(sggp)- Ngày 15-5, Ủy ban Bầu cử
(EC) của Thái Lan kêu gọi hoãn cuộc bầu cử quốc hội, dự kiến diễn ra vào ngày
20-7 tới, sau khi xảy ra vụ tấn công bằng súng và lựu đạn nhằm vào người biểu
tình chống chính phủ tại thủ đô Bangkok làm ít
nhất 3 người thiệt mạng và 22
người bị thương. Lời kêu gọi được đưa ra trong bối cảnh Thái Lan đang bước vào
cuộc khủng hoảng chính trị mới.
Người biểu tình xông vào nơi chính phủ đang họp.
Hoãn bầu cử đến tháng 8?
Theo giới chức cảnh sát, có 2 quả
lựu đạn M79 ném vào địa điểm biểu tình tại khu Tưởng niệm dân chủ, tiếp sau đó
có nhiều tiếng súng nổ. Hiện chưa rõ danh tính những đối tượng thực hiện vụ tấn
công. Theo Bangkok Post, cả hai phe biểu tình ủng hộ và phản đối chính phủ đều
có vũ khí. Số người thiệt mạng vì các vụ tấn công bằng súng và lựu đạn trong
chiến dịch kéo dài 6 tháng qua của Ủy ban Cải cách dân chủ nhân dân (PDRC) lên
27 người và số người bị thương lên hàng trăm. Sau vụ tấn công trên, hàng trăm
người biểu tình đã xông vào một căn cứ không quân ở phía Bắc thủ đô, nơi chính
phủ đang có cuộc họp với các quan chức bầu cử để ấn định ngày tiến hành cuộc bỏ
phiếu mới. Đám đông đã vượt qua hàng rào cảnh sát và tràn vào sân căn cứ này
khiến cuộc họp bị hoãn và quyền thủ tướng Niwatthamrong đã phải lẩn tránh đi
nơi khác.
Trước tình hình này, ngày 15-5,
EC của Thái Lan kêu gọi hoãn cuộc bầu cử quốc hội. Tổng Thư ký EC Puchong
Nutrawong đề xuất hoãn cuộc bầu cử đến đầu tháng 8 tới, song cho rằng thời điểm
đó “có thể vẫn là quá sớm”. Theo ông, bầu cử không thể diễn ra nếu người biểu
tình chưa nhất trí. Trước đó, cuộc bầu cử hồi tháng 2 vừa qua đã bị gián đoạn
sau khi người biểu tình phong tỏa nhiều điểm bỏ phiếu.
PDRC ra thời hạn chót
Ngày càng có nhiều lo ngại khủng
hoảng chính trị hiện nay tại Thái Lan leo thang thành các cuộc đụng độ trên
đường phố. Trong khi chính phủ tạm quyền cho rằng một cuộc tổng tuyển cử sẽ là
cách tốt nhất để hóa giải khủng hoảng đe dọa đẩy nền kinh tế Thái Lan rơi vào
suy thoái và gần hơn tới nguy cơ nội chiến, thì lực lượng biểu tình chống chính
phủ đòi bổ nhiệm một thủ tướng không qua bầu cử. Họ cho rằng chính quyền của
đảng Puea Thai đã mất tính hợp pháp.
Ngày 15-5, Tòa án tội phạm Thái
Lan đã phê chuẩn lệnh bắt giữ thêm 30 lãnh đạo của PDRC vì những cáo buộc kích
động dân chúng nổi loạn. Đêm 14-5, thủ lĩnh PDRC Suthep Thaugsuban tuyên bố nếu
đến hôm nay (16-5) mà Thượng viện không bổ nhiệm một chính phủ lâm thời thay
thế chính quyền hiện tại thì PDRC sẽ “giành quyền lực” và lập “hội đồng nhân
dân” để điều hành đất nước. Chính trường Thái Lan dường như sắp bước vào cuộc
khủng hoảng chính trị mới. Hãng tin Reuters dẫn nhận định một số nhà phân tích
lo ngại cuộc khủng hoảng đang tới giai đoạn cao trào hiện nay có thể châm ngòi
cho một cuộc đảo chính quân sự. Trong một tuyên bố chính thức hiếm hoi, ngày
15-5, Tư lệnh Lục quân Thái Lan Prayut Chan-O-Cha cảnh báo: “Nếu bạo lực tiếp
diễn, quân đội có thể cần ra mặt để khôi phục hòa bình và trật tự. Quân đội có
thể sử dụng vũ lực để giải quyết tình hình”.
Trong khi hàng ngàn người biểu
tình đang cắm trại ở các đường phố gần quốc hội, nơi Thượng viện Thái Lan đang
cố soạn thảo một lộ trình để thoát khỏi khủng hoảng, một thuật ngữ chính trị
mới đã xuất hiện tại Đất nước nụ cười, đó là “Thaitanic” - ám chỉ con tàu chính
trị Thái Lan, đang sắp gặp nguy hiểm.
HẠNH CHI (tổng hợp) - sggp.org.vn