Ayutthaya là một trong những tỉnh của Thái Lan, gần 700
năm trước là trung tâm quyền lực của đất nước. Ngày nay, hàng triệu du khách
Thái Lan và nước ngoài vẫn tìm đến Ayutthaya để chiêm ngưỡng vẻ đẹp kỳ bí của
vùng đất này.
Năm 1767, một cuộc chiến tranh đẫm máu với quốc gia Miến Điện
láng giềng đã hủy hoại khu đền Wat Mahathat ở Ayutthaya.
Binh lính Miến Điện đã điên cuồng cướp phá và thiêu hủy
tất cả những gì họ nhìn thấy. Vàng bạc châu báu và các hiện vật có giá trị cao
khác được gìn giữ bên trong đền Wat Mahathat được xây dựng năm 1374 dưới triều
đại Vua Borom Rachathirat I bị cướp phá. Nhiều pho tượng Phật đã bị đốt cháy
hay chặt đầu.
Người ta tin rằng, binh lính Miến Điện tìm kiếm vàng mà
họ cho là giấu trong những bức tượng này hay xung quanh ngôi đền. Hiện nay, du
khách có thể nhìn thấy những bức tượng có tuổi nhiều thế kỷ bị chặt đầu và
những phần bị phá hủy nằm khắp nơi trong khu phức hợp của đền.
Những tàn tích còn lại nay đã trở thành Công viên lịch sử
Ayutthaya chiếm diện tích 2.557km2 và tháng 12/1991, vùng đất
này được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) công
nhận là Di sản văn hóa thế giới.
Những tượng Phật không đầu
Ayutthaya - một hòn đảo được bao bọc bởi 3 con sông Mae
Nam Lop Buri ở phía bắc, Pa Sak ở phía đông và Chao Phraya ở phía nam - từng là
kinh đô của Thái Lan trong suốt 417 năm. Ayutthaya cũng được coi là trạm quan
trọng trong con đường buôn lậu vận chuyển cổ vật Đông Nam Á đến Bangkok và các
thị trường hải ngoại thông qua Singapore.
Cổ thành Ayutthaya (cũng được gọi là Pra Nakhon Si) được
Vua U Thong xây dựng năm 1350 và cuộc chiến tranh năm 1767 với quân Miến Điện
đã kết thúc thời kỳ Ayutthaya huy hoàng trong lịch sử Thái Lan. Ayutthaya - với
33 đời vua và 7 triều đại - có nền nông nghiệp phát triển và mối quan hệ giao
thương với các quốc gia phương Đông và phương Tây.
Ngôi đền Wat Chaiwatthanaram ở bờ tây sông Chao Phraya còn khá nguyên vẹn
sau cuộc chiến tranh giữa Ayutthaya và quân Miến Điện.
Một đặc điểm nổi bật khi du khách đến thăm Ayutthaya, nằm
cách Bangkok khoảng 1 giờ đường ôtô về phía bắc, là những tàn tích cổ từ thế kỷ
XIV - XV nằm không xa các tòa nhà hiện đại ngày nay. Nạn cướp phá là vấn đề dai
dẳng và lan tràn khắp thành cổ Ayutthaya. Tuyệt đại đa số những bức tượng Phật
và những tháp chứa hài cốt nhà sư đều có dấu hiệu bị xâm hại bởi những kẻ săn
kho báu. Những ngôi đền nằm ở khu ngoại ô Ayutthaya cách xa đảo chính là mục
tiêu đặc biệt mà bọn trộm cắp cổ vật nhắm đến.
Theo các nhà sử học, cơn sốt săn tìm kho báu bắt đầu nổ
ra ở Ayutthaya từ năm 1830 nhưng về mức độ vẫn chưa sánh bằng làn sóng trộm cắp
diễn ra dữ dội từ cuối thập niên 50 thế kỷ XX do các băng nhóm tội phạm có tổ
chức gây ra. Thậm chí, những người có trách nhiệm bảo vệ kho tàng văn hóa cổ
cũng tham gia trộm cắp.
