(baodatviet)- Trong việc xuất khẩu gạo rõ ràng khâu quan trọng nhất là người
nông dân nhưng họ không được hưởng lợi thì sẽ nản.Không có nguồn hàng tốt
DN sao cạnh tranh?
GS Trần Duy Quý nguyên Viện trưởng Viện Di truyền Nông nghiệp Việt
Nam đã phân tích dưới góc nhìn hai chiều cả từ phía người nông dân và doanh nghiệp
khi bàn câu chuyện xuất khẩu gạo Việt Nam khi luôn dùng thế mạnh là giá
rẻ. Tuy nhiên ‘chiêu bài’ này đang gặp phải không ít khó khăn.
Sẽ còn khó khăn hơn
PV: - Thưa ông thông tin mới đây nhất cho
thấy Thái Lan đang sẵn sàng bán giá thấp cả đối với gạo tồn kho vụ cũ và gạo
mới. Phản ứng với điều này Bộ Công thương đã yêu cầu các đơn vị nghiên cứu cụ
thể tác động của sự cạnh tranh của Thái Lan đối với hoạt động xuất khẩu gạo của
Việt Nam trên các khu vực thị trường như: Chủng loại mặt hàng, phương thức tăng
cường giao dịch, đẩy mạnh xuất khẩu gạo, các biện pháp hỗ trợ của Chính phủ
Thái Lan đối với hoạt động XK gạo, giải phóng tồn kho. Ông đánh giá như thế nào
về động thái này của Bộ Công thương? Liệu có còn kịp để Việt Nam lựa chọn một
giải pháp cho xuất khẩu gạo trong bối cảnh khó khăn này hay không?
GS Trần Duy Quý: - Dù sao đi nữa lúc này Bộ Công
thương có động thái nghiên cứu dù chậm nhưng còn hơn không. Giờ phải làm để tìm
ra xem khâu nào yếu nhất để điều chỉnh.
Nằm trong Chương trình về lúa gạo tôi vừa qua có chuyến khảo
sát tại Thái Lan để tìm hiểu kỹ về việc sản xuất lúa gạo tại nước này.
Qua khảo sát thấy rằng hiện mỗi gia đình ở đây trồng trung
bình là 16 ha lúa nên việc canh tác dùng toàn bộ bằng máy nên các chi phí rất
rẻ. Nhất là trong tình hình giá dầu liên tục giảm lại càng tạo điều kiện thuận
lợi cho việc canh tác của người dân. Một công lao động của họ bằng 10 công lao
động của mình.
Lúa Thái Lan có năng suất thấp chỉ có 3 tấn/ha/năm còn Việt Nam là
10 tấn/ha/năm nhưng gạo Thái Lan chế biến tốt. Tất cả những hạt gãy, xấu xí đều
được tách màu loại ra hết. Còn Việt Nam không qua đánh bóng mà mua nhiều loại
trộn lẫn nên không thể tách hạt đều.
Cả nước họ chỉ có 20 giống, quy vùng mỗi nơi vài triệu hecta nên
khi cần huy động lại họ có 4-5 triệu tấn gạo cùng loại.
Còn ở Việt Nam riêng ĐBSCL có khoảng 30-40 loại giống mà thương
lái không chịu đầu tư cứ đến mua ào ạt về chế biến bằng cách xay ra. Không qua
hệ thống tách màu và sàng lọc nên chất lượng kém.
Tôi thấy từ những cơ sở lớn từ nhà nước cho đến tư nhân người ta
đều trangbị máy móc, từ máy cấy cho đến công tác bảo quản, chế biến.
Hơn nữa người ta quản lý thống nhất giống nhưng ở Việt Nam khâu
này rất yếu. Cứ để doanh nghiệp cạnh tranh không lành mạnh để phẩm chất giống
kém, thậm chí người dân còn tự để giống chứ chưa tạo được vùng sản xuất giống.
Ở Thái Lan mỗi huyện có một cơ sở sản xuất giống của dân tự quản
và nhà nước quản lý đầu tư mang giống đến kiểm nghiệm toàn bộ và thu mua toàn
bộ để bán lại cho dân.
Hiện nay Thái Lan giữ ổn định giống lúa thơm để có khoảng 12 triệu
tấn thóc/năm để có 8 triệu tấn gạo xuất khẩu ổn định.
Họ phân loại giống cấp cao xuất khẩu đi châu Âu, Mỹ, còn giống
trung bình bán cho người trung lưu ở Việt Nam, giống cấp thấp mới bán cho người
dân thu nhập thấp. Họ thực hiện các khâu từ đánh bóng, sàng lọc hạt gãy khiến
hạt gạo như hạt ngọc rồi mang bán trong siêu thị được chia ra 5 cấp giá khác
nhau.
