(laodong)-
Trước thông tin Thái Lan sẽ cấp phép cho lao động VN vào làm việc tại quốc gia
này, PV Báo Lao Động đã có cuộc phỏng vấn lãnh đạo Bộ LĐTBXH. Theo Thứ trưởng
Nguyễn Thanh Hòa (ảnh),
việc Thái Lan hợp thức hóa cho lao động Việt Nam vào
làm việc tại đất nước này không có nghĩa là họ đã khuyến khích lao động tự do.
Và việc nhận lao động của Việt Nam sang làm việc vẫn chỉ uu tiên lao động cho
các ngành họ đang thiếu nhân công.
Trả lời câu hỏi của PV Báo Lao Động về việc đàm phán
thỏa thuận hợp tác lao động giữa Việt Nam và Thái Lan đã được tiến hành từ
những năm trước. Sau động thái nêu trên của Thái Lan, chúng ta còn phải tiến
hành những công việc gì để đi đến ký kết thỏa thuận hợp tác lao động chính thức
giữa hai bên? Thứ trưởng Nguyễn Thanh Hòa cho biết:
- Từ hai năm nay Bộ LĐTBXH đã thành lập tổ công tác
chuẩn bị cho việc ký kết thỏa thuận với Thái Lan. Ta cũng đàm phán với bạn dự
thảo thỏa thuận hợp tác lao động tương đối chi tiết, nhưng do bạn có xáo trộn
chính trị, nên mọi việc bị trì trệ từ cuối năm 2013. Điểu kiện thuận lợi là
Chính phủ mới của Thái Lan rất thiện chí và ủng hộ vấn đề này, trên cơ sở có sự
thống nhất giữa 2 thủ tướng hai nước thì thỏa thuận càng được xúc tiến nhanh
hơn. Chúng ta quyết tâm đàm phán triển khai thỏa thuận với bạn để hợp thức hóa;
đàm phán để ký kết thỏa thuận hợp tác lao động trong tháng 3.2015.
Xin ông cho biết rõ hơn về các tiêu chí, nội dung Việt
Nam đề ra trong thỏa thuận?
Chúng ta quyết tâm thỏa thuận để được đa dạng các
ngành nghề, lĩnh vực; hiện Thái Lan thiếu lao động trong các ngành nghề dịch
vụ, trong khi, lao động của ta có sở trường về mảng này, nên chúng ta sẽ có lợi
thế. Đương nhiên khi đàm phán nước bạn cũng sẽ cân đối với lực lượng lao động
và nhu cầu trong nước. Chúng ta cố gắng làm thế nào để cửa mở rộng nhất cho lao
động của ta.
So với các nước mà Thái Lan đã thực hiện cấp phép như
Lào, Campuchia… Việt Nam có phải cạnh tranh gay gắt hay không, thưa ông?
- Quá trình vừa qua đã thực sự là quá trình cạnh
tranh. Chúng ta thừa hiểu lao động mỗi nước đều có thế mạnh riêng và ta cũng có
thế mạnh mà lao động các nước khác không bằng. Lao động Việt Nam năng động,
linh hoạt và thích ứng với ngành nghề dịch vụ, có thế mạnh về xây dựng, đánh
bắt thủy hải sản… Vấn đề cốt lõi ở đây là chúng ta mong muốn hợp tác với bạn
nên phải xác định sẽ đưa lao động có kỹ năng sang làm việc nhằm thể hiện bộ mặt
nhân lực, lao động tốt và đáng tin cậy.
Trong các đề xuất, nhóm lao động đã từng sang Thái Lan
làm việc một cách danh chính ngôn thuận có được ưu tiên hơn hay không?
- Nhà nước có trách nhiệm tạo điều kiện và ủng hộ
những người có kinh nghiệm. Nhóm này đi có nhiều thuận lợi và đương nhiên chúng
ta phải hoan nghênh.
Thưa ông chúng ta sẽ chuẩn bị những gì cho lao động để
hướng tới ngoài thị trường Thái Lan sẽ là ngôi nhà chung ASEAN?
- Chúng ta đang đàm phán trong các nước ASEAN một thỏa
thuận chung của cả khối về di cư lao động. Dễ dàng nhận thấy đòi hỏi của Thái
Lan hay một nước nào đó chỉ là nhỏ hẹp, còn đáp ứng được yêu cầu khối ASEAN cần
những nội dung rộng hơn. Nhóm nước tiếp nhận lao động và nước gửi lao động đang
phải thương lượng với nhau.
Hiện, kỹ năng, trình độ của lao động Việt Nam đáp ứng
được yêu cầu của các nước xung quanh, những thị trường rất khó như Singapore
thì yêu cầu khắt khe hơn. Cái ta quan tâm là các thị trường yêu cầu cao hơn
trong XKLĐ cần phải chuẩn bị tốt hơn. Tuy nhiên, cũng không nên sốt ruột vì đây
là vấn đề con người, để con người thay đổi cần cả quá trình. Hiện chúng ta đang
nỗ lực vận hành trong quá trình chung đó: Quan tâm đầu tư cho dạy nghề; cố gắng
xây dựng ý thức, tác phong, nếp sống ở một xã hội công nghiệp;… Riêng Thái Lan,
việc “mở cửa” lần này chúng ta phải lưu ý, những người đang làm việc tự do đáp
ứng được các yêu cầu sẽ được hợp thức, nhưng việc này không đồng nghĩa với
khuyến khích lao động “chui”. Chúng ta chỉ khuyến khích di cư an toàn, di cư
hợp pháp. Về mặt nhà nước, ta sẽ ký thỏa thuận để đưa lao động sang an toàn,
hợp pháp.
Xin ông cho biết số lao động bất hợp pháp của ta tại
Thái Lan thời điểm này là bao nhiêu?
- Các cơ quan hữu quan của Thái Lan cũng chưa thống
nhất về con số (có cơ quan nói khoảng 100.000 người, có cơ quan nói khoảng
60.000), vì lao động “chui” không kiểm soát được. Phía Việt Nam nhận định con
số hơn 50.000 người. Lần này nếu bạn làm tốt và các điều kiện đăng ký có lợi
cho người lao động thì số đăng ký được rất lớn.
- Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
Lê Phương - laodong.com.vn