26/8/13

Người Việt sẽ không được ăn thịt chó Thái?

Ngày 24/8, Tổ chức Động vật Châu Á (Animals Asia), với tư cách là thành viên Liên minh Bảo vệ Chó Châu Á (ACPA) kiến nghị Việt Nam không nên nhập chó từ Thái Lan trong vòng 5 năm vì đây là nguy cơ gây bùng phát bệnh dại và bệnh tả.

Thịt chó Thái
Đức cha Somkiat Pholchangwang tại làng Ta Rae (Thái Lan) cho hay, bữa cơm của người dân làng Ta Rae thường không có thịt chó nhưng họ lại biến chúng thành nguồn thu nhập chính của nhiều hộ gia đình. Thậm chí, không ít lái buôn Thái Lan “phất lên” nhờ xuất khẩu loài động vật này sang Việt Nam.
Theo điều tra của cảnh sát, mỗi tháng có tới 30.000 con chó được xuất sang Việt Nam từ làng Ta Rae.
Người dân làng gọi công việc này là “Maa Grabong” – từ ghép của “chó” và “hộp”. Sở dĩ có từ ghép này là do những người dân nghèo trước kia thường đổi chó nuôi trong gia đình cho lái buôn nước ngoài để lấy những chiếc hộp nhựa chứa đồ.
Trại chăn nuôi chó của làng Ta Rae (Thái Lan).
Wit, một đầu nậu ở ngôi làng, cho hay: “Đây là một nghề béo bở. Từ khâu thu gom tới đổ hàng và "xuất khẩu", chúng tôi làm rất chuyên nghiệp. Hàng ngày, tôi và một số anh em trong nhóm buôn chia nhau đến mọi nơi trong vùng để tìm nguồn hàng”.
Theo người thanh niên 33 tuổi này, chỉ cần một sợi dây thòng lọng và chút kỹ xảo, anh có thể dễ dàng “bắt hàng”. Tuy nhiên, tay buôn này cho biết, nhiều khi họ cũng rất “tử tế”, mua từ chủ chúng. Dù không muốn nhưng nhiều gia đình phải bán chó do khó khăn tài chính hoặc do bực mình vì loài vật này thường cắn bọn trẻ.
Anh Wit tiết lộ thêm, sau khi “gom hàng”, nhóm buôn mang ra biên giới với Lào phía dọc sông Mekong, sau đó chuyển tiếp sang Việt Nam. Anh nói thêm: “Việc tuồn qua biên giới bên kia đôi khi không suôn sẻ. Dù đã lót tay cảnh sát nhưng cũng có lúc họ làm găng”.
Chó lậu từ Thái Lan vào Việt Nam 
Nhiều đối tượng từng tham gia buôn lậu chó từ Thái Lan vào Việt Nam cho biết, những năm gần đây, cảnh sát Thái Lan đã phát hiện và bắt giữ nhiều vụ vận chuyển trái phép chó không rõ nguồn gốc từ Thái Lan đi Lào để tuồn sang các nước: Việt Nam, Trung Quốc.
Vào cuối năm 2011, một số người Việt tại Thái Lan đã bị cảnh sát nước này bắt giữ vì vận chuyển chó trái phép và đã bị tòa án Thái Lan phạt tù 8 tháng. Các đối tượng này buôn lậu chó từ Thái Lan về Việt Nam để cung cấp cho các quán nhậu.
Theo điều tra của giới chức Thái Lan về nạn buôn chó từ Thái Lan vào Việt Nam cho thấy, có khoảng 200.000 con chó được nhập lậu vào Việt Nam mỗi năm.
Mỗi năm có khoảng 200.000 con chó được buôn lậu từ Thái Lan sang Việt Nam.
Các đối tượng buôn lậu thu gom chó tại các tỉnh, thành phố của Thái Lan, sau đó vận chuyển qua Lào rồi tuồn lậu vào Việt Nam. Hoặc cũng có thể từ Thái Lan đưa thẳng sang biên giới, rồi đi qua các cửa sông (Cửu Long) để đưa số chó này vào Việt Nam tiêu thụ. Nguồn chó chủ yếu vẫn là ở các tỉnh Đông Bắc Thái Lan.
