11/12/13

Thái Lan: Bất ổn chính trị và hệ lụy kinh tế

Hình ảnh hàng trăm ngàn người Thái Lan tiếp tục xuống đường phản đối Chính phủ và việc Thủ tướng Yingluck Shinawatra tuyên bố giải tán Quốc hội, đồng thời ấn định cuộc bầu cử sớm vào ngày 2/2/2014 đã cho thấy chính trường
Thái Lan tiếp tục rơi vào vòng xoáy bất ổn. Điều này cũng đồng nghĩa với việc kinh tế Thái Lan sẽ bị thiệt hại nặng nề.
Các cuộc biểu tình nhằm lật đổ Chính phủ kể từ năm 2006 đã ít nhiều ảnh hưởng tới môi trường đầu tư, khiến cho nhiều nhà đầu tư e ngại khi đầu tư vào đây.
Đây được xem là làn sóng biểu tình lớn nhất trong 3 năm trở lại đây ở Thái Lan, vì vậy những thiệt hại mà nó gây ra cho nền kinh tế cũng được các chuyên gia dự báo không hề nhỏ. Thậm chí quốc gia này có thể bị giảm chỉ số tín nhiệm của quốc tế…
Kinh tế có thể thiệt hại 10 tỷ USD
Những cảnh báo trên đây không phải không có cơ sở khi mới đây, Hiệp hội thị trường trái phiếu Thái Lan cho biết, chỉ trong khoảng 1 tháng trở lại đây, các nhà đầu tư nước ngoài đã rút khoảng 1,3 tỉ  USD ra khỏi thị trường trái phiếu Thái Lan, đồng thời cũng rút ròng 1,5 tỷ USD khỏi TTCK. Những động thái này đã khiến đồng baht mất giá tới 3,2% trong tháng 11…
Không chỉ trong lĩnh vực tài chính, lĩnh vực du lịch, một trong những lĩnh vực mang lại nguồn thu lớn cho nền kinh tế Thái Lan cũng đang “chao đảo” bởi các cuộc biểu tình tại Thủ đô Bangkok. Nhưng những con số mà bộ Du lịch công bố mới đây đã cho thấy ngành du lịch nước này đang chịu thiệt hại đáng kể. Cụ thể, tháng 11 theo thông lệ là tháng “vào mùa” của ngành du lịch Thái Lan, nhưng do tác động của các cuộc biểu tình nên ngành này đã giảm khoảng 350.000 khách du lịch, thất thu khoảng 25 tỉ baht (khoảng 80 triệu USD).
 TS Anusorn - Trưởng khoa Kinh tế Đại học Dusit của Thái Lan nhận định, tình hình bất ổn chính trị ở Thái Lan không chỉ tác động tiêu cực tới ngành du lịch, tiêu dùng và mất cơ hội về đầu tư mà nó còn làm cho kinh tế bị thiệt hại ít nhất là 300 tỉ  baht (khoảng 10 tỷ USD). Các cuộc biểu tình cũng sẽ làm trì hoãn việc triển khai gói kích thích trị giá 2 tỉ baht của Chính phủ vào các dự án xây dựng hạ tầng vốn đang bị “đóng băng” từ nhiều tháng nay.
Ông Santitarn Sathirathai - chuyên gia kinh tế của tổ chức Credit Suisse cho rằng, hai mối nguy thực sự là: chi tiêu cho cơ sở hạ tầng bị trì hoãn và ảnh hưởng đến ngành du lịch sẽ chi phối lớn tới tăng trưởng GDP năm 2014 của Thái Lan. Vì vậy, các chuyên gia dự báo tăng trưởng kinh tế Thái Lan năm 2013 sẽ giảm xuống còn 3% thay vì mức 3,7% như dự báo trước đó.
Nhà đầu tư sẽ rời Thái Lan?
Đây là câu hỏi mà nhiều nhà phân tích đưa ra khi đề cập tới tình hình chính trị tại Thái Lan, bởi đây không phải là lần đầu tiên đất nước chùa Vàng có những cuộc biểu tình kéo dài. Các cuộc biểu tình nhằm lật đổ Chính phủ kể từ năm 2006 đã ít nhiều ảnh hưởng tới môi trường đầu tư, khiến cho nhiều nhà đầu tư e ngại khi đầu tư vào đây.