Tôi thấy rằng có nhiều bài học các doanh nghiệp, cơ quan quản
lý của Việt Nam phải học hỏi và thay đổi, nếu không ngành nông nghiệp sẽ gặp
khó khăn rất nhiều vì không thể cạnh tranh.
PV: - Trong khi Bộ Công thương vẫn đang nghiên cứu
tìm giải pháp thì ngay từ cuối tháng 11, Hiệp hội lương thực Việt Nam - VFA đã
điều chỉnh giá sàn xuất khẩu xuống 380 USD một tấn loại gạo 25% tấm thay vì 410
USD. Ông có ngạc nhiên trước phản ứng này của VFA không và tại sao? Điều này liệu
có dự báo, hai tổng công ty lương thực sẽ ứng phó với việc Thái Lan xuất khẩu
gạo giá thấp bằng cách bán… giá thấp hơn không, thưa ông?
GS Trần Duy Quý: - Thực ra chuyện này cũng không bất
ngờ vì Hiệp hội bao giờ cũng tính chuyện làm thế nào để lãi nhanh nhất và
không bị tồn hàng cho các doanh nghiệp. Họ ít chú ý đến người dân thế nên người
dân làm nông nghiệp ở Việt Nam mới khốn khó như vậy.
Đáng ra nhà nước phải đầu tư cùng dân nên lúc nào cũng phải đảm
bảo để người dân có lợi nhất. Giống như Thái Lan hỗ trợ nhưng là cho người sản
xuất chứ không hỗ trợ doanh nghiệp mua tích trữ như Việt Nam.
Nhiều ý kiến phê phán điều này đã được các chuyên gia đưa ra và
cho rằng đây là lợi ích nhóm. Bởi trên thực tế hỗ trợ thu mua tạm trữ là lợi
cho doanh nghiệp chứ người dân không được hưởng lợi.
Cách làm theo kiểu để doanh nghiệp chọn mua và tìm cách bán sao
cho có lời nhất còn người dân ai muốn làm gì không quan tâm rồi hỗ trợ tiền để
doanh nghiệp mua tạm trữ, thực chất là người dân không được gì từ đây.
Hiện ở Việt Nam mới có Công ty thực vật An Giang đang học cách làm
của Thái Lan. Tức là họ quy vùng lại yêu cầu người dân dùng một loại giống và
thuốc bảo vệ thực vật, kỹ thuật canh tác sau đó thu mua giá ổn định. Từ sản
phẩm này họ mới chế biến và thương mại đi các nước.
PV: - Nhìn vào hai động thái trên, dư
luận đặt dấu hỏi, phải chăng có một sự lệch pha giữa điều hành của Bộ Công
thương và hoạt động xuất khẩu gạo: một bên mong muốn tìm thị trường tốt, bán
giá cao, một bên sẵn sàng bán giá thấp để hưởng chênh lệch? Ông có chia sẻ với
băn khoăn này không? Nếu vậy thì rào cản để xuất khẩu gạo Việt Nam đạt giá trị
cao hơn, mang lại lợi nhuận cao cho người nông dân phải được chỉ rõ là gì, thưa
ông?
GS Trần Duy Quý: - Như tôi đã nói các
Hiệp hội, Tổng Công ty lương thực của Việt Nam mới đang chỉ chú ý đến việc kinh
doanh cho có lợi nhuận nên khi thấy tình hình không ổn phải hạ giá theo để đỡ
bị sa vào lỗ.
Bài toán này mới chỉ dành phần thắng cho doanh nghiệp còn người
dân chắc chắn lại bị bóp giá tiếp. Cho nên người dân không muốn cấy lúa chất
lượng cao để tránh rủi ro.
Rào cản lớn nhất để gạo Việt mang lại giá trị cao hơn
hiện nay chính là tình trạng bát nháo. Đáng ra nhà nước phải yêu cầu các
doanh nghiệp đầu tư cả về kỹ thuật, phân bón, thu mua ổn định theo giá thị
trường và phải đi cùng người nông dân.
Đằng này cứ để cho dân tự làm thì hạt gạo của Việt Nam sẽ
không thể cạnh tranh được và người nông dân thì không thể hưởng đúng được so
với công sức bỏ ra chứ chưa nói gì đến lợi nhuận cao.