Ông Nguyễn Tiến Hòa, một Việt kiều Thái Lan cho biết, mỗi con chó tại Thái Lan được các đầu nậu mua của các tên trộm chó với giá 10 USD nhưng sang đến Việt Nam chúng có giá lên tới 60 USD. Đó là khoản lợi nhuận khổng lồ nên các đối tượng buôn lậu đã bất chấp nguy hiểm để thực hiện.
Bên cạnh đó, Thái Lan là một trong những quốc gia có số lượng chó hoang rất nhiều. Theo Arnaud Dubus, một chuyên viên thông tín tại Bangkok cho biết, ngay tại Bangkok cũng có khoảng 300.000 con chó hoang. Chúng ở nhiều nơi, từ công viên đến bãi rác, đây chính là mầm mống của dịch bệnh bùng phát.
Tiến sỹ Tuấn Bendixsen, Trưởng Đại diện Tổ chức Động vật Châu Á tại Việt Nam, cho rằng, buôn bán thịt chó đã thúc đẩy vận chuyển một số lượng lớn chó trái phép không rõ tình trạng bệnh tật và không kiểm soát tiêm chủng. Đồng thời làm giảm hiệu quả của các nỗ lực xóa sổ bệnh dại ở khu vực.
Ông John Dalley, sáng lập viên Tổ chức Soi Dog Thái Lan nhấn mạnh chỉ cần một động vật nhiễm bệnh cũng đủ để bắt đầu một đại dịch.
“Ngăn chặn cả nguồn cung và lượng cầu đối với thịt chó là việc làm thiết yếu để chấm dứt việc buôn lậu chó. Vấn nạn đã gây ra nỗi đau đối với hàng triệu cá thể chó mỗi năm và gây ra mối nguy hại nghiêm trọng đối với sức khỏe con người.”, ông  John Dalley nói hôm 23/8, tại Hà Nội.
Loạn chó lạ đuổi cắn người ở Hà Nội, Thái Nguyên
Trong khi đó, thông tin từ ông Nguyễn Đức Việt - Phó Chủ tịch xã Bắc Sơn (Sơn Tây - Hà Nội) cho biết: "Khoảng một tháng nay, xã Bắc Sơn bị chó lạ từ nơi khác về tấn công. Ban đầu chó lạ này cắn chó nhà và đuổi cắn người dân.
Nhưng hiện nay đã xuất hiện hiện tượng chó nhà cắn người và bỏ đi hoang. Tính đến ngày 10/8, xã Bắc Sơn có 52 người bị chó cắn, tính đến ngày 20/8, con số này đã tăng lên 97 trường hợp và xã đang tiếp tục thống kê”.
Tình trạng chó lạ cắn người đang bùng phát ở Hà Nội và Thái Nguyên.
Ông Việt cho biết thêm, hiện tình hình trong địa bàn đang rất phức tạp, người dân hoang mang khi ra đường với nguy cơ bị chó tấn công bất cứ lúc nào. Người dân và chính quyền cũng không thế phân biệt được đâu là chó nhà, đâu là chó lạ, bởi người dân nơi đây có thói quen nuôi chó theo đàn, mỗi nhà ít cũng phải có 3, 4 con chó, và thường thả rông, không nhốt, xích.
Để khắc phục tình trạng trên, xã Bắc Sơn đã thành lập một tổ truy quét chó lạ, chó có biểu hiện cắn người và tiêm phòng bệnh dại cho tất cả các con chó trên địa bàn.
Theo ông Việt thì nguồn gốc của việc này bắt nguồn từ việc chó dại ở xã Thành Công (Phổ Yên - Thái Nguyên) tràn sang. Nhưng theo chính quyền xã Thành Công cho biết thì nạn chó dại ở Thành Công có nguồn gốc từ dịch chó dại ở Tam Đảo (Vĩnh Phúc).
"Giống chó này không phải xuất phát từ xã Thành Công, huyện Thái Nguyên. Có nhiều nguồn tin chó lạ này chạy từ Tam Đảo, Vĩnh Phúc theo đường đồi núi về địa bàn. Sau khi bị người dân đuổi đánh dữ dội, chúng bỏ Thành Công chạy sang Bắc Sơn", ông Dương Văn Bảy - Phó Chủ tịch xã Thành Công nói.

Quế Phong - baodatviet.vn