Với tốc độ tăng trưởng bùng nổ, Đông Nam Á, đặc biệt Thái
Lan, trở thành điểm sáng về các thương vụ thâu tóm sáp nhập (M&A) ở châu Á.
Trong thời gian
qua, Thái Lan trở thành một trong những quốc gia có hoạt động M&A sôi động
nhất, với hàng loạt thương vụ mua lại đình đám của các tỷ phú đầy tham vọng,
trong khi ngày càng nhiều tập đoàn nước ngoài đổ xô vào thị trường Thái Lan do
bị hấp dẫn bởi tốc độ tăng trưởng vượt bậc.
Trong bối cảnh
khu vực Đông Nam Á đang từng bước trở thành một khối thương mại tự do, số lượng
các hợp đồng M&A có liên quan tới Thái Lan cũng theo đó tăng vọt.
Theo thống kê
của Dealogic, tính riêng trong năm nay, tổng giá trị M&A ở Thái Lan đã đạt
mức kỷ lục 14,7 tỷ USD, cao hơn 66% so với Malaysia, quốc gia có tỷ lệ M&A
cao thứ 2 ở châu Á. Một năm trước, Thái Lan chỉ đứng thứ 6.
Tỷ phú giàu
nhất Thái Lan Dhanin Chearavanont chiếm phần lớn các thương vụ M&A trong
thời gian qua ở quốc gia Đông Nam Á này, Dealogic cho hay. Tháng 2 vừa qua,
công ty kinh doanh bán lẻ và gia cầm CP All PCL của Chearavanont đã đồng ý trả
6,6 tỷ USD để mua lại Siam Makro. Đó là chưa kể đầu năm nay, Chearavanont còn
chi tới 9,4 tỷ USD để mua 16% số cổ phần trong tập đoàn bảo hiểm Trung Quốc
Ping An Insurance.
Ngoài
Chearavanont, tỷ phú Thái Lan khác là Charoen Sirivadhanabhakdi cũng tỏ ra khá
tích cực đối với hoạt động M&A. Tháng 2 năm nay, tập đoàn đầu tư TCC Group
của ông đã mua lại tập đoàn Fraser & Neave của Singapore với giá 11,2 tỷ
USD.
Tính chung trên
toàn châu Á, ngoại trừ Nhật Bản, hiện xếp thứ 4 về số lượng các thương vụ
M&A, sau Trung Quốc, Hàn Quốc và Ấn Độ, Dealogic cho hay.
Theo các chuyên
gia, nguyên nhân khiến hoạt động M&A ở Thái Lan tăng vọt là do các công ty
nước ngoài đang đổ xô khai thác những nền kinh tế đang phát triển ở Đông Nam Á,
trong bối cảnh kinh tế nội địa suy yếu. Kinh tế Thái Lan hiện được xếp ở mức
đầu tư và dự kiến tăng trưởng 4,3% trong năm nay, ngân hàng trung ương nước này
cho biết.
Mặc dù kinh tế
Trung Quốc tăng trưởng chậm lại khiến ngành xuất khẩu và công nghiệp Thái Lan
tổn thương nghiêm trọng, song tầng lớp trung lưu đang phát triển ở nước này
đang đóng góp không nhỏ cho sự tăng trưởng của ngành công nghiệp tài chính và
dịch vụ.
Bên cạnh đó,
các quốc gia Đông Nam Á như Thái Lan đang nỗ lực xây dựng khu vực thành một
khối thương mại tự do vào năm 2015, qua đó biến Đông Nam Á trở thành một thị
trường đồng nhất và rộng lớn hơn.
Theo một số
chuyên gia phân tích, ở Đông Nam Á vẫn còn một số thị trường mới nổi có tiềm
năng tăng trưởng còn mạnh mẽ hơn cả Thái Lan. "Thái Lan sẽ tiếp tục tăng
trưởng, nhưng Việt Nam và Myanmar còn ẩn chứa những cơ hội đáng kể", một
nhà phân tích nhận định.
Nguồn WSJ/Dân Việt
- gafin.vn