5/2/14

Người Việt đón Tết Giáp Ngọ trên đất Thái Lan

(ĐSPL) – Những người Việt đang định cư ở Thái đã chia sẻ cho chúng tôi những câu chuyện về việc ăn Tết Giáp Ngọ của họ.
Từ ngàn xưa Tết cổ truyền của người Việt là một nét đẹp văn hóa của dân tộc. Không riêng gì ở
Việt Nam, mọi người Việt trên toàn thế giới ở bất kỳ đâu vào những ngày Tết vẫn luôn nhớ về Tổ quốc và ông bà tổ tiên của mình.
Tết người Việt trên đất Thái
Cộng đồng người Việt ở Thái Lan khoảng 10 vạn người, song trên thực tế con số này còn lớn hơn bởi số người Việt Nam đến Thái Lan để làm ăn, học tập và sinh sống ngày càng nhiều.
Anh Nguyễn Thành Tâm (40 tuổi, quê ở TP Hồ Chí Minh) làm việc tại công ty CP – Thái Lan, đang định cư ở Bangkok cho biết: “Tôi qua đây được 3 năm nay và đây cũng là cũng là lần thứ 3 đón Tết xa nhà. Đi xa thì buồn, chẳng đâu bằng được ở Việt Nam nhưng cũng phải cố gắng cùng gia đình chuẩn bị mọi thứ thật chu đáo để đón Tết. Chúng tôi nhớ về quê hương những ngày Tết và đến nhà nhau rồi tổ chức đón Tết đông vui lắm.”
Anh Nguyễn Thành Tâm cùng vợ và con gái đón giao thừa.
Ở khu vực Đông bắc của Thái Lan, người Việt sinh sống thành cộng đồng lớn, ngôn ngữ Việt vẫn được sử dụng trong các gia đình nên phong tục Tết Nguyên Đán ở đây vẫn giữ nguyên được bản sắc và nét truyền thống. Tuy thời tiết rất lạnh nhưng bà con vẫn cố gắng chuẩn bị cho một cái Tết theo đúng truyền thống.
Theo thông lệ hàng năm, Hội người Việt ở mỗi tỉnh sẽ lần lượt đăng cai tổ chức Tết chung cho toàn thể cộng đồng và vào khoảng ngày 23 tháng Chạp, cả ngàn người Việt từ 19 tỉnh vùng Đông Bắc sẽ về đó để cùng ăn Tết.
Đốt pháo chào năm mới Giáp Ngọ.
Chị Nguyễn Thị Hải (một Việt kiều đang sống ở tỉnh Udon Thani), làm nghề buôn bán tại chợ Thassaban cho biết, hàng năm người Việt ở đây ăn Tết Nguyên Đán như ở Việt Nam, cũng có bánh chưng, dưa góp, bánh mứt kẹo… và đầy đủ các nghi lễ cúng Tết ông bà tổ tiên nhân dịp đầu năm mới. Những ngày trước Tết, bà con Việt kiều cũng đi thăm mộ người thân trong các khu nghĩa trang riêng của người Việt, sáng mùng một Tết mọi người đến nhà nhau chúc Tết và nghỉ một ngày để vui tết.
Năm nay gia đình chị Hải cũng chuẩn bị đón Tết như mọi năm, chị chia sẻ: “Tuy xa Tổ quốc, nhưng Tết năm nào chúng tôi cũng cố gắng tổ chức như ở Việt Nam. Ở Việt Nam có cái gì thì ở đây cũng có cái ấy, cũng có bánh chưng, các món đặc trưng ngày Tết. Và những ngày ấy chúng tôi sẽ dành một ngày thắp hương cho ông bà tổ tiên và tập trung con cái. Năm nay chuẩn bị hết rồi, chỉ chờ đến Tết là chúng tôi nghỉ để vui Tết.”
Hướng về Tổ quốc
Người Việt ở trong thủ đô Bangkok sống rải rác khắp nơi, không tập trung. Tuy nhiên khu vực nhà thờ công giáo Samsean ở trung tâm thủ đô Bangkok là nơi cộng đồng người Việt thường có mặt cuối tuần để tiến hành các nghi lễ tôn giáo. Tại khu vực này có một khu chợ Việt họp vào sáng các ngày Chủ nhật, một số gia đình người Việt bán các mặt hàng thức ăn đặc sản Việt Nam. Ở đây còn có cả bánh chưng, giò, chả, bánh đa nem…
Những ngày Chủ nhật giáp Tết ở khu vực chợ này người mua, kẻ bán tấp nập mà khách hàng phần đông là người Việt đang sinh sống ở Bangkok và các vùng phụ cận.
Sinh viên Học viện Công nghệ Châu Á hồi hộp chờ đón giao thừa.
Chị Mali Suwanatip có tên Việt là Bé, (một Việt kiều ở khu vực Bangkhea của Bangkok đến khu chợ Samsean để mua sắm Tết) cho biết, chị là người công giáo, gia đình chị di cư đến Thái Lan từ nhiều đời, nên hầu như không còn nói được tiếng Việt. Nhưng hàng năm vào dịp Tết, gia đình chị vẫn tới mua bánh tét, chả giò… về cúng ông bà tổ tiên để cho con cháu biết họ là người gốc Việt.
Chị Bé cho hay: “Tết của người Thái là Tết Songkran vào tháng 4, chỉ có người Trung Quốc ăn Tết giống mình. Tết ở Bangkok buồn, không có gì vui vẻ, nhưng mình vẫn cố giữ truyền thống cho con cháu nó biết và nhớ mình là người Việt. Nên năm nào vào dịp này, gia đình tôi cũng mua các thứ để cúng ông bà tổ tiên của mình.”
Những ngày Tết Nguyên Đán ở Bangkok không phải là ngày nghỉ Tết nên mọi người vẫn phải đi học hoặc làm công việc của mình như những ngày bình thường. Tuy nhiên, những người Việt ở đây vẫn cố gắng tạo cho mình chút hương vị Tết để tấm lòng của họ có thể hướng về tổ quốc, về gia đình và người thân.
Chị Phạm Thị Như Ý (sinh viên năm cuối học viện Công Nghệ Châu Á Bangkok – Thái Lan) tâm sự: “Chúng em bên này cũng cố gắng hết sức làm cho giống ở Việt Nam. Ngày Tết chúng em thường hay tụ tập cùng các bạn bè, cùng mua đồ Việt Nam và cũng nấu các món ăn Việt Nam, rồi cập nhật các hình ảnh đón Tết ở Việt Nam, sau đó gọi điện về nhà trước lúc giao thừa.”
Tết đến là thời điểm năm cũ qua đi để cho mùa xuân mới về và cũng là thời điểm mà người Việt cho dù ở bất kỳ nơi đâu trên trái đất đều hướng về gia đình và Tổ quốc với nỗi nhớ nhà của những người con đất Việt xa quê hương. Những người Việt đang làm ăn sinh sống trên xứ người ở Thái Lan cũng có cùng tâm trạng như vậy.

Đăng Hậu - doisongphapluat.com