Tòa án Hiến pháp Thái Lan hôm 20/11 ra phán
quyết, việc sửa Hiến pháp về thể thức bầu chọn Thượng nghị sỹ là vi hiến. Tuy
nhiên, liên minh 6 đảng cầm quyền không bị giải tán như nguyên đơn đề nghị.
Ngay lập tức các nhóm biểu tình ủng hộ và không ủng hộ việc sửa đổi Hiến pháp
đều tuyên bố họ đã thắng lợi một phần và tiếp tục đấu tranh đến cùng. Lực lượng
Áo đỏ ủng hộ chính phủ đệ đơn lên Cục điều tra đặc biệt kiện 5 thẩm phán bỏ
phiếu thuận cho phán quyết này tội tạo phản. Lãnh đạo cuộc biểu tình do đảng
Dân chủ đối lập hậu thuẫn tuyên bố đấu tranh để các Nghị sỹ tham dự sửa đổi
phải bị cách chức.
Tòa án Hiến pháp Thái Lan. Ảnh minh họa: AFP.
Phản ứng về tính pháp lý của cơ quan tư pháp
này đối với các hoạt động lập pháp của Quốc hội Thái Lan đáng chú ý có Chủ tịch
đảng Vì nước Thái cầm quyền tổ chức họp báo không chấp nhận phán quyết của Tòa
án Hiến pháp. Ủy ban Phòng chống tham nhũng Quốc gia tuyên bố nhận đơn xem xét
của đảng Dân chủ kiến nghị cách chức Chủ tịch Quốc Hội và Chủ tịch Thượng viện
do vi phạm luật. Quốc hội chuẩn bị họp xem xét về tính pháp lý của phán quyết.
Giới trí thức, học giả Thái Lan cũng chia làm hai nhóm rõ rệt bình luận việc
tòa án Hiến pháp có quyền thụ lý và xem xét vụ kiện hay không.
Trong khi đó, đứng trước lời kêu gọi phải từ
chức để nhận trách nhiệm, Thủ tướng Thái Lan Yingluck hôm nay (22/11) tuyên bố
việc đệ trình dự thảo sửa đổi Hiến pháp lên nhà Vua là trách nhiệm của Thủ
tướng được quy định trong Hiến pháp và được thực hiện trước khi tòa Hiến pháp
tuyên bác dự luật sửa đổi này.
Các phản ứng của các đảng phái chính trị,
giới nghiên cứu, học giả… này được coi là chưa từng có tiền lệ tại Thái Lan.
Trước đây các phán quyết tương tự của tòa án Hiến pháp được coi là quyết định
cuối cùng và các bên phải thực hiện. Những phản ứng mạnh mẽ như vậy trong 2
ngày qua, báo hiệu chính trường Thái Lan sẽ còn nhiều phức tạp với các vụ kiện
đi đôi với các cuộc biểu tình đường phố của các bên trong thời gian tới./.
Xuân Sơn/VOV- Bangkok