồn tại của các trại này, CNN dẫn lời Tướng Aek Angsananont.
"Có chứng cứ cho thấy những cảnh sát này đã bất cẩn trong công việc," Aek nói. "Làm thế nào họ lại cho phép những trại giam người này tồn tại trong khu vực của mình? Chúng tôi đang điều tra thêm xem liệu những người này có đóng vai trò liên quan đến các trại không."
Cảnh sát đang tìm kiếm những trại khác, có thể đang hoạt động trong bí mật, ông Aek nói thêm.
Chết vì bệnh tật
Tuần trước, HRW tuyên bố những người chết trong trại một đã bị "bỏ đói đến chết, hoặc mắc bệnh mà chết trong khi bị những tay buôn người giam giữ, chờ đòi tiền chuộc."
Cảnh sát cho biết đang tạm giam 5 người Thái và Rohingya, liên quan đến trại một. Một số người Thái là quan chức địa phương, đóng vai trò như quản lý và trung gian của trại. Tòa án đã ra lệnh bắt giữ 8 người, nhưng 3 người đang bỏ trốn.
Akk cho biết, hài cốt của nạn nhân trại một, rất có thể là người chết từ 3 tháng đến một năm trước. Trong số 26 thi thể, 24 người là đàn ông, một phụ nữ, còn một vẫn chưa rõ. Giám định pháp y bước đầu cho thấy, không có dấu hiệu bị bạo hành. Cảnh sát cho rằng họ đều chết vì mắc bệnh.
Những người Rohingya chạy trốn khỏi Myanmar. Ảnh: CNN.
Chạy trốn khỏi đất nước
Năm ngoái, Bộ Ngoại giao Mỹ báo cáo, Thái Lan là nguồn cung cấp, điểm trung chuyển, đồng thời là đích đến của nạn buôn người ở châu Á.
Báo cáo cho biết, các dân tộc thiểu số và công dân của nước láng giềng với Thái Lan đối mặt với nguy cơ cao bị cưỡng bức làm lao động hoặc bị buôn bán tình dục sang Thái Lan.
Theo đó, những người Hồi giáo Rohingya dễ bị tổn thương nhất. Họ là những người vô quốc tịch, chạy trốn khỏi bạo lực sắc tộc đang diễn ra nhiều năm ở Myanmar, quốc gia có nhiều người theo đạo Phật. Người Rohingya thường đi thuyền đến miền tây nam Thái Lan, rồi sau đó đến Malaysia lao động bất hợp pháp.
Hồi tháng 1/2014, cảnh sát Thái Lan đã tìm thấy hàng trăm người Rohingya gồm nam giới, phụ nữ và trẻ em trong một trại ở tỉnh Songkhla, gần nơi phát hiện thi thể nạn nhân trại một.

Hồng Hạnh - vnexpress.net