Đọc
tin nhắn của nhóm bạn rủ trở lại Thái Lan vào trung tuần tháng 11/2013 để vui
dịp lễ Loi Krathong, những ký ức về mùa lễ hội vừa thiêng liêng, vừa náo nhiệt
trải qua cách đây vài năm chợt ập về trong trí nhớ...
Năm ấy, tôi và một số đồng nghiệp được Tổng cục Du lịch Thái Lan (TAT) mời dự lễ hội Loi Krathong tại vùng cao nguyên Chiang Mai ở miền tây bắc Thái Lan.
Nghi thức Loi
Krathong tại Chiang Mai
Phi
cơ nhẹ nhàng hạ cánh, cả thành phố Chiang Mai với biệt danh "Đóa hồng
phương Bắc" như đang nô nức đợi chờ đêm khai hội thả đèn hoa sen trên dòng
sông Ping. Sự kiện mừng ánh sáng và nguồn nước quý này đã làm bao du khách đến
đây hứng khởi đợi chờ để được hòa trong niềm vui thơ trẻ.
Qua
giải thích của anh Khoa, một nhân viên của TAT, tôi được biết Loi Krathong bắt
nguồn từ một nghi thức tâm linh với lịch sử hơn 800 năm tuổi của Vương quốc
Lana (vốn là vùng đất tiền thân của Chiang Mai ngày nay).
Theo
lịch riêng của dân tộc Thái Lan, Loi Krathong được tổ chức vào ngày rằm tháng
12 Âm lịch, tức vào khoảng trung tuần tháng 11 Dương lịch. Theo tục lệ, vào
ngày này, cư dân Lana cổ kết những krathong bằng lá chuối mang hình bông sen,
trong đó họ bài trí thêm hoa tươi, đèn cầy, tiền xu, nhang...
Dịp
lễ hội Loi Krathong có rất nhiều sự kiện vui, hấp dẫn diễn ra ở những địa danh
du lịch nổi tiếng khác ở Thái Lan vì từ rất lâu rồi, người Thái đã quen tổ chức
lễ hội mừng nữ thần nước cùng với ánh sáng, hai yếu tố thiên nhiên không thể
nào thiếu trong cuộc sống con người.
Khi
các krathong đã kết xong, mọi cư dân kính cẩn đem những chiếc đèn này nhẹ nhàng
thả trôi lãng đãng (tiếng Thái gọi là Loi) trên sông, hồ. Ngắm những ánh nến
lập lòe trên chiếc đèn sen từ từ trôi, tất cả đều thầm lặng nguyện cầu, chăm
chú nhìn và hy vọng ngọn nến không bị tắt.
Mọi
người cung kính tỏ lòng biết ơn nguồn nước quý giá luôn là một thành phần rất
quan trọng, không thể thiếu trong cuộc sống hằng ngày.
Tôi
nhận ra cuộc sống người Thái rất thiên về tâm linh. Khi mừng lễ Loi Krathong,
họ tin tưởng rằng ánh nến biểu thị cho sự trường thọ, hoàn thành các ước nguyện
và giải thoát khỏi tội lỗi. Vì vậy, vào dịp này, lang thang khắp Chiang Mai,
đâu đâu tôi cũng thấy mọi người đi thỉnh krathong từ các chùa về nhà để chuẩn
bị cho buổi lễ.
Với
niềm tin bất biến, những chiếc đèn hoa là lời khấn nguyện riêng gửi đến Trời,
Phật, chúng chuyên chở niềm hy vọng và cầu mong được vẹn tròn ước mơ. Tìm hiểu
chi tiết, tôi được biết, Loi Krathong là dịp để suy ngẫm về mọi điều bí ẩn của
hành trình đời người sau khi đi qua những thăng trầm, bôn ba của cuộc đời và
ước mong tâm trí sẽ được nhẹ nhàng trong niềm tin luôn có Phật, Trời độ mạng.
Và
ở "Đóa hồng phương Bắc" Chiang Mai, ngoài tiết mục thả trôi sông
những krathong lấp lánh còn diễn ra Liên hoan Yi Peng với tiết mục nổi tiếng là
thả đèn lồng thắp sáng bầu trời đêm.
