Nữ du khách nước ngoài dừng chân bên
một ngã tư ở TP HCM, chờ qua đường vào tham quan bảo tàng. Bất ngờ, một chiếc
xe máy trờ tới, nam thanh niên ngồi sau thò tay giật chiếc máy ảnh đeo trên cổ
nữ du khách.
Cú giật quá mạnh, sợi dây da lại quá chắc, nạn nhân ngã ụp xuống đường, mặt đầy máu...
Cú giật quá mạnh, sợi dây da lại quá chắc, nạn nhân ngã ụp xuống đường, mặt đầy máu...
Hình ảnh ấy ám ảnh những người chứng kiến mãi, trong đó
có người viết bài này. Chắc chắn nữ du khách kia sẽ chẳng bao giờ trở lại Việt
Nam nữa và những trường hợp như vậy đã xảy ra không ít.
Nhiều năm trước, Việt Nam được xem là điểm đến an toàn
song gần đây, tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra liên tục; số vụ du khách
bị cướp giật, hành hung tăng; nạn chèo kéo, chặt chém, lừa gạt vẫn nhan nhản
thì sự “an toàn” ấy không còn nữa. Năm 2009, có thống kê cho biết 70% du khách
đến Việt Nam rồi một đi không trở lại nhưng những người trong ngành thì nói tỉ
lệ ấy cao hơn, đến những 85%! 70% hay 85% cũng đều đã quá nhiều và rất đáng
buồn. Suy cho cùng, khách đến ít vì ta không biết cách mời; khách không đến nữa
vì ta không biết cách cầm chân khách, thậm chí lắm khi đuổi khách.
Tại hội nghị chuyên đề về công tác quảng bá, xúc tiến du
lịch Việt Nam tổ chức ở Hà Nội hôm 30-5, lãnh đạo Tổng cục Du lịch Việt Nam thừa
nhận: Du lịch Việt Nam chưa phát triển xứng với tiềm năng, sản phẩm còn nghèo
nàn, cách quảng bá còn đơn điệu, nạn chèo kéo và lừa gạt khách còn diễn biến
phức tạp… Bức tranh cận cảnh ấy cũng được Báo Người Lao Động khắc họa qua loạt
bài “Chán nản du lịch nội địa”, khởi đăng từ ngày 1-6.
Những gì ngành du lịch thừa nhận, những bức xúc được
người dân và báo chí phản ánh… đều không mới bởi đã diễn ra từ rất lâu. Để cho
những yếu kém, bất cập tồn tại trong thời gian quá dài như vậy, chứng tỏ cách
làm du lịch ở nước ta rất thụ động và trì trệ. Một đất nước có đến 7 di sản của
thế giới (2 di sản thiên nhiên, 5 di sản văn hóa) và 7 di sản phi vật thể của
nhân loại cùng vô vàn di tích, danh thắng đẹp tuyệt trần mà thành quả du lịch
mãi lẹt đẹt theo sau những nước trong khu vực như Malaysia, Indonesia,
Singapore, Thái Lan...
Khác biệt cơ bản nằm ở cách làm. Có ví von rằng du lịch
nước ta đã như cây gỗ sắp mục rồi, phải gia cố từ bên trong chứ đừng tô son
trát phấn bên ngoài nữa. Son phấn có dày cũng không thể làm du khách đắm say,
chỉ có vẻ đẹp đích thực mới hấp dẫn và giữ chân họ lâu dài.
Thái Lan là một điển hình đáng học hỏi. Mặc dù kinh tế
thế giới suy thoái, từ năm 2010 đến nay, lượng du khách đổ vào nước này luôn
tăng (năm 2010: 15.936.400 du khách, năm 2011: 19.230.470, năm 2012:
22.303.065, riêng 4 tháng đầu năm 2013 đã hơn 8 triệu; trong khi Việt Nam đặt
mục tiêu đến năm 2020 đón 10,5 triệu du khách quốc tế!). Ở “đất nước của những
nụ cười” này, người dân luôn xem mỗi du khách là người bạn quý. Đó chính là vẻ
đẹp dích thực của văn hóa du lịch, của người làm du lịch. Như thế, khách không
kéo đến mới lạ.
Vì vậy, hãy học người Thái!
DƯƠNG QUANG - nld.com.vn