11/7/13

Ai đang hủy hoại thương hiệu gạo Việt Nam?

Gạo Nhật, gạo Thái Lan… chỉ là một cách gọi để các tiểu thương Việt Nam có thể bán hàng dễ hơn. Nhiều loại gạo của Việt Nam đang được "thay tên đổi chủ”. Tại sao lại như vậy, nhất là với một quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới?

Gạo nội bị đánh tráo trong những bao bì mác ngoại. Ảnh: Hoàng Long
Gạo Việt Nam "đội lốt” Nhật, Thái, Hàn...
Tại thời điểm này, nhiều chợ ở Hà Nội, một số loại gạo đóng bao bì có in nhãn nước ngoài được bán nhan nhản. Người bán tự giới thiệt là gạo nhập từ Thái Lan, Hàn Quốc... Đến một hàng gạo "lìu tìu” trong ngõ Mai Hương (quận Hai Bà Trưng) thì bà bán hàng cũng đon đả giới thiệu: "Gạo thơm Nhật Bản đấy. Gạo Việt Nam làm gì có chuyện sáng bóng, sờ vào mát cả tay thế này hả em”. Người mua hàng nói: "Làm gì có gạo Nhật, chỉ có gạo giống Nhật thôi chị ơi!”. Bà hàng xáo  nhanh nhảu nói ngay: "Thì cứ ăn khắc biết. Giờ ai ăn Điện Biên, Hải Hậu nữa đâu em”. 
Các loại gạo bao bì ghi là Nhật, gạo Thái Lan này được chia thành hai loại: loại thứ nhất đựng trong tải bao bì trắng, nặng 50kg. Loại thứ hai, được chia thành từng túi nhỏ, từ 5 đến 10 cân. Tất cả đều có ghi thương hiệu, địa chỉ sản xuất, địa chỉ phân phối, xuất xứ... từ nước ngoài.
Tại ngõ Chợ Gạo (quận Hoàn Kiếm), chị Hương Liên, chủ một kiốt gạo cho biết: "Làm gì có gạo Nhật. Gạo Nhật làm sao có giá 27.000 – 32.000 đồng/kg. Ngay như em muốn ăn gạo Thái, cũng phải 35.000 đồng/kg, mà còn không được ăn gạo nguyên chất đâu nhé. Gạo Tám Thái thì cũng trộn với Khang Dân, Xi Dẻo. Không phải người nhà, không phải gạo quê gửi ra thì thì không bao giờ được ăn "gạo xịn” Điện Biên, Hải Hậu chứ nói gì gạo Thái, gạo Nhật.  
Người mua có thể nhầm nhưng người bán thì không thể nhầm được. Theo chủ hàng tên Lan (kiôt gạo Lan Dũng) cũng ở con ngõ này thì gạo Nhật, gạo Đài Loan cũng chỉ là một cách gọi để các tiểu thương bán hàng có lãi hơn. Đã khá lâu rồi, người mua đang có xu hướng chọn mua các loại gạo cao cấp có gắn tên nước ngoài vì nghĩ rằng sẽ an toàn hơn và ngon hơn.  
Trên một bao gạo, cùng tiếng Việt lại có đến... 3 tiếng nước ngoài. Ảnh: Minh Hà
Người tiêu dùng e dè với gạo Việt
Chị Lưu Thúy (nhân viên Công ty CIC Việt Nam) đi mua hàng tại chợ ngõ Chợ Gạo chia sẻ, người ta nói gạo Nhật thì biết là gạo Nhật. Ăn cũng thấy ngon, dẻo. Nhưng vẫn chị Thúy cho biết, có lần về quê ở Nam Định, ăn cơm thấy cũng giống hệt "gạo Nhật” chị  vẫn mua ở Hà Nội với giá cao.
Kể từ lần đó, chị Thúy bắt đầu ngại gạo "lạ”. Tuy nhiên, chị Thúy cho biết thêm, tới nay không chỉ ngoài chợ bình dân các loại gắn mác nước ngoài bán chạy mà trong các trung tâm thương mại, siêu thị, gạo thương hiệu ngoại nhập cũng được nhiều người chú ý. Tại siêu thị BigC, gạo Nhật được chứa trong các thùng lớn, bắt mắt. Giá từ 28.500 đến 32.000 đồng/kg. Nhân viên ở đây cho biết, gạo này bán khá chạy.
Tại siêu thị Citimart (Thợ Nhuộm- Hà Nội), gạo giống Nhật do công ty An Đình phân phối có giá 172.000 đồng/túi 5kg, gạo Thái Lan có giá 233.700 đồng/túi 5 kg, gạo Hàn Quốc có giá 150.300 đồng/ túi 5 kg. Dẫu sao cũng còn tạm chấp nhận khi cơ sở sản xuất kinh doanh ghi rõ là "giống” của Nhật, của Thái chứ không lập lờ để người dân hiểu lầm là nhập từ hai nước đó. Nhưng điều đáng nói là trên kệ hàng của siêu thị này không hề có gạo tên Việt Nam.