Những
chiếc đèn lồng thiết kế theo kiểu văn minh Lana cổ này có tên gọi là "khom
fai". Hàng ngàn chiếc "khom fai" nhẹ nhàng, lơ lửng tỏa sáng
trong đêm trăng tròn được cho là có khả năng giải trừ mọi phiền hà, khó khăn
cho cư dân địa phương.
Ngoài
ra, người dân ở Tak, một tỉnh ở miền Bắc Thái Lan, giáp biên giới với Myanmar,
có thói quen tạo những "Krathong sai" thắp sáng với nến hoặc dầu dừa
mà thả trôi trên sông Ping. "Krathong sai" là những cái bè làm bằng
vỏ dừa, do cư dân Tak rất thích dùng "Miang", một loại bánh dừa.
Trong
đêm mừng ánh sáng và nữ thần nước, người dân Tak còn tổ chức cuộc thi chọn
"Krathong sai" đẹp nhất với phần thưởng là cúp vàng của nhà vua và
không thể thiếu cuộc thi chọn mỹ nhân "Thida Krathong Sai".
Loi
Krathong nay là thời điểm du lịch lễ hội đặc sắc đậm chất Thái khiến mọi du
khách quốc tế luôn ao ước đến vui chơi ít nhất một lần trong đời. Lễ hội này đã
định vị thương hiệu và lan rộng khắp mọi vùng miền từ Bắc chí Nam. Vào những
ngày này, nếu không đến Chiang Mai, bạn cũng sẽ ngộp thở khi dừng chân ở
Bangkok.
Viếng
thăm thủ đô các thiên thần, rất dễ nhận ra việc tổ chức Loi Krathong với nhiều
hình thức thu hút du khách. Mở màn với từng đoàn diễu hành dài đánh trống, các
buổi biểu diễn văn nghệ và âm nhạc truyền thống, các trò chơi dân gian, bắn
pháo hoa và nhiều trò sáng tạo khiến đêm hội tràn đầy niềm vui tưởng chừng như
vô tận.
Loi Krathong mừng ánh sáng, Chiang Mai
Riêng
ở Công viên Lịch sử Sukhothai, Loi Krathong được tổ chức giữa những di tích ghi
dấu lịch sử của cổ thành vinh quang. Trong ánh sáng của những ánh đèn laser đầy
sắc màu mê hoặc, nét nguy nga của công viên lịch sử này đã hớp hồn mọi người.
Tại
Hua Hin, Pattaya, Ayutthaya..., Loi Krathong được trình diễn chẳng hề thua kém
Chiang Mai và Bangkok. Được biết, tại Trung tâm Thủ công và Mỹ nghệ Dân gian
của Hoàng gia ở Bangsai-Ayutthaya, đêm chủ đề Loi Krathong thường được tổ chức
ở sân Làng Thủ công và Mỹ nghệ Bang Sai.
Trước
khi khai mạc, du khách có thể thưởng thức các buổi trình diễn nếp sinh hoạt
truyền thống, nghệ thuật dân gian và cách làm hàng thủ công mỹ nghệ cùng với
chương trình văn nghệ tạp kỹ.
Loi
Krathong bên bờ sông... Sài Gòn
Chiều
ngày 17/11, bên bờ sông Sài Gòn khúc chảy qua phía trước Thảo Điền Village,
một phức hợp nhà hàng, spa, massage, thể dục ở quận 2, có chương trình Loi
Krathong đặc trưng của người Thái bày tỏ lòng biết ơn ánh sáng và nguồn nước
quý. Đây là một sự kiện lớn trong năm của cộng đồng doanh nhân Thái đang sống
và làm việc tại TP.HCM. Chương trình do Tổng lãnh sự Hoàng gia Thái Lan tại
TP.HCM phối hợp tổ chức cùng với Hội Doanh nghiệp Thái Lan tại TP.HCM và Văn
phòng Tổng cục Du lịch Thái Lan tại TP.HCM.
|
DƯƠNG THỦY - doanhnhansaigon.vn