14/9/13

Che thương hiệu: Lợi bất cập hại


Một việc nhỏ có lợi cho thương hiệu ở thời trước lại có thể gây hại lớn cho thương hiệu ở thời nay. Đó là bài học về câu chuyện thương hiệu mà Thai Airways đang phải nếm trải.

Mức độ an toàn là nhân tố quyết định hàng đầu uy tín và giá trị thương hiệu các hãng hàng không trên thế giới. Trục trặc kỹ thuật và tai nạn có thể đánh sụp thương hiệu hàng không hoặc làm nó sa sút mà phải cần rất nhiều thời gian mới có thể phục hồi được.
Sáng kiến thành tối kiến
Thai Airways là một thương hiệu hàng không sáng giá. Ngày 8/9 vừa qua, một chiếc máy bay Airbus A330 của hãng này bay từ Quảng Châu (Trung Quốc) về Băngkok khi hạ cánh đã lao trượt ra ngoài đường băng. 14 người bị thương trong quá trình sơ tán khẩn cấp ra khỏi máy bay.
Tai nạn này đương nhiên chẳng hay ho gì đối với Thai Airways, nhưng thật ra không nghiêm trọng và rất có thể sẽ nhanh chóng bị quên đi nếu như không xảy ra một chuyện được thực hiện với mục đích hạn chế ảnh hưởng xấu tới thương hiệu.
Sơn lập biểu thượng và thương hiệu. Ảnh: Bangkok Post
Chẳng là sau khi xảy ra tai nạn, Thái Airway đã cho sơn lấp biểu tượng và tên thương hiệu ở chiếc A330 bị tai nạn. Làm như vậy không phải sáng kiến của Thai Airways. Rất nhiều hãng hàng không đã hành xử như vậy khi máy bay của họ bị tai nạn. Mục đích ở đây là càng ít người biết thông tin và thấy hình ảnh lộ rõ tên và lôgô thương hiệu càng tốt. Đó là cách tách vụ tai nạn khỏi mọi mối liên quan đến tên và biểu tượng thương hiệu, theo kiểu chỉ để mọi người thấy máy bay Airbus bị tai nạn.
Không có lửa sao có khói
Vụ tai nạn nhỏ đã trở thành chuyện lớn, thu hút sự quan tâm để ý và suy diễn của dư luận.
Bưng bít thông tin và che đậy hiện trường như thế phát huy tác dụng không nhỏ ở thời có máy chụp ảnh chưa phổ biến và phương tiện chuyển tài hình ảnh cùng với thông tin còn bị hạn chế. Ngày nay, điện thoại di động đã phổ biến và điện thoại di động thông minh nào cũng đều có thể chụp ảnh với chất lượng hình ảnh ngày càng cao. Các mạng xã hội trên Internet có thể truyền tải và phổ biến hình ảnh, thông tin hết sức nhanh chóng. Xử lý như Thai Airways mới rồi làm hại nhiều hơn là làm lợi cho thương hiệu bởi thiên hạ không còn quan tâm nhiều đến thực chất vụ tai nạn mà đến việc hãng hàng không che giấu hiện trường. Không có lửa thì làm gì có khói. Không có tật thì sao lại phải giật mình. Không có gì khuất tất thì sao lại phải thiếu minh bạch.
Thương hiệu này ngay lập tức trở thành đề tài bàn luận và đàm tiếu trên các mạng xã hội và diễn đàn. Vụ tai nạn nhỏ đã trở thành chuyện lớn. Nó lại thu hút sự quan tâm để ý và suy diễn của dư luận trong khi nếu được quên lãng đi càng nhanh thì càng có lợi cho uy tín của thương hiệu. Thiên hạ giờ gần như quên hẳn những ưu điểm và thế mạnh của thương hiệu mà chỉ tập trung soi mói vào những điểm yếu của thương hiệu. Thai Airways lý giải việc làm này là quy định nội bộ của hãng. Liên minh hàng không Star Alliance vội vã thanh minh rằng cách làm đó không phải quy định hay thông lệ. Thế đấy, một việc nhỏ có lợi cho thương hiệu ở thời trước lại có thể gây hại lớn cho thương hiệu ở thời nay.
Thai Airways International là hãng hàng không quốc gia của Thái Lan, hoạt động chính tại Sân bay quốc tế Suvarnabhumi Bangkok, và là một thành viên sáng lập của hệ thống Star Alliance. Giống như Singapore Airlines, hãng này có các chuyến bay thẳng thương mại dài nhất từ New York và Los Angeles.
Hiện nay, Thai Airways là một trong số rất ít hãng bay có tần suất chuyến bay đến VN thuộc loại “dày đặc” nhất, cụ thể là mỗi tuần 24 chuyến khứ hồi, gồm hai chuyến/ngày đến Hà Nội và hai chuyến/ngày đến TP HCM. Nhiều khách hàng VN không chỉ chọn Thai Airways cho chuyến bay đến Bangkok mà còn đến các nước Đông Nam Á, và các thành phố lớn trên thế giới.

Thuỵ Vân - dddn.com.vn