Trong suốt giai đoạn phục hồi Wat Rachaburana, viên sĩ
quan cảnh sát canh gác ngôi đền đã bắt tay với 20 đồng nghiệp đột nhập hầm mộ
đánh cắp tài sản. Sau khi câu chuyện kho báu tìm thấy ở Wat Rachaburana được
lan truyền, những vụ trộm cướp diễn ra hầu như khắp nơi trong thành cổ
Ayutthaya.
Do lo ngại nạn trộm cướp lộng hành, chính quyền Thái Lan
đã thông qua một số luật bảo vệ những địa điểm thiêng liêng, và một chi nhánh
của Bộ Mỹ thuật được mở tại Ayutthaya năm 1959. Tuy nhiên, do thiếu nguồn tài
chính cũng như nhân lực để tuần tra bảo vệ đền chùa cho nên nạn cướp bóc vẫn
tiếp tục diễn ra cho đến tận ngày nay.
Tượng Phật không đầu ở khu phức hợp Đền Wat MahaThat ở Ayutthaya.
Siêu nhiên trừng phạt
Nhà sưu tập nghệ thuật Ayutthaya nổi tiếng Jim Thompson
thường xuyên đến thăm cổ thành trước khi ông biến mất một cách bí ẩn trên vùng
cao nguyên Cameron ở Malaysia năm 1967. Jim Thompson lùng mua nhiều đồ cổ từ
các cửa hiệu ở Ayutthaya. Nông dân và các công ty xây dựng phát hiện đồ cổ dưới
lòng đất và những món đồ quý giá này được mang đến Bangkok để bán cùng với
những di vật cổ ăn cắp.
Jim Thompson sưu tập nghệ thuật Thái Lan nhằm mục đích
bảo tồn di sản văn hóa quốc gia, và ông có ý định trao tặng bộ sưu tập quý giá
của mình cho Hội Siam nhưng việc sẵn sàng mua những di vật ăn cắp đã gây rắc
rối cho ông.
Năm 1962, Jim Thompson dính líu đến vụ lùm xùm "vụ 5
đầu tượng trắng". Câu chuyện bắt đầu khi một nhà buôn cổ vật ở Ayutthaya
bán cho Thompson 3 đầu tượng bằng đá vôi được cho là thuộc thời kỳ Srivijaya.
Năm sau, cũng chính nhà buôn này tiếp tục bán cho Thompson 2 đầu tượng trắng
nữa.
Điều không may là về sau 5 đầu tượng trắng bị phát hiện
là di vật ăn cắp cho nên Bộ Mỹ thuật Thái Lan đã phái người đến nhà của
Thompson để thu hồi chúng. Cổ vật cuối cùng được giao cho Nhà Bảo tàng Quốc
gia, còn Thompson không nhận được bất cứ khoản tiền bồi thường nào.
Đầu tượng Phật ở gốc cây sung trong khu Đền Wat MahaThat.
Có một giả thuyết về sự mất tích bí ẩn của Jim Thompson,
cho rằng đó là sự trừng phạt siêu nhiên vì ông đã lấy đi những bức tượng của
Ayutthaya. Trong dân gian còn lưu truyền nhiều câu chuyện về sự trừng phạt như
thế - những kẻ săn kho báu cuối cùng bị chết bất ngờ, những kẻ ăn cắp đầu tượng
Phật bị chết chém hay bọn trộm cắp về sau bị điên dại.
Tuy nhiên, sự trừng phạt siêu nhiên vẫn không ngăn chặn
được nạn trộm cắp mà vấn đề chỉ có thể được giải quyết bằng sự cảnh giác của
cộng đồng và trách nhiệm bảo tồn di sản văn hóa của chính quyền Thái Lan.
Cách đây vài thập niên, chính quyền Ayutthaya hết sức bất
ngờ khi phát hiện một số lớn cổ vật xuất hiện tại chợ Hua Ro. Cuộc điều tra sau
đó cho thấy chúng bị đánh cắp từ xác một chiếc tàu đắm ngay trước ngôi chùa Wat
Kaitia ở phần phía nam Ayutthaya. Để bảo quản những món đồ quý giá, một bảo
tàng nhỏ được xây dựng trên đất của ngôi chùa. Những đồ gốm, tác phẩm nghệ
thuật bằng kim loại và những mỏ neo bằng gỗ được cho là thuộc về chiếc tàu đắm.
