25/6/13

Máy tính bảng đưa lớp học Thái Lan vào kỷ nguyên số

Trong một lớp học ở miền núi Thái Lan, những đứa trẻ lướt ngón tay trên màn hình cảm ứng máy tính bảng, học từ tiếng Anh, toán tới âm nhạc. Học sinh khu vực kém phát triển là một phần trong dự án tham vọng của Chính phủ Thái Lan
phân phối nhiều triệu thiết bị điện tử cầm tay tới các trường học, qua đó nâng chuẩn giáo dục quốc gia. Tuy nhiên với phe đối lập thì động cơ mang tính chính trị nhằm tranh thủ phiếu bầu của thế hệ đi bầu cử tiếp theo…
Tại Trường Ban San Kong, ở Mae Chan, tỉnh Chiang Rai phía bắc Thái Lan, 90 học sinh được nhận máy tính bảng trong năm ngoái theo chính sách “Một máy tính bảng cho mỗi trẻ em” mà đảng cầm quyền cam kết trong chiến dịch tranh cử năm 2011.
Trước đó, trường này chỉ có vài máy tính bàn với khả năng truy cập internet hạn chế. Nay đeo tai nghe một giờ một ngày trong lớp, học sinh sử dụng máy tính bảng cho các hoạt động như hát tiếng Anh, xem phim về cuộc sống của nhà vua Bhumibol Adulyadej tôn kính và chơi trò chơi Toán học.
Tuy nhiên có máy tính bảng không đồng nghĩa với mở đầu cho tiết học số hóa. Máy tính bảng mới được trang bị chỉ được coi là phần cứng bởi chưa có nội dung giảng dạy trên nền tảng máy tính bảng. Cô giáo Siriporn Wichaipanid cho biết, chưa được đào tạo cụ thể cách thức sử dụng các thiết bị cầm tay cho giảng dạy. “Tôi đã sử dụng máy tính bảng iPad nhưng tôi không biết dạy trẻ như thế nào” – cô Siriporn chia sẻ.
Đối với học sinh – hầu hết là thuộc cộng đồng dân tộc thiểu số vùng núi cao Akha – nơi tiếng Thái không phải là tiếng mẹ đẻ - sử dụng máy tính bảng là một trải nghiệm tích cực. “Học sinh không nói tiếng Thái tốt nhưng chúng có thể nghe âm thanh phát âm rõ ràng hơn và nhắc lại” – cô giáo Wannawadee cho biết – “Nhiều em thường không dám hỏi cô giáo và vì thế có thể nghe đi nghe lại qua máy tính bảng”.
Đến nay, chỉ 2 trên tổng số 90 học sinh được mang máy tính bảng về nhà sử dụng sau giờ học. “Ở nhà không có kết nối không dây, thường mất điện và không tiện để xạc pin. Và quan trọng nhất là bố mẹ không có kiến thức về máy tính bảng” – hiệu trưởng Moonmueangkham cho biết. Tuy nhiên, vị hiệu trưởng này tỏ ra vui mừng vì những thiết bị điện tử hiện đại như vậy tới được những trẻ em nghèo nhất tại vương quốc Thái Lan thể hiện sự tiến bộ xã hội, thậm chí chỉ cần trẻ sử dụng 1 giờ 1 ngày thì cũng được tiếp nhận “cơ hội tương tự như với trẻ ở thành phố”.
Giảm khoảng cách giáo dục giữa đô thị phát triển và nông thôn lạc hậu là một mục đích của dự án – theo cố vấn Bộ Thông tin và Công nghệ viễn thông. Đến cuối năm 2014, chính phủ có kế hoạch cấp máy tính bảng tới 13 triệu học sinh với giá chỉ khoảng 100 USD – tổng cộng 1,3 tỉ USD – và thay thế chúng sau 2 năm.
Khoảng 850.000 máy tính bảng do Trung Quốc sản xuất đã được cấp phát và đợt tiếp theo sẽ có 1,7 triệu máy được phân phối – đây được coi là chương trình cấp phát máy tính bảng cho học sinh lớn nhất thế giới.
Tuy nhiên, cũng có chuyên gia giáo dục cảnh báo những thiết bị này không bảo đảm nâng chuẩn giáo dục. Máy tính bảng chỉ là “một công cụ học tập”, giống như bút chì. Để nâng chuẩn giáo dục phải tập trung vào thay đổi tận gốc rễ nền giáo dục như thay đổi chương trình giảng dạy theo hướng kích thích học sinh sáng tạo, lớp học sôi nổi…

Bảo Chi (Tổng hợp) - giaoducthoidai.vn