9/1/14

Học bài của anh trai, Thủ tướng Thái có thoát hiểm?

(Tin tức 24h) - Trước tình hình biểu tình đang diễn ra căng thẳng, nữ Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra đã đưa ra nhiều kế sách được cho là "khôn ngoan" nhằm trấn áp lại sự gia tăng biểu tình. Những kế sách của bà
Yinluck có nhiều nét tương đồng với cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, anh trai của bà.
Ngày 7/1, Thủ tướng tạm quyền Yingluck cho biết chính phủ Thái Lan sẽ tiếp tục áp dụng luật An ninh Nội địa (ISA), hiện đang có hiệu lực tại Bangkok và ba tỉnh lân cận, nhằm đối phó với chiến dịch của phe đối lập. 
Theo bà Yingluck, trong trường hợp cần thiết chính phủ sẽ ban bố sắc lệnh tình trạng khẩn cấp, một biện pháp pháp lý nghiêm ngặt hơn ISA, để đối phó với cuộc tụ tập quy mô lớn sắp tới của phe đối lập.
Thủ tướng Yingluck cũng bày tỏ lo ngại chiến dịch này của phe đối lập sẽ hủy hoại nền kinh tế quốc gia.
Nữ Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra dễ dàng vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm.
Những ngày qua, tin đồn về một cuộc đảo chính ở Thái Lan rộ lên. Tuy nhiên, ngày 7/1, nữ thủ tướng Yingluck vẫn khẳng định quân đội nước này sẽ không thực hiện một cuộc đảo chính nào vì bài học thấm thía từ quá khứ.
Các cuộc biểu tình ngày càng gia tăng trong khi từ trước tới nay, mọi biện pháp ứng phó của Thủ tướng Yingluck khá đồng nhất.
Ngày 21/12/2013, bà Yingluck lên tiếng chỉ trích kế hoạch tẩy chay cuộc bầu cử ngày 2/2/2014 của Đảng Dân chủ đối lập. Bà quả quyết: “Ngay cả khi họ không chấp nhận chính phủ này, họ vẫn phải chấp nhận hệ thống dân chủ Thái Lan. Chính phủ đã trao lại quyền lực cho nhân dân và để họ quyết định tương lai của đất nước”.
Không chỉ vậy, Thủ tướng Yingluck còn kêu gọi mọi người dân tích cực tham gia vào lộ trình cải cách, vì tương lai của Thái Lan.
Bà nói: "Nếu nhân dân Thái Lan đồng tâm hiệp lực, chúng ta sẽ tìm được giải pháp cho cuộc khủng hoảng chính trị, khôi phục hòa bình, hạnh phúc của đất nước".
Trước đó, Thủ tướng Yingluck hôm 2/12 tuyên bố, bà sẵn sàng từ chức nhằm mang lại hòa bình cho đất nước.
 “Tôi muốn một lần nữa khẳng định rằng tôi không tham quyền cố vị. Tôi sẵn sàng giải tán Quốc hội hoặc từ chức nếu việc đó có thể giúp hóa giải cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay và đưa đất nước đi lên. Tuy nhiên, cũng phải nói thêm rằng điều này chỉ có thể xảy ra nếu đó là ý nguyện của phần đa dân chúng”, bà Shinawatra nói.
Học bài từ anh trai có thành công?
Những biện pháp ứng phó với phe biểu tình của bà Yingluck gợi nhớ nhiều đến anh trai của bà, cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra. Trước khi bị lật đổ, ông Thaksin cũng nhiều lần tuyên bố với phe biểu tình rằng ông đặt quyền lợi và lợi ích quốc gia dân tộc lên hàng đầu.
Tháng 2/2006 các đảng đối lập tại Thái Lan lại tổ chức biểu tình nhằm kêu gọi Thủ tướng Thaksin Shinawatra từ chức.
Các cuộc biểu tình chống Thủ tướng Thaksin diễn ra sau vụ ông bán tập đoàn Shin Corp cho một tập đoàn của Singapore. Thủ tướng Thaksin bác bỏ cáo buộc gia đình ông trốn thuế trong hợp đồng trị giá 1,9 tỷ USD này và cho rằng ông sẽ không đầu hàng những người chỉ trích ông. 
Thủ tướng Thaksin cho biết, sẽ tổ chức cuộc trưng cầu dân ý về việc sửa đổi Hiến pháp cùng lúc với cuộc bầu cử Thượng viện vào ngày 19/4/2006. 

Ông Thaksin và hai con gái Pintongta (phải) và Paetongtarn năm 2008.
Việc sửa đổi hiến pháp là một trong những yêu cầu của các đảng đối lập nhằm kêu gọi tăng thêm tính dân chủ trong hệ thống chính trị của Thái Lan.
Giữa lúc ngày càng bị nhiều áp lực, Thủ tướng Thaksin Shinawatra bác bỏ những lời kêu gọi ông từ chức. Ông lập lại rằng việc ông từ chức chẳng khác nào chiều theo ý muốn của một thiểu số người, trong khi ông được đa số tín nhiệm. Mà theo ông, chiều theo thiểu số như vậy có nghĩa là sức mạnh của người dân trong xã hội dân chủ trở nên vô nghĩa.
 “Tôi không phải là kẻ khờ khạo. Tôi sẽ làm việc với khả năng tốt nhất của mình để mang tới hạnh phúc cho nhân dân”, ông Thaksin nói.
Nhưng ông Thaksin lại đưa ra đề nghị thương thảo với phe chống đối để tìm giải pháp dung hoà nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng chính trị.
Thủ tướng Thaksin từng nói ông chỉ từ chức khi Vua Bhumibol yêu cầu. Đặc biệt, phe đối lập còn đề nghị Tổng tư lệnh quân đội Thái Lan, tướng Sonthi Boonyaratglin không nên tiếp tục ủng hộ cho Thủ tướng.
Thế nhưng, bất chấp mọi nỗ lực của ông Thaksin, trong lúc ông đang ở Thành phố New York để tham gia một cuộc họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, tối 19/9/2006, quân đội và cảnh sát Thái Lan đã lật đổ chính phủ dân cử của Thủ tướng Thaksin Shinawatra.
Nhiều chuyên gia lo ngại, nếu những diễn biến bất ổn chính trị hiện nay của Thái Lan tiếp tục gia tăng, trong khi phe Chính phủ và phe đối lập không tìm được một giải pháp chính trị thỏa hiệp, thì nguy cơ xảy ra đảo chính cũng sẽ tăng lên từng ngày.
Bất chấp việc giới chỉ huy Quân đội tuyên bố bác bỏ khả năng đảo chính, dư luận Thái Lan vẫn đang theo dõi sát những động thái chuyển quân và phương tiện quân sự của Quân đội vào Thủ đô Bangkok. Đồng thời, một số nhà phân tích Thái Lan cho rằng, đây có thể là "tín hiệu cảnh báo sớm" về một cuộc đảo chính, như đã từng xảy ra ở nước này hồi tháng 9/2006.

Nguyễn Ngân (Tổng hợp) - baodatviet.vn