27/1/14

Mồi lửa châm ngòi cuộc khủng hoảng ở Thái Lan

Ngày 1-11-2013, Hạ viện Quốc hội Thái Lan thông qua Dự luật ân xá do Đảng cầm quyền Pheu Thái đưa ra. Theo dự luật này, mọi hành vi bạo hành mang tính chất chính trị liên quan đến cuộc đảo chính quân sự ngày 19-9-2006 đến ngày 8-8-2013 đều được xóa tội.
Nhưng, phe đối lập và báo chí Thái Lan đều cho rằng, Dự luật ân xá là âm mưu nhằm đưa cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra – anh trai của Thủ tướng đương nhiệm Yingluck Shinawatra trở lại sân khấu chính trị Thái Lan. 
Cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra hiện đang lưu vong để tránh né bản án 2 năm tù về tội trốn thuế. Vài năm gần đây, chính trường Thái Lan thường xuyên có những bất ổn. Vậy đâu là căn nguyên dẫn đến các cuộc xung đột bao lực, đảo chính ở “Đất nước Chùa vàng ” ?
Mất lòng tin với “chính trị gia tộc”
Tháng 9-2006, Thái Lan nổ ra cuộc đảo chính quân sự, chính đảng đứng đầu là Thủ tướng Thaksin buộc phải giải tán, nguồn tài sản cá nhân trị giá 1,4 tỉ USD của ông Thaksin đã bị tịch thu. Sau đó, Thaksin lưu vong ra nước ngoài. Năm 2011, bà Yingluck – em gái ruột của ông Thaksin giành thắng lợi trong cuộc bầu cử ở Thái Lan và trở thành nữ thủ tướng đầu tiên ở “Đất nước Chùa vàng”. 
Người Thái Lan biểu tình
Sau hơn hai năm nắm quyền, các tổ chức phản đối Chính phủ Thái Lan nhận ra rằng, cũng giống như người anh trai, bà Yingluck dựa vào sự ủng hộ của lực lượng đến từ nông thôn và ít quan tâm giới trung lưu và thượng lưu ở thành phố; Chính quyền của Thủ tướng Yingluck bị nghi ngờ trở thành  “cái bóng” của chính quyền cựu Thủ tướng Thaksin. Dự luật ân xá được Hạ viện nước này thông qua khiến phe đối lập càng tin vào nhận định của mình. Họ cho rằng, chỉ khi xóa bỏ triệt để nhóm “chính trị gia tộc” Thaksin, mới giữ được ổn định cho Chính quyền Thái Lan.
Hai phe đối đầu thiếu kiểm soát 
“ Phe Áo vàng” và “Phe Áo đỏ” là hai lực lượng then chốt tham gia vào các cuộc đảo chính quân sự và đối đầu nhau trong các cuộc khủng hoảng chính trị ở Thái Lan. Nếu dựa vào màu sắc quần áo của những người tham gia biểu tình để phân biệt thì Liên minh dân chủ chống độc tài được gọi là “Phe Áo đỏ”, Liên minh nhân dân vì dân chủ chống lại Thaksin được gọi là “Phe áo vàng”.
Vài năm trở lại đây, cuộc đối đầu “Đỏ - Vàng” trở thành tâm điểm trong các cuộc  đọ sức lực lượng chính trị ở Thái Lan. Vì không có biện pháp xử phạt tương ứng nên cả hai bên đều coi thường các quy định, để “xúc tiến” cho chính quyền phe đối lập sớm sụp đổ, thậm chí hai bên còn tùy tiện tụ tập dòng người biểu tình để tấn công các ban ngành chính phủ, lật đổ chính quyền. Thực chất, đây là cuộc đối đầu do tranh giành lợi ích mà thôi. Đằng sau cuộc đối chọi “Đỏ - Vàng” là những tranh giành về lợi ích giữa phe “thảo dân” với đại diện là cựu Thủ tướng Thaksin và Thủ tướng đương nhiệm Yingluck có đại diện là trí thức thành thị, luật sư, quân đội.  Chính sách kinh tế của Thủ tướng Yingluck có điểm tương đồng rõ nét với chính sách của ông Thaksin, đi theo con đường ủng hộ dân nghèo – quy định lương tối thiểu tăng từ 36% đến 89%; lương khởi điểm của sinh viên tốt nghiệp đại học ra trường không dưới 15.000 Baht, nâng cao giá thu mua lúa gạo, xây dựng đường sắt cao tốc trên cả nước, phát máy tính bảng cho học sinh…
Giai cấp trung lưu ở Thái Lan cho rằng, chính sách “cân bằng giàu nghèo”, “lấy của người giàu chia cho người nghèo” là do chính phủ nước này sử dụng tiền của người nộp thuế Thái Lan trợ cấp cho những người có thu nhập thấp, là hành động cắt xén tài sản của họ. Với vai trò là những người có đóng góp lớn cho nguồn ngân sách quốc gia, đương nhiên giai cấp trung lưu không thể chấp nhận việc những “thảo dân” sống dưới đáy xã hội được chia chiếc “bánh ngọt” mà họ đã phải lao động vất vả mới có được. 
Điểm lại diễn biến sự kiện
Ngày 1-11-2013: Hạ nghị viện Thái Lan thông qua vòng duyệt lần hai của Dự luật ân xá. Phe đối lập nghi ngờ dự thảo này được đưa ra để phục vụ cho cựu Thủ tướng Thaksin. 
Ngày 11-11: Hàng triệu người dân Thái Lan tập trung tại thủ đô Bangkok; Thượng viện bỏ phiếu bác bỏ Dự luật ân xá. 
Ngày 25-11: Hàng chục nghìn người biểu tình Thái Lan tập trung trên quy mô lớn, bao vệ Bộ Tài chính và Bộ Ngoại giao, bắt đầu cuộc biểu tình kéo dài một tuần chiếm lĩnh các cơ quan công vụ của chính phủ. 
Ngày 29-11: Quân đội Thái Lan tuyên bố giữ lập trường trung lập.
Ngày 1-12: Những người biểu tình xung đột bạo lực với cảnh sát Thái Lan, cuộc xung đột này kéo dài hai ngày. Cảnh sát Thái Lan đã phải liên tiếp xả hơi cay, đạn cao su và nước vào đoàn người biểu tình. 
Đêm ngày 1-12:  Nhà lãnh đạo những người biểu tình Suthep đã có cuộc gặp bí mật với Thủ tướng Yingluck Shinawatra và tư lệnh lục quân, hải quân, không quân Thái Lan, yêu cầu bà Yingluck Shinawatra bàn giao quyền lực.
Ngày 2-12: Thủ tướng Yingluck Shinawatra phát biểu trên truyền hình, tuyên bố sẽ đáp ứng mọi yêu cầu hợp pháp của những người phản đối chính phủ.
Ngày 9-12: Thủ tướng Yingluck Shinawatra tuyên bố giải tán Hạ viện và sẽ tổ chức bầu cử vào ngày 2-2-2014. 

Thành Huy Long - tamnhin.net