26/7/14

Quân đội Thái Lan cứu xét cải cách kinh tế dài hạn

(VOA)- Chính phủ quân nhân Thái Lan đang vận động cải thiện kỹ thuật thông tin và quan hệ kinh tế chặt chẽ hơn khắp đông nam châu Á trong khuôn khổ một loạt cải cách kinh tế.
Theo tường trình của thông tín viên VOA Ron Corben từ Bangkok, các chuyên gia nói các kế hoạch này đánh dấu một sự chuyển đổi từ sản xuất cổ truyền và tăng trưởng do xuất khẩu thúc đẩy, một nền tảng phát triển trong mấy thập niên qua.
Cuộc vận động nhằm tăng cường vị thế của Thái lan trong kỹ thuật số và thông tin toàn cầu là một đề xuất chính của các cố vấn kỳ cựu về kinh tế cho chính phủ quân nhân.
Ông Narongchai Akranasee, thành viên của Ủy ban chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương, đồng thời là cố vấn cho chính phủ, nói rằng các nỗ lực quảng bá kỹ thuật số là cần thiết để nâng cao hiệu quả kinh tế:
“Chúng tôi muốn thấy một nền kinh tế dựa trên kiến thức ở Thái Lan. Một yếu tố cấp thiết ảnh hưởng đến nền kinh tế dựa vào kiến thức là việc kỹ thuật số hóa xã hội, Và khi nhìn vào hệ thống quản lý kỹ thuật số của chúng ta vào lúc này, thì đó là một mớ bòng bong.”
Các báo cáo của Diễn đàn Kinh tế Thế giới về tính cạnh tranh toàn cầu xếp hạng Thái Lan rất kém về mức độ các chính phủ, doanh nghiệp và giới tiêu thụ sử dụng các kỹ thuật liên kết nhắm thúc đẩy sự thịnh vượng kinh tế và xã hội.
Trong khu vực, Thái Lan xếp hạng trên Trung Quốc và Philippines một chút, nhưng thấp hơn nhiều so với Malaysia, Singapore và Triều Tiên.
Ông Narongchai nói chính phủ đang dựa chương trình kinh tế phần lớn vào kế hoạch 4 năm đã được chấp thuận bởi chính phủ dân sự dưới thời Thủ tướng lúc đó là bà Yingluck Shinawatra, mà chính quyền đã bị lật đổ trong cuộc đảo chính của quân đội ngày 22 tháng 10.
Kế hoạch của Hội đồng Phát triển Kinh tế và Xã hội kêu gọi tăng cường quan hệ kinh tế và thương mại xuyên suốt qua Kampuchea, Lào, Myanmar, Thái Lan, Việt Nam và tỉnh Vân Nam miền nam Trung Quôác.
Ông Narongchai cho rằng thúc đẩy các liên hệ kinh tế là một ưu tiên:
“Cỗ máy tăng trưởng mới sẽ là phát triển khu vực, có liên hệ với các nước láng giềng, với sự phát triển của tiểu vùng sông Mekong Mở rộng. Nếu ta nhìn vào kế hoạch lần thứ 11, thì sự nối kết là ưu tiên hàng đầu. Đó là lý do vì sao ta thấy đặc khu kinh tế được thành lập, đó là lý do vì sao ta thấy các ủy ban về ASEAN, mào đầu cho những sự việc mà chính phủ sẽ thực hiện.”
Hội đồng vừa dự báo nền kinh tế Thái Lan tăng trưởng ở mức ít nhất là 2 phần trăm trong năm nay, sau khi rơi vào tình trạng suy thoái trong quý đầu giữa tình hình bất ổn chính trị và xung đột. Ngân hàng trung ương cho biết dự kiến tăng trưởng trên 5 phần trăm trong năm 2015.
Nhưng Giám đốc của công ty chứng khoán Phatra, ông Supavud Saicheau cho rằng đất nước cần một kế hoạch kinh tế nhất quán trong khi phải đối mặt với những bất định chính trị và một cuộc tổng tuyển cử dự trù vào năm 2015.
“Mọi việc đã được tiến hành một cách hơi manh mún hơn, thay vì được phối hợp toàn diện theo một hướng cụ thể. Dường như không có một lộ đồ kinh tế mà đối với tôi đơn giản là “Sinh kế của Thái Lan sẽ ra sao trong 10 năm tới?” Chúng ta đã sinh nhai bằng cách khai thác khu vực công nghiệp như một cơ sở sản xuất. Nhưng sắp tới liệu chúng ta có tiếp tục theo con đường đó hay không?”
Quân đội nói mục tiêu là cải biến nền kinh tế, thúc đẩy sản xuất có giá trị gia tăng và các công nghiệp dịch vụ. Thái Lan vốn đã vấp phải tình trạng thiếu hụt lao động phải dựa vào công nhân di trú trong nhiều công nghiệp xuất khẩu. Các cải cách theo kế hoạch cũng bao gồm hệ thống thuế khóa, một sự cải tổ các doanh nghiệp nhà nước và cải thiện quản trị.

(voatiengviet.com)