Nếu để cho dân tự làm thì hạt gạo của Việt Nam sẽ không thể cạnh
tranh
Còn được hỗ trợ doanh nghiệp sẽ lười đổi mới
PV: - Nhìn từ lợi ích của hai công ty
lương thực, quả thật, với việc thu mua giá rẻ và bán giá rẻ như hiện nay, lợi
nhuận của hai công ty vẫn đang được đảm bảo. Nhưng đã có những dấu hiệu chứng
tỏ, đối tác nắm thóp và ép giá thấp hơn, trong khi, người nông dân làm lúa
không có lãi bỏ ruộng hay chuyển đổi cây trồng, đồng nghĩa, tiếp tục cách làm
ăn này, hai tổng công ty lương thực sẽ tự gây khó cho mình. Điều này có đúng
không thưa ông? Vậy thì phải lý giải sự trì trệ không chịu thay đổi của họ như
thế nào?
GS Trần Duy Quý: - Điều này rất đúng. Đáng ra các
tổng công ty này phải tìm kiếm và đấu tranh bảo vệ xây dựng thương hiệu gạo của
Việt Nam.
Ví dụ ở miền Nam muốn cạnh tranh gạo thì chỉ cần 5 giống, quy vùng
lại. Tức là tất cả những vùng muốn xuất khẩu thì phải cấy giống theo yêu cầu và
được cung cấp vật tư. Tuyệt nhiên không được mua giống khác thì mọi việc sẽ ổn
định ngay. Muốn làm được như vậy thì doanh nghiệp phải đi cùng với dân.
Còn nếu làm theo kiểu hớt váng, xương xẩu để cho người nông dân
thì về lâu dài họ đang tự chặt chân mình. Lý do là vì khi sự vất vả kéo dài
nhiều năm nhưng người dân vẫn khó khăn thì không có lý gì họ cứ chạy theo mãi.
Khi họ chán bỏ ruộng thì doanh nghiệp không có gì để mua bán và
xuất khẩu. Hoặc không có sản phẩm chất lượng cao thì cũng không thể nói chuyện
cạnh tranh trên thương trường.
Nói chung phải bỏ những khâu trung gian và nhà nước phải có những
yêu cầu đối với các đơn vị được giao trách nhiệm phát triển đầu mối xuất khẩu
gạo. Phải có những cam kết nếu không làm được thì phải chịu trách nhiệm như thế
nào thay vì chỉ tính chuyện đi buôn cho có lãi.
Như kinh nghiệm các nước cho thấy nhà nước không quản lý chi tiết
tới từng doanh nghiệp (xem việc chi lương, nhân sự ra sao) mà chỉ quản lý sản
phẩm cuối cùng. Quan tâm đến kết quả cuối cùng xem họ đã làm được gì, điều đó
mới là quan trọng.
Nếu giao khoán sẽ không có chuyện hớt váng, ăn bớt và khoán gọn
doanh nghiệp sẽ biết tìm cách làm thế nào cho tốt nhất.
Dù có thể như thế nhưng cách làm ăn trì trệ kéo dài suốt thời gian
của các doanh nghiệp phụ trách xuất khẩu gạo là vì chưa cổ phần hóa hết hoặc có
sân sau hỗ trợ nênhọ không cần đổi mới.
Không những thế thỉnh thoảng được nhà nước hỗ trợ vài chục nghìn
tỷ mua gạo thì họ chỉ đảm bảo lãi cho mình mà không tội gì phải thay đổi.
PV: - Tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã
được xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới. Nếu không giải bài
toán phụ thuộc hai đầu: đầu vào (giống, thuốc trừ sâu, phân bón…); đầu ra (xuất
khẩu giá rẻ) bóp nghẹt người nông dân, có thể thấy trước kết quả của sự tái cơ
cấu này ra sao? Muốn tránh được viễn cảnh đó, điều đầu tiên cần phải làm là gì?
GS Trần Duy Quý: - Tái cơ cấu nếu làm đúng thì sẽ
đem lại nhiều thay đổi cho nền nông nghiệp nhưng nếu vẫn còn lợi ích nhóm mà
không giải quyết được thị trường thì tái cơ cấu không thành công.
Cái khó nhất của Việt Nam là giữ được thị trường ổn định, muốn làm
được điều đó thì doanh nghiệp và Chính phủ lăn vào chỉ đạo sát xao, quản được
đầu vào và chi tiêu để xem cái gì hỗ trợ được cho dân.
Nói chung nếu người dân được hỗ trợ thì họ rất nhiệt tình còn nếu
không là họ phá ngang, rất khó. Rõ ràng khâu quan trọng nhất là người nông dân
nhưng họ không được hưởng lợi thì họ sẽ nản. Khi không có sản phẩm chất lượng
tốt thì chắc chắn đi cạnh tranh sẽ thua thiệt.
Phải coi người nông dân là quan trọng nhất bởi họ mới là người sản
xuất ra sản phẩm!
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Bích Ngọc (thực hiện) - baodatviet.vn