Từ thông tin này, có nhiều đồn đại về chiếc tàu và kho
báu. Thứ nhất, chùa Wat Kaitia được dùng làm nơi để đưa những con voi lên tàu
vận chuyển ra nước ngoài, nhưng tàu đã bị chìm do chở quá tải. Thứ hai, chiếc
tàu là dấu tích của chiếc thuyền mành cổ của Trung Quốc. Một công chúa nhảy
xuống sông và bị chết đuối. Thủy thủ không thể cứu công chúa vì luật cấm người
thường chạm tay vào người của giới hoàng tộc. Để trừng phạt, chiếc thuyền bị
đánh đắm và toàn bộ thủy thủ chết theo nó.
Người ta cho rằng, trải qua nhiều thế kỷ dòng nước đẩy
chiếc thuyền mành đến bờ sông trước ngôi chùa Wat Kaitia. Lời đồn đại cuối cùng
là về một nhà sư trong chùa nằm mộng thấy chiếc tàu bị chôn sâu dưới lớp bùn
đáy sông cùng với tượng Phật cần được giải cứu.
Những kẻ săn kho báu
Ròng rã suốt 15 năm, Anupong lặn hụp dưới sông Mae Khlong
để tìm kiếm cổ vật trong những chiếc tàu buôn bị đắm. Anupong cùng với 2 người
em trai may mắn phát hiện hàng chục đồ gốm cùng với những đồng tiền đồng nhỏ và
đem ra Bangkok bán cho các cửa hiệu đồ cổ. Vài món đồ gốm cổ của Anupong được
trả giá đến 10.000 baht hay thậm chí 50.000 baht (1.000 baht tương đương
24USD).
Khách hàng quen thuộc của Anupong là Prasong
Kittinanthachai, một nhà sưu tập đồ cổ tư nhân ở Bangkok. Prasong mua từ
Anupong khoảng 15 cổ vật, trả hơn 100.000 baht cho những món như lọ, chum và
những bức tượng nhỏ bằng đất sét.
Phế tích Ayutthaya.
Viboon Limswatwong, ông chủ cửa hiệu đồ cổ Masterpiece
tại tòa nhà thương mại Thaniya Plaza ở Bangkok cho biết, những món đồ gốm màu
trắng và xanh có giá nhất bởi vì chúng được nung ở nhiệt độ cao cho nên được
bảo quản tốt bất chấp bị chìm sâu dưới nước hàng trăm năm. Trước tình trạng lặn
tìm cổ vật lan tràn bất hợp pháp, giới chức chính quyền và các chuyên gia về di
tích cổ đã có nhiều nỗ lực để thu hồi chúng.
Erbprem Vatcharangkul - Giám đốc Khoa Khảo cổ dưới nước
thuộc Nhà Bảo tàng Hàng hải Quốc gia Thái Lan - cho biết những thợ lặn săn kho
báu chỉ quan tâm đến những món có thể bán được và phá hủy bằng chứng cung cấp
thông tin về nguồn gốc các di vật. Những thông tin như là nơi tìm được di vật,
loại xác thuyền được tìm thấy v.v… đều bị mất do những kẻ săn kho báu dưới nước
hủy hoại.
Erbprem cùng với đội 9 thợ lặn của ông từng khám phá một
xác tàu lớn đã 300 năm tuổi chứa đầy thực phẩm cùng với quần áo và đồ gỗ Trung
Hoa. Những hiện vật tìm thấy không có giá trị tiền bạc nhưng cung cấp thông tin
về lịch sử và văn hóa có giá trị. Vì vậy đến hôm nay, cố đô Ayutthaya vẫn luôn
lan tỏa hấp lực đặc biệt đối với những người thích phiêu lưu và ôm mộng đổi đời
Diên San (tổng hợp) - cand.com.vn