14/2/15

Nạn buôn người ở Thái Lan

(PN)- Việc 19 người Thái Lan (trong đó có 15 cảnh sát) bị bắt giữ và đang trong quá trình bị khởi tố vì có liên quan đến một đường dây buôn người từ Myanmar cho thấy mức độ nghiêm trọng của nạn buôn người tại đây.

Thứ trưởng Ngoại giao Thái Lan Don Pramudwinai ngày 31/1 xác nhận việc nhiều nhân vật cấp cao đã bị bắt giữ và đang trong quá trình bị khởi tố vì có liên quan đến một đường dây buôn người từ Myanmar.
Số người bị bắt là 19 người, gồm 15 cảnh sát (có cả cấp bậc đại tá và trung tá) cùng một thành viên của Hải quân Hoàng gia Thái Lan, hai quan chức địa phương và một nhân viên xã hội. Những người nói trên bị khởi tố với tội danh thiếu trách nhiệm, thậm chí có người tham gia trực tiếp vào đường dây phạm tội.
Người tị nạn Rohingya bị chính quyền Thái Lan bắt giữ - Ảnh: SCMP
Người Hồi giáo Rohingya không được công nhận là một trong 135 dân tộc chính thức ở Myanmar. Liên Hiệp Quốc (LHQ) mô tả đây là một trong những tộc người thiểu số bị ngược đãi nhiều nhất trên thế giới. Họ từng sống ở Bangladesh rồi dichuyển đến Myanmar. Nhưng, Myanmar cũng không công nhận quyền công dân của họ.
Năm 2011, LHQ bác bỏ yêu cầu của Myanmar đối với việc tái định cư cho khoảng 800.000 người Rohingya ở Myanmar sang các quốc gia khác. Cộng đồng trên chịu áp lực từ nhiều phía khiến họ buộc phải chọn cách chạy sang Thái Lan bằng đường bộ hoặc tàu đánh cá nhỏ để tìm hy vọng sống. Họ không ngờ cơn ác mộng thật sự đang chờ đợi mình sau khi đến được đất Thái.
Tháng trước, cảnh sát Thái Lan đã chặn năm chiếc xe ở quận Hua Sai, tỉnh Nakhon Si Thammarat, cách Bangkok 700km và phá được vụ buôn người với 98 nạn nhân là người dân tộc Rohingya, trong đó, 42 nạn nhân là trẻ em dưới 14 tuổi.
Trước đó, loạt bài điều tra của Reuters năm 2013 từng tiết lộ thông tin động trời là một số quan chức Thái Lan liên quan đến việc bắt những người thiểu số Rohingya của Myanmar rồi “trao” họ vào tay bọn buôn người, thay vì trục xuất họ trở lại Myanmar. Sau đó, họ bị bọn buôn người đưa vào những khu trại bí mật trong rừng.
Giá sang tay mỗi người là 200 USD. Những người sức khỏe yếu, không trụ nổi trước những cuộc bắt bớ, buôn bán thì qua đời mà chẳng ai biết đến. Người nào may mắn có người thân thì sẽ được yêu cầu tiền chuộc khoảng 2.000 USD để có thể về với gia đình. Cũng có những người bị bán cho các công ty tàu biển hoặc các cơ sở lao động với giá từ 155 USD đến 1.550 USD mỗi người để làm lao động chân tay. Một kẻ buôn người từng tiết lộ, giá cả chênh lệch tùy theo kỹ năng từng người.
Người tị nạn Rohingya bị bắt ở Thái Lan, chờ thẩm vấn - Ảnh: www.dvb.no
Những phận người bị đưa sang Thái Lan và rơi vào vòng xoáy kiểu buôn nô lệ này không chỉ đến từ Myanmar mà còn có những người từ Bangladesh. Cũng trong cuộc điều tra do Reuters thực hiện nêu trên, nhiều người Bangladesh bị đẩy lên những tàu đánh cá để đưa đến Thái Lan. Họ cùng các nạn nhân từ Myanmar trở thành “món hàng” cho các tay buôn người phân phối qua nhiều luồng khác nhau, trong đó có nhóm đối tượng nạn nhân là trẻ em, phụ nữ bị ép bán làm nô lệ tình dục.
Tháng 6/2014, Bộ Ngoại giao Mỹ xếp Thái Lan vào nhóm quốc gia có nạn buôn người kinh khủng nhất thế giới, và chỉ trích nước này không tuân thủ các tiêu chuẩn tối thiểu để loại trừ vấn nạn buôn người. Đánh giá này có tham khảo các bài viết của Reuters.
Đáp lại, Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha tuyên bố tại Bangkok là chính phủ sẽ đẩy mạnh các biện pháp chống nạn buôn người. Thứ trưởng Ngoại giao Thái Lan Don Pramudwinai nhấn mạnh, sự kiện bắt giữ các sĩ quan cảnh sát cấp cao lần này đã chứng minh phần nào quyết tâm của chính quyền quân sự trong nỗ lực diệt trừ nạn buôn người.

THIÊN NHƯ (Theo AFP, Reuters) - phunuonline.com.vn