(nld)- Nhiều sinh viên Thái Lan
rơi vào cảnh trần như nhộng, bị hành hạ, thậm chí gặp thần chết chỉ vì thứ tôn
ti giữa sinh viên các cấp lớp.
“Giống như trong địa ngục” - một sinh viên tả
lại
cảm giác khi tham gia vào một trong những “nghi lễ” chào đón đáng sợ dành
cho sinh viên năm nhất tại các trường ĐH ở Thái Lan.
Trừng phạt hay chào
mừng?
Một trong những “nghi
lễ” nói trên có tên là SOTUS, ghép chữ đầu của các từ tiếng Anh “seniority”
(thâm niên), “order” (trật tự), “tradition” (truyền thống), “unity” (đoàn kết)
và “spirit” (tinh thần)hay còn được gọi là Rab Nong (có nghĩa: chào đón hậu
bối).
Hình ảnh những màn
chào đón tân sinh viên Thái Lan được đăng tải trên mạng xã hội. Ảnh: FACEBOOK
Ở Thái Lan, SOTUS bắt
nguồn từ Trường ĐH Kasetsart vào cuối những năm 1940, bắt chước các trò ma cũ
bắt nạt ma mới tại Trường ĐH Cornell và nhiều trường khác ở Mỹ. Dù đã bị cấm
tiệt ở Cornell nhưng những trò này lại lây lan tại nhiều ngôi trường Thái Lan
đến tận ngày nay. Chẳng hạn, sinh viên Trường ĐH Maejo ở Chiang Mai khét tiếng
với các “nghi lễ” bắt nạt, bao gồm răn dạy sinh viên mới kết thúc câu nói với
đàn anh, đàn chị bằng từ tôn kính “thưa ngài/thưa cô”...
Gần đây, các tân sinh
viên đã bị “tiền bối” đánh đập trong khoảng thời gian từ ngày 17 đến 19-4 tại
Trường ĐH Chiang Mai, cũng ở TP Chiang Mai. Theo trang Khaosod, các
sinh viên lớp trên xin phép nhà trường tổ chức một chuyến đi phục vụ cộng đồng
để sơn sửa các trường học và xây một con đập nhỏ ở tỉnh Nan. Sau đó, ảnh chụp
vết bầm tím của “ma mới” (dẫu không nghiêm trọng) xuất hiện trên các mạng xã
hội. Ban giám hiệu liền điều tra và kỷ luật những sinh viên tự ý đầu têu các
màn “nghi lễ” sặc mùi bạo lực trên.
Mất mạng oan uổng
Tham gia “nghi lễ”,
tân sinh viên phải chịu trận để nghe đàn anh, đàn chị la mắng. Trong trường hợp
xấu nhất, họ có thể bị bắt cởi hết quần áo, đánh đập, bò qua nước bẩn, quấy rối
tình dục, thậm chí mất mạng oan uổng.
Phokhai Saengrojrat,
sinh viên Trường CĐ Kỹ thuật Pathumthani, tử vong vì ngạt thở sau khi bị ép nốc đồ uống có cồn rồi vùi
mặt xuống cát tại bãi biển Sai Noi ở tỉnh Prachuap Khiri Khan hồi đầu tháng
9-2014. Cha mẹ của Phokhai nói với báo chí họ mong chuyện xảy ra với con trai
mình là trường hợp bị bắt nạt cuối cùng.
Dẫu SOTUS có mục đích
là “củng cố tôn ti trật tự” giữa sinh viên song những gì diễn ra giống sự trừng
phạt hơn là màn chào đón nồng nhiệt. Áp lực từ bạn bè, sợ bị tẩy chay là những
lý do khiến tân sinh viên khó lòng vắng mặt. Những trang mạng xã hội phản đối
SOTUS, vốn có hàng ngàn người theo dõi, được lập ra với nỗ lực vạch trần sự tàn
bạo của “nghi lễ” này. Dù vậy, kiểu hành xử tiêu cực vẫn tiếp diễn.
Bộ Giáo dục Thái Lan
tuyên bố các sinh viên không có nghĩa vụ phải tham gia vào những “nghi lễ” đó
và quy định chúng phải phù hợp với mặt đạo đức và văn hóa xã hội, không ảnh
hưởng đến thể chất và tinh thần. Trước đây, Ủy ban Nhân quyền Quốc gia Thái Lan
(NHRC) từng làm việc với các trường ĐH về vấn đề này nhưng mọi việc đâu lại vào
đấy.
Điều đáng lo là theo
trang Asian Correspondent, chuyện bắt nạt không chỉ xuất hiện trong
trường ĐH mà có cả trong quân đội Thái Lan với bằng chứng là những hình ảnh
khủng khiếp trên tài khoản tên NoConscript trên mạng xã hội Facebook.
GIA HÒA - nld.com.vn