(QĐND)- Việc đội tuyển
nữ Việt Nam để thua Thái Lan trong trận play-off tranh vé dự VCK World Cup 2015
(ở Ca-na-đa) vào năm ngoái, ngay trên SVĐ Thống Nhất (TP Hồ Chí Minh), đến giờ
vẫn khiến lãnh đạo Liên đoàn Bóng đá
Việt Nam (VFF) và người hâm mộ không khỏi
suy nghĩ. Phải thẳng thắn nhìn nhận, bóng đá nữ Thái Lan nói riêng, bóng đá xứ
chùa Vàng nói chung luôn đi trước các nước trong khu vực một bước.
Giải VĐQG nữ Việt Nam
ra đời năm 1998, nhưng bao năm qua thường chỉ có 6 CLB là Hà Nội 1, Hà Nội 2,
TP Hồ Chí Minh, Than Khoáng sản Việt Nam, Phong Phú Hà Nam và Gang thép Thái
Nguyên tranh tài. Giải năm nay có thêm đội mới Tao Đàn, thực chất là đội trẻ
của TP Hồ Chí Minh.
Đội tuyển Việt Nam (bên trái) vấp ngã trước Thái
Lan trong trận play-off giành vé dự VCK World Cup 2015.
Tân HLV trưởng đội
tuyển bóng đá nữ Việt Nam ,
ông Ta-ka-si đã có mặt ở TP Hồ Chí Minh để theo dõi lượt đi Giải VĐQG nữ 2015,
nhằm tuyển quân cho đội tuyển quốc gia. Thế nhưng đây là việc khó với chiến
lược gia người Nhật Bản này. Bao đời HLV trưởng đội tuyển nữ Việt Nam ,
việc lấy quân luôn là bài toán khó. Quanh đi quẩn lại, HLV chủ yếu chọn quân từ
Hà Nội 1, TP Hồ Chí Minh, Phong Phú Hà Nam và Than khoáng sản Việt Nam.
Một số đội còn lại như
Gang thép Thái Nguyên mấy năm gần đây cố gắng duy trì đội bóng. Tuy nhiên, lãnh
đạo đội bóng này cũng đôi ba lần tính giải tán CLB vì không có kinh phí.
Để duy trì và động
viên các đội dự Giải VĐQG nữ, VFF thường xuyên hỗ trợ kinh phí cho các đội. Đơn
cử như mùa bóng 2011, VFF hỗ trợ cho cả 6 đội dự giải. Gang thép Thái Nguyên,
Phong Phú Hà Nam
mỗi đội nhận 80 triệu đồng. Hà Nội 1, Hà Nội 2, TP Hồ Chí Minh và Than khoáng
sản Việt Nam, mỗi đội nhận từ VFF 50 triệu đồng.
14 năm trước, VFF tiến
hành hội thảo về bóng đá nữ, đặt mục tiêu giải vô địch quốc gia phải có 10 đội
trở lên. Trong đó, hai địa phương mạnh về bóng đá nữ là Hà Nội và TP Hồ Chí
Minh, mỗi nơi phải có hai đội trở lên và hiện tại, cả hai thành phố lớn đã có
hai đội dự giải. Nhưng cách nhìn nhận, cùng tư duy làm việc không theo kịp xu
thế phát triển chung nên một thập kỷ qua, các đội bóng đá nữ như Lâm Đồng, Hải
Phòng, Quảng Ngãi, Long An đã biến mất trên bản đồ bóng đá nước nhà.
Giải VĐQG nữ Việt Nam
2015, với 7 đội bóng tham dự thì mỗi đội chỉ được thi đấu tối đa 12 trận, rải
ra 6 tuần trong 3 tháng. Thời gian còn lại trong năm, các đội chỉ tập chay. Có
được quân U.15, U.17 của nam tập cùng, đá giao hữu thì quý vô cùng.
Trong khi đó, bóng đá
nữ Thái Lan đến năm 2009 mới tổ chức được giải VĐQG nữ đầu tiên với 5 CLB, bởi
trước đó, hầu hết các cầu thủ chơi bóng cho trường đại học và thi đấu trong hệ
thống bóng đá sinh viên. Nhưng hai năm sau, bóng đá nữ Thái Lan đã phát triển
mạnh với giải VĐQG gồm 8 CLB. Một năm sau nữa (2012) thì đã tách ra làm hai
hạng với giải VĐQG (Thai’s Women Premier League) với 8 CLB và giải hạng Nhất (Thai
Women’s League Division 1) cũng với 8 CLB. Hai đội xếp cuối ở giải VĐQG sẽ phải
xuống hạng, nhường suất chơi ở Thai’s Women Premier League cho đội vô địch và á
quân giải hạng Nhất. Tổng cộng bóng đá nữ Thái Lan có 16 CLB nữ, thi đấu vòng
tròn từng hạng và thi đấu hỗn hợp loại trực tiếp ở Cúp Quốc gia. Như vậy, trung
bình mỗi năm, một CLB nữ Thái Lan thi đấu tối thiểu 16 trận, tối đa là 23 trận
và kéo dài suốt gần 6 tháng.
Không tính đến chuyện
lương bổng, chế độ đãi ngộ, tập huấn, thì chỉ riêng chuyện các đội bóng nữ xứ
chùa Vàng được thi đấu nhiều gấp đôi các đội bóng ở Việt Nam cũng đã tạo ra sự
khác biệt là kinh nghiệm chinh chiến, nâng cao nền tảng thể lực và độ
"lì" trên sân cỏ.
Trận play-off ở sân
Thống Nhất năm 2014, trong khuôn khổ VCK Asian Cup đã cho thấy, khi Thái Lan và
Việt Nam có trình độ tương đồng thì yếu tố tâm lý, bản lĩnh sẽ đóng vai trò
quyết định. Trong khi đội tuyển nữ Thái Lan điềm tĩnh tranh tài thì đoàn quân
của HLV Trần Vân Phát đã không thể hiện được những phẩm chất tốt nhất do căng
thẳng, khớp tâm lý ở thời điểm then chốt.
Hiệp hội Bóng đá Thái
Lan (FAT) đã, đang và sẽ luôn có chiến lược khoa học, dài hơi nhằm giúp bóng đá
nữ Thái Lan phát triển. Thông qua hàng loạt sách lược như đẩy mạnh đào tạo trẻ,
tăng cường thi đấu cọ xát, đưa cầu thủ sang Nhật Bản, Thụy Điển đá thuê, đi tập
huấn dài ngày… Để chuẩn bị dự VCK World Cup 2015, FAT đã lên kín lịch thi đấu
giao hữu cho thầy trò HLV Nu-eng-ru-tai. Ngày 12 và 14-3 tới, đội tuyển nữ Thái
Lan sẽ đá hai trận giao hữu với Pa-pua Niu Ghi-nê, để kiểm tra thực lực sau
chuyến tập huấn kéo dài một tháng ở Hà Lan.
Bài, ảnh: PHAN LÊ - qdnd.vn