28/4/15

Vốn ngoại đổ mạnh vào dệt may

(DĐDN)-  Dường như đã đoán trước được những cơ hội sẽ đến trong năm 2015 khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) chính thức hình thành, TPP, FTA VN-EU… đang đi đến hồi kết, vì vậy trong quý I/2015, các DN nước ngoài liên tục đổ vốn đầu tư vào lĩnh vực dệt may VN.

Khu vực miền Trung và được các nhà đầu tư xem là khu vực hội tụ đủ “thiên thời, địa lợi” để đầu tư vào lĩnh vực dệt may của VN
Mảnh đất được nhiều nhà đầu tư nước ngoài nhắm tới để đầu tư là khu vực miền Trung và được các nhà đầu tư xem là khu vực hội tụ đủ “thiên thời, địa lợi” để đầu tư vào lĩnh vực thế mạnh của VN.
Ngoại đua đổ vốn
Nhiều nhất có lẽ vẫn là các nhà đầu tư Hàn Quốc, khi thời gian cuối năm 2014, đầu năm 2015 các DN này liên tục đổ vốn vào các dự án dệt may. Mới nhất, trong tháng 3 vừa qua, UBND tỉnh Bình Định đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Cty Onewoo đầu tư khoảng 6 triệu USD vào cụm công nghiệp Hà Lam, Chợ Được. Hay như dự án đầu tư dệt nhuộm, may Tam Thăng, Tam Kỳ (Quảng Nam) của nhà đầu tư PanKo Tam Thăng với tổng vốn đầu tư 30 triệu USD. Một Cty khác của Hàn Quốc là Poong In Vina chuyên sản xuất và gia công các sản phẩm may mặc gần đây cũng mở rộng tăng thêm 4 triệu USD để xây dựng nhà máy thứ 5 tại Bình Dương. Lãnh đạo DN này cho biết, phần lớn sản phẩm được XK sang thị trường Mỹ, Việc tăng vốn đầu tư này là nhằm đón đầu cơ hội VN  tham gia vào Hiệp định TPP để hưởng thuế suất nhập khẩu 0%. Thậm chí DN này còn có kế hoạch của Pooing In Vina là xây tiếp nhà máy thứ 6 và thứ 7 trong thời gian ngắn tới.
Mới đây, Tập đoàn dệt may Delta Galil Industries của Israel cũng đã làm việc với tỉnh Bình Định về dự án đầu tư 13 triệu USD vào lĩnh vực dệt, nhuộm, may mà DN này đang có ý định đầu tư tại đây. Dự kiến, sẽ thu hút hàng ngàn lao động và tạo ra một sản lượng nguyên phụ liệu và sản phẩm dệt may khá lớn với  doanh thu dự kiến đạt khoảng 30 triệu USD. Dự án này sẽ khởi công trong II/2015.
Đặc biệt, gần đây các DN dệt may Thái Lan cũng bắt đầu “để mắt” tới thị trường VN. Bằng chứng là chỉ từ tháng 8/2014 đến cuối tháng 3/2015, Hiệp hội các nhà sản xuất dệt may Thái Lan (TGMA) đã 2 lần đưa các đoàn DN dệt may nước này sang tìm hiểu thị trường và ngỏ ý muốn đầu tư lâu dài vào VN.
Việc các nhà đầu tư ngoại đầu tư mở rộng sản xuất nguyên phụ liệu ở thời điểm này “giúp” VN gia tăng tỷ lệ nội địa hóa.
Thực ra cũng không khó hiểu khi gần đây các DN Thái Lan liên tục đổ dồn sang VN tìm cơ hội đầu tư trong đó có lĩnh vực dệt may. Thái Lan hiện là một trong những quốc gia hàng đầu về dệt may, nhất là khâu dệt và thiết kế. Nước này cũng đã đưa ra tham vọng trong vòng 20 năm tới sẽ trở thành trung tâm thời trang của châu Á. Hơn nữa, cánh cửa Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) đang dần mở ra, trong khi Hiệp định TPP đối với VN cũng đang đi vào giai đoạn nước rút. Một điều chắc chắn rằng, con mắt nhà nghề của các nhà đầu tư Thái Lan đã nhìn thấu được những cơ hội đang đến với  thị trường VN. Chả thế mà bà Malinee Harnboonsong, Giám đốc Cục Xúc tiến thương mại quốc tế của Thái Lan đã thừa nhận, sắp tới, các DN dệt may của Thái Lan sẽ điều chỉnh chiến lược kinh doanh và VN được chọn nhằm bù đắp sự hạn chế của DN Thái Lan, khi chưa xuất khẩu được nhiều sang Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ. “VN không phải là đối thủ mà là đối tác của Thái Lan, nhất là khi AEC có hiệu lực” - bà Malinee Harnboonsong nói.
Nội tăng hỗ trợ
Trong bối cảnh đó, bản thân Hiệp hội dệt may VN (Vitas) cũng không thể ngồi yên, Hiệp hội này đang có những động thái mạnh mẽ để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài thông qua việc rà soát lại ngành và kiến nghị với Chính phủ xây dựng các trung tâm dệt may giống như một số cường quốc dệt may trên thế giới như Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc… đã làm thành công. Chẳng hạn ở phía Bắc sẽ thí điểm ở Nam Định, với quy mô 1.500 ha (giai đoạn I là 600 ha đã được Chính phủ phê duyệt). Phía Nam tập trung tại tỉnh Tây Ninh… Nếu khả thi đây sẽ là cơ sở để VN thu hút ngày càng nhiều nhà đầu tư vào lĩnh vực dệt may.
Tuy nhiên, đây vẫn là câu chuyện của tương lai, còn hiện tại, ngành dệt may của VN tiếng là có quy mô lớn, nhưng lại không mạnh, do lệ thuộc đến 85% vào nguyên liệu nhập khẩu và trên 70% là sản xuất gia công. Vì vậy, việc các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư mở rộng sản xuất nguyên phụ liệu ở thời điểm này ở góc độ nào đó lại “giúp” cho ngành dệt may VN chủ động nguyên phụ liệu, gia tăng tỷ lệ nội địa hóa.

Quốc Anh - dddn.com.vn