Ở khía cạnh kỹ thuật hơn trên thị trường tài chính, giá trị đồng baht so với USD đang ở mức thấp nhất kể từ tháng 9. Chứng khoán Thái Lan cũng giảm khoảng 6% và dữ liệu tháng 11/2013 cho thấy tăng trưởng kinh tế tại Thái Lan chậm hơn tháng trước đó. Số liệu từ Cục Hải quan Thái Lan cho biết xuất khẩu giảm 0,7% trong tháng 10, sau khi đã giảm 7,1% hồi tháng 9 (xuất khẩu chiếm khoảng 60% nền kinh tế).
Ngay bản thân đồng baht của Thái Lan từ trước khi biểu tình diễn ra đã yếu trước tin đồn cho rằng Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt giảm gói kích thích trị giá 85 tỉ USD mỗi tháng.Trong khi đó, chỉ số tương quan giữa đồng baht và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 2 năm đã ở mức cao kỷ lục. Nó đồng nghĩa với việc đồng baht sẽ xuống khi Fed thu hẹp biện pháp kích thích. Điều này đã khiến các nhà đầu tư đang “đổ vốn” vào Thái Lan cảm thấy e ngại và có thể sẽ rời bỏ Thái Lan bởi hai yếu tố bất ổn chính trị và lãi suất ở Mỹ tăng lên.
Đứng vững trước “sóng gió”?
Các chuyên gia dự báo tăng trưởng kinh tế Thái Lan năm 2013 sẽ giảm xuống còn 3% thay vì mức 3,7% như dự báo trước đó.
Thủ tướng Yingluck ngày 9/12 tuyên bố giải tán Quốc hội và tiến hành bầu cử sớm. Bà vẫn sẽ đảm nhiệm chức vụ thủ tướng cho đến khi vòng bầu cử mới được tiến hành. Tuy nhiên, lãnh đạo phe đối lập kiên quyết lập trường không chấp nhận phương án này, mà đề nghị thành lập một "Hội đồng Nhân dân" với các thành viên được lựa chọn kỹ, nhằm tránh khả năng một chính phủ thân Thaksin.
Cho dù có những dự báo khá ảm đạm cho bức tranh kinh tế Thái Lan trong năm 2013 và cả năm 2014, tuy nhiên, nếu nhìn vào những lần bất ổn trước đó, ngay cả sau trận lụt hồi năm 2011 có thể thấy, nền kinh tế đứng thứ hai Đông Nam Á luôn tỏ ra bền vững, thậm chí, chính những bất ổn đó lại là phép thử cho nền kinh tế Thái Lan. Bằng chứng là sau các cuộc biểu tình đẫm máu hồi  tháng 4 và 5/2010, dòng vốn FDI của nước này vẫn tăng gần gấp đôi, trong khi TTCK tăng vọt 40,6% và GDP tăng trưởng 7,8% - mạnh nhất trong 15 năm. Lượng khách du lịch quay trở lại các bờ biển của Thái Lan cao kỷ lục, tăng 12%...
Không phải dựa vào các sự kiện quá  khứ để người ta dự báo tương lai của kinh tế Thái Lan, nhưng chính sự bền vững một cách kỳ lạ trước bất ổn chính trị của nền kinh tế Thái Lan trước những biến động đó đã khiến cho các chuyên gia tin rằng bất ổn chính trị ở Thái Lan rồi sẽ qua, nền kinh tế sẽ lại phục hồi và Thái Lan sẽ đứng vững trước “sóng gió”, cho dù sự phục hồi đó có thể sẽ chậm chạp và ảnh hưởng tới sức mạnh vốn có của nền kinh tế thứ hai trong khu vực Đông Nam Á.

Quốc Anh tổng hợp - dddn.com.vn