Câu hỏi đặt ra: Lỗi do gạo có nguồn gốc Việt Nam chưa ngon hay do thói quen mua sắm của người Việt? Về việc này, chị Thúy nói: "Tôi thừa nhận có tâm lý sính ngoại. Nhưng tôi nghĩ, các nước Nhật, Thái Lan thì đương nhiên chế độ kiểm dịch an toàn. Chứ gạo Việt Nam toàn phun thuốc trừ sâu, dư lượng hóa chất độc hại vẫn còn, cũng ngại lắm”.
Tuy nhiên, có một điều mà mọi người đang nhầm lẫn, gạo Nhật hay gạo Hàn Quốc, gạo Thái Lan thực chất vẫn là gạo Việt Nam mà ra. Đó chỉ là giống lúa có nguồn gốc từ các nước kia (chủ yếu là Nhật Bản) được trồng và chế biến theo công nghệ Nhật Bản. Còn trên thị trường hầu như không thể có gạo Thái, gạo Nhật, gạo Hàn Quốc nhập khẩu. Nếu có, giá thành sẽ rất cao: tối thiểu là 120.000 đồng/kg. Tuy nhiên, nắm bắt tâm lý người mua, nhiều công ty phân phối đã gắn thêm cho gạo Việt những địa chỉ ngoại nhập rất sang: Nhật, Mỹ, Hàn Quốc, với tên gọi "thơm Thái”, "thơm Nhật”, "thơm Hàn”, "thơm Đài Loan”, nhưng bản chất hồn cốt là  Việt Nam.
Như vậy, chỉ vì đánh vào tâm lý sính ngoại và cách nhìn nhận không đầy đủ về gạo Việt Nam, nên cả người kinh doanh lẫn một số người tiêu thụ đã làm hỏng thương hiệu gạo Việt- thương hiệu chúng ta biết bao gian nan mới có được. Cuối những năm 80 của thế kỉ 20, chúng ta vẫn là nước thiếu lương thực, người dân đói. Bằng biết bao nỗ lực thay đổi, cải tiến giống lúa, quy hoạch, đầu tư, phát triển các nhà máy sản xuất phân bón... chúng ta  mới lần hồi đi lên. Thoát đói, an ninh lương thực quốc gia bảo đảm, xuất khẩu tăng dần, đến nay đã trở thành nước thứ nhất, thứ hai về xuất khẩu gạo. Ấy vậy mà không tự hào về gạo do mình trồng cấy nên, lại bán- mua gạo xuất xứ từ bên ngoài. Việc "nhái” thương hiệu, gắn thương hiệu giả để kiếm lời đã trực tiếp hủy hoại thương hiệu gạo Việt Nam.
Đáng tiếc, những người bán hàng không mất gì mà không tận dụng "mác đểu” để bán được hàng nhiều. 
Gạo của chúng ta ngon không kém gạo nước ngoài, vì thế mới có chuyện người ta dùng chính gạo Việt Nam nhồi vào bao có in tên nước ngoài. Thật đáng tiếc và cũng là hành động gian lận thương mại đáng bị xử lý. 
TS Lê Đăng Doanh, nhìn nhận vấn đề từ góc độ phân phối thì cho rằng, đổ lỗi việc bán hàng chạy hơn, lời hơn nếu gắn thương hiệu nước ngoài; Đổ lỗi tâm lý sính ngoại để gạo Việt thua ngay sân nhà chỉ đúng một phần. Đã đến lúc ngành nông nghiệp cần phải xem lại việc xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam. Trong giai đoạn hội nhập, không có cớ gì, lý do gì để bắt người tiêu dùng dùng sử dụng một sản phẩm duy nhất. Điều cơ bản là phải liên kết 4 nhà từ sản xuất đến phân phối.
Còn TS Bùi Chí Bửu, Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam lưu ý, phương thức thu mua, phân phối gạo Việt Nam còn lạc hậu, thường thông qua thương lái nhỏ.  Phải qua đến 5-6 tầng nấc thì gạo của người nông dân mới đến được người tiêu dùng. Qua các tầng nấc này, người ta đã pha trộn hạt giống hay các sản phẩm gạo, mà không có ai kiểm soát. Điều đó cũng làm một bộ phận người tiêu dùng mất niềm tin vào chất lượng gạo Việt Nam.

Thúy Hằng - daidoanket.vn