20/3/13

Thai-League và V-League


Thai-League ra đời sau V-League một năm nhưng sau bản 1.0 thất bại, người Thái chuyển sang phiên bản 2.0 và thành công rực rỡ.
Việt Nam có V-League năm 2001 và một năm sau Thái Lan có Thai-League.
Nếu V-League ra đời còn có chút tiếng vang thì Thai-League gãy ngay từ khi hình thành.
Hồi đấy Thái Lan thèm được như V-League bởi Thai-League chỉ quanh quẩn các đội ở Bangkok, trong khi V-League trải dài trên khắp lãnh thổ Việt Nam.
Người Thái thất bại ngay từ giải Thai-League đầu tiên bởi chuyên môn thì kém mà yếu tố thương mại thì không thành công. Tệ nhất là có trận số người làm nhiệm vụ đông hơn số khán giả đến sân (chỉ vài chục người). Đấy cũng là lý do vì sao những năm 2002, 2003, hàng loạt tuyển thủ Thái bỏ Thai-League chạy qua tìm việc ở V-League.
Các sân bóng Thai-League giờ không thua 
gì các sân bóng ở Anh. Ảnh: GETTY IMAGES
Đến năm 2008 thì phiên bản Thai-League 2.0 ra đời với tên đầy đủ là Thai Premier League. Để chuẩn bị cho phiên bản mới này, LĐBĐ Thái Lan trước đó đã đưa Tổng Thư ký Ong Art Kosingkha sang Anh học hỏi tổ chức giải chuyên nghiệp. Về nước tổ chức giải, ông này còn mời cả chuyên gia Anh và trưởng ban tổ chức giải ngoại hạng Anh làm tư vấn.
Thai-League 2.0 lan tỏa rất nhanh đến nhiều nơi trong quốc gia chứ không gói lại trong Bangkok. Họ tổ chức rất bài bản ngay từ các CLB và lực lượng cổ động viên, HLV chuyên nghiệp và đặc biệt là chú ý mảng khai thác thương mại.
Theo như nhận xét của cố vấn người Anh thì trong ba mùa đầu (tức từ năm 2008 đến 2011) tốc độ phát triển chất lượng lẫn thương mại vượt giải ngoại hạng Anh những năm đầu thành lập. Công ty Thai Premier League (Thai-League Co. - đơn vị tổ chức giống VPF của Việt Nam) không chỉ ký được những hợp đồng mang tính bứt phá về mặt thương mại mà còn tạo nên đột biến về bản quyền. Họ ký được với một hãng truyền hình của Hàn Quốc đưa sóng trực tiếp giải Thai-League sang Hàn Quốc bằng sóng sạch và sóng có quảng cáo các sản phẩm của doanh nghiệp Thái.
Người có công nhất trong bước đột phá Thai-League phiên bản 2.0 là Tổng Thư ký Ong Art Kosingkha đã đào tạo và phát triển hàng loạt CEO cho các CLB và đây chính là đầu ra cho việc phát triển thương mại của từng đội bóng. Họ đi đúng theo cách làm của các CLB Anh.
Năm 2012 tính bình quân các CLB Thái Lan đạt lợi nhuận 1,35 triệu USD. Riêng các CLB mạnh như Muangthong, Buriram, Chonburi có lợi nhuận lên đến 5 triệu USD. Bảng tổng kết của Thai-League Co. mùa bóng 2012 đưa ra con số lợi nhuận tiếp tục lạc quan ở mùa 2013 khi có nhiều doanh nghiệp Mỹ và Nhật nhảy vào Thai-League khi sân bóng luôn đầy ắp khán giả với đủ loại hình đúng kiểu bóng đá Anh.
Bây giờ thì người Thái đang tự hào về phiên bản 2.0 của mình trong khi với bóng đá Việt Nam thì bản quyền và khán giả cùng yếu tố thương mại vẫn là bài toán chưa có lối ra.
Thai-League 2013 có bảy sân vận động lớn, hoành tráng, hoàn thành nốt bản sao cuối cùng của giải ngoại hạng Anh đó là hệ thống biển quảng cáo điện tử chạy quanh sân. Theo “tổng công trình” sư Ong Art Kosingkha thì bảng điện tử chạy này giúp các doanh nghiệp dễ đến với sân bóng hơn bởi họ có thể lên sóng với thời lượng vừa túi tiền phụ thuộc vào việc cài đặt thời lượng quảng cáo trên sân.
DUY ÂN - phapluattp.vn