(Gafin)- Nợ công của Thái Lan năm 2014 có thể tăng
lên 5,55 nghìn tỷ baht, chiếm 46% GDP với nguyên nhân chính là thua lỗ từ
chương trình trợ giá lúa gạo.
Theo nguồn tin của Bộ Tài chính Thái Lan, nợ công
của nước này có thể tăng lên 5,55 nghìn tỷ baht (171 tỷ USD) tương đương 46%
GDP của nước này trong năm tài khóa 2014 (tháng 10/2013 đến tháng 9/2014), tăng
5,22% so với 40,78% GDP trong năm tài khóa 2011, nguyên nhân chủ yếu là do
chương trình trợ giá lúa gạo.
Nguồn tin từ Bộ Tài chính cũng cho biết, mức thua
lỗ từ chương trình trợ giá lúa gạo hiện ở mức 500 tỷ baht (khoảng 15,4 tỷ USD).
Chính phủ của cựu thủ tướng Yingluck Shinawatra đã vay khoảng 730 tỷ baht (22,5
tỷ USD) với lãi suất trung bình 3%/năm để cấp vốn cho chương trình trợ giá
này.
Bộ Tài chính Thái Lan cho rằng cần ít nhất 6 năm để
giải quyết hết số nợ tồn đọng từ chương trình trợ giá này.
Nguồn tin của Bộ Tài chính cho rằng thua lỗ hàng
năm của chương trình trợ giá lúa gạo sẽ tăng thêm 150 tỷ baht (khoảng 4,6 tỷ
USD)/năm khi các khoản nợ được gia hạn. Bên cạnh đó, tiếp tục trì hoãn việc bán
lượng gạo lưu kho sẽ làm tăng gánh lãi suất và thua lỗ. Tuy nhiên, việc bán ra
lượng gạo dự trữ đã khiến giá gạo xuất khẩu của Thái Lan giảm.
Theo số liệu của Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo
Thái Lan (TREA), tháng 5/2014, gạo trắng 5% tấm xuất khẩu của Thái Lan có giá
390 USD/tấn, thấp hơn so với 405 USD/tấn gạo Việt Nam, 435 USD/tấn gạo Ấn Độ và
440 USD/tấn gạo Pakistan.
Trong khi đó, cựu thủ tướng Thái Lan, người đang
đối mặt với cáo buộc tham nhũng liên quan đến chương trình trợ giá lúa gạo, đã
yêu cầu Ủy ban chống tham nhũng quốc gia (NACC) thẩm vấn thêm 8 nhân chứng, kể
cả giám đốc Tổ chức Kho bãi chính phủ, giám đốc Văn phòng chính sách tài khóa
và chủ tịch ủy ban chính phủ về giá gạo và chất lượng gạo. Luật sư của cựu Thủ
tướng khẳng định rằng chương trình trợ giá hoàn toàn phù hợp với tuyên bố chính
sách quốc gia và rằng cựu Thủ tướng không liên quan đến những cáo buộc tham
nhũng.