22/2/14

Trợ giá gạo trở thành “con bài chính trị”

(Toquoc)- Năm 2011, chính sách trợ giá thu mua lúa gạo cho nông dân giúp bà Yingluck đắc cử thì nay phe đối lập sử dụng vấn đề thiếu nợ nông dân làm con bài chính trị chống phá Chính phủ.

Ngày 20/2, hàng nghìn nông dân Thái Lan vác liềm, rơm rạ trên những chiếc máy cày đổ về Bangkok, bao vây một sân bay, nhiều doanh nghiệp và các tòa nhà chính phủ để… đòi nợ trong bối cảnh áp lực đối với bà Yingluck ngày càng gia tăng trên nhiều mặt trận.
Sự thất bại của một chính sách dân túy
Chương trình trợ cấp giá gạo của Chính phủ Thái Lan đóng vai trò rất quan trọng trong việc giúp bà Yingluck giành được sự ủng hộ của đa số nông dân nghèo ở phía Bắc và Đông Bắc nước này và giúp bà giành thắng lợi trong cuộc bầu cử năm 2011. Theo chương trình này, gạo của nông dân Thái Lan được chính phủ mua cao hơn giá thị trường tới 50%.
Chương trình trợ cấp này là một trong nhiều chính sách dân túy mà anh em nhà Shinawatra đã áp dụng trong thời gian cầm quyền, “lấy lòng” được hàng triệu cử tri là nông dân nghèo ở vùng Bắc và Đông Bắc đất nước. Nhưng đồng thời, những chính sách dân túy đó cũng gây ra những tranh cãi sâu sắc và để lại những hậu quả nghiêm trọng cho nền kinh tế và xã hội Thái Lan.
Nông dân Thái Lan lái máy cày kéo về thủ đô Bangkok ngày 20/2
Với chương trình trợ cấp giá lúa gạo, lúa gạo tồn kho chất như núi (khoảng 18 triệu tấn), tạo thuận lợi cho nạn tham nhũng và qua thời gian, chính phủ không thể đảm đương được những khoản trợ cấp khổng lồ khiến ngân sách kiệt quệ, nền kinh tế “lỗ” hàng trăm tỷ baht. Bởi vì, ngay thời điểm chương trình được áp dụng năm 2011, các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan thu mua mỗi kg gạo với giá 32,32 baht, trong khi chỉ bán được với giá trung bình 10,20 baht/kg. Điều này có nghĩa cứ mỗi kg gạo trong chương trình trợ giá được bán ra, Thái Lan sẽ lỗ 22,12 baht. Theo ước tính, số tiền lỗ cho chương trình trợ giá sẽ vào khoảng 500-700 tỷ baht trong cả nhiệm kỳ của chính phủ.
Đến nay, chính phủ Thái Lan vẫn chưa tiết lộ con số chi phí chính xác cho chương trình này, nhưng số liệu từ Viện nghiên cứu phát triển Thái Lan, chương trình tiêu tốn từ 4,6 - 6 tỷ USD/năm, khoảng 6-8% ngân sách.
Trong khi vẫn đang nợ tiền trợ cấp mua gạo của nông dân theo kế hoạch từ năm ngoái, ngày 11/2, chính phủ tuyên bố sẽ kết thúc chương trình trợ giá lúa gạo gây tranh cãi vì Chính phủ tạm quyền của bà Yingluck không có thẩm quyền gia hạn chương trình. Tuyên bố này đã thổi bùng sự giận dữ của hàng triệu nông dân Thái Lan.
Trong lúc đó, những người biểu tình thuộc phe đối lập vẫn đang tìm mọi cách ngăn cản các ngân hàng cho Chính phủ vay tiền trả nợ nông dân; kích động nông dân tham gia biểu tình đòi Thủ tướng tạm quyền Yingluck từ chức...
Số phận chính trị bấp bênh của nữ Thủ tướng
Liên tiếp những động thái diễn ra trên chính trường Thái Lan khiến giới quan sát dự báo về khả năng buộc phải ra đi của bà Yingluck.
Ủy ban chống tham nhũng mới đây đã công bố truy cứu trách nhiệm pháp lý đối với Thủ tướng tạm quyền Yingluck liên quan đến chương trình thu mua thóc gạo của nông dân sẽ ảnh hưởng trực tiếp và tiêu cực tới vị thế chính trị của Thủ tướng Yingluck và đảng Vì nước Thái, nhất là trong tiến trình bầu cử Hạ viện. Nếu các cơ quan tư pháp khẳng định Thủ tướng Yingluck vi phạm Hiến pháp và Luật hình sự, thì bà có thể bị buộc từ chức và thậm chí bị phạt tù.
Phản ứng với quyết định này của Ủy ban chống tham nhũng, phe chính phủ cho rằng Ủy ban này đã “thiên vị” khi xử lý rất chậm trễ vụ án tương tự liên quan đến cựu Thủ tướng Abhisit trong khi lại thúc đẩy nhanh vụ việc liên quan đến bà Yingluck. Giới quan sát cho rằng, cuộc khủng hoảng chính trị Thái Lan có thể sẽ gia tăng phức tạp nếu Thủ tướng Yingluck bị hệ thống tư pháp xét xử bất công và lực lượng quần chúng ủng hộ bà xuống đường biểu tình phản đối.
Hôm 19/2, Tòa án dân sự Thái Lan cũng ra tuyên bố cho rằng một số sắc lệnh mà Chính phủ đưa ra trong thời gian qua là bất hợp pháp vì vi phạm quyền lợi chính đáng của người biểu tình. Tòa án cho rằng, Chính phủ không thể áp dụng Sắc lệnh tình trạng khẩn cấp để giải tán người biểu tình.
Lãnh đạo phe biểu tình Suthep Thaugsuban nói với những người ủng hộ trong một cuộc biểu tình tối 19/2: “Chúng tôi  sẽ cản trở hoạt động của tất cả các doanh nghiệp có liên quan đến gia đình Shinawatra”.
Sức ép với bà Yingluck càng gia tăng khi gia nhập những người biểu tình chống chính phủ hiện nay còn có cả nông dân, những người đã từng giúp bà chiến thắng trong cuộc bầu cử 2011.
Mặc dù chiều ngày 21/2, sau khi đạt được thỏa thuận với chính phủ, hàng nghìn nông dân Thái Lan đã nhất trí trở về nhà nhưng họ cũng tuyên bố rằng sẽ trở lại và cắm trại tại sân bay Suvarnabhumi một khi những khoản nợ bán lúa quá hạn của họ không được thanh toán vào tuần tới đúng như chính quyền cam kết.
Số phận chính trị của bà Yingluck vẫn vô cùng bấp bênh khi chính phủ đang nỗ lực cố gắng tìm các nguồn tiền để chi trả cho người nông dân. Nhưng điều khó khăn nhất là họ không có đủ quyền lực để huy động được hơn 100 tỷ baht trả nợ cho người nông dân./.

Khánh An - toquoc.gov.vn