Miền Đông Bắc Thái Lan, được biết đến
dưới tên gọi là vùng Isan, là một trong những khu vực năng động nhất nước về
văn hóa. Tuy ít được khách du lịch biết đến như miền Bắc hay miền Nam Thái Lan,
nhưng vùng này có một lịch sử phong phú,
vì từ bao lâu nay đã trở thành một
giao lộ của các luồng cư dân qua lại giữa Thái Lan, Lào, Cam Bốt và Việt Nam.
Arnaud Dubus, thông tín viên trong khu vực của RFI, vừa
dọc ngang vùng này trong nhiều tuần lễ để tìm hiểu thêm về đặc thù văn hóa nơi
còn ít được biết đến, nhưng rất đáng khám phá này.
RFI : Thân
chào Arnaud, trước tiên hết, xin anh cho biết vì sao xứ Isan rất đáng khám phá
?
Arnaud Dubus : Như chị vừa nói, vùng này có một lịch sử đặc biệt phong phú. Ngay
từ thế kỷ thứ chín, người Khmer đã đến định cư tại nơi này, và đến thế kỷ thứ
mười hai, xứ Isan trở thành một phần của đế chế Angkor. Sau đó, qua thế kỷ
XVIII và XIX, đến lượt người Lào sang sinh sống ở đây. Nhiều người trong số họ
là những tù binh chiến tranh được do Quốc vương Xiêm La (tên Thái Lan trước
đây) mang về. Hiện nay, người Lào chiếm đa số trong các cư dân sống tại Isan.
Ngoài ra, còn có một cộng đồng quan trọng người Việt trong vùng Nakhon Phanom
và Sakhon Nakhon.
Quá khứ như kể trên đã biến vùng này thành một nơi hết
sức đa dạng và hấp dẫn về mặt văn hóa. Dân chúng sử dụng rất nhiều phương ngữ,
một số rất gần với tiếng Lào, một số khác lại gần với tiếng Khmer. Văn hóa dân
gian của khu vực, về mặt âm nhạc, múa hát, lễ hội hay nghi thức thờ cúng, rất
sống động và đầy màu sắc.
Tại xứ Isan, có một sự vô tư, một niềm say mê cuộc sống
ít thấy ở các vùng khác của Thái Lan.
RFI : Anh
có thể cho biết thêm chi tiết về cộng đồng người Việt mà anh vừa nói tới ?
Arnaud Dubus : Một cộng đồng người Việt đã định cư gần thành phố Nakhon Phanom,
bên bờ sông Mêkông. Những người Việt nhập cư đó đã xây dựng một ngôi làng đặt
tên là Baan Na Jok, mà ta có thể ghé thăm. Hầu như tất cả cư dân vẫn tiếp tục
nói tiếng Việt, lẽ dĩ nhiên là song song với tiếng Thái.
Làng Baan Na Jok với nhiều ngôi nhà lớn bằng gỗ, đã được
bảo quản tốt. Nó có thể cho ta một ý niệm về cuộc sống nông thôn ở miền Đông
Bắc này vào đầu thế kỷ XX. Ông Hồ Chí Minh đã sống ở đó trong những năm 1920,
có lẽ là vào khoảng thời gian giữa năm 1927 và 1928., khi ông xây dựng phong
trào dân tộc chống thực dân Pháp. Các tài liệu phân phát tại địa phương này cho
biết là ông Hồ Chí Minh đã sống ở đây trong bảy năm - từ 1923 đến 1930 - nhưng
chi tiết đó có vẻ không đáng tin cậy lắm .
Dẫu sao thì ngôi nhà nơi ông sinh sống đã được bảo tồn,
và dân làng Baan Na Jok có nhiều chuyện để kể về Bác Hồ, mà theo lời họ nói,
thích câu cá và làm vườn. Trong làng có một nhà bảo tàng nhỏ được chính phủ
Việt Nam tài trợ.
RFI : Anh
đã bỏ hai tuần lễ để khám phá vùng Isan. Đâu là những nơi đã gây ấn tượng mạnh
nhất cho anh ?
Arnaud Dubus : Chúng tôi đã đến huyện Chong Chom, gần biên giới Cam Bốt, để tham
dự một ngày hội làng rất lớn. Lễ hội diễn ra trong một bầu không khí dễ thương
và náo nhiệt, giống như không khí một hội chợ giải trí ở Pháp. Những người dân
làng đã rất ngạc nhiên khi thấy người châu Âu, nhưng họ tỏ ra rất hiếu khách.
Cầu hữu nghị qua sông Mêkông, nối liền
thành phố Nakhon
Phanom, nơi có đông dân Việt sinh sống và tỉnh Khamouane
của
Lào. Ảnh: RFI/Arnaud Dubus
Sinh hoạt chủ yếu của buổi tối ngày hội làng đó là một
loạt các trận đấu võ Muay Thái. Bầu không khí rất cuồng nhiệt : trong hiệp đấu,
mỗi cú đấm, mỗi cú đá, đều được ca ngợi với tiếng hò hét từ đám đông. Một số võ
sĩ chỉ mới sáu hoặc bảy tuổi, nhưng đã thi đấu chẳng khác gì dân chuyên nghiệp.
Một kinh nghiệm đáng nhớ khác là chuyến ghé thăm làng
Baan Tha Klang ở tỉnh Surin. Trong làng này, mỗi gia đình đều có một hoặc hai
con voi được buộc vào một trong những cái cột nhà, tương tự như người ta buộc
một con trâu. Đây là những hộ gia đình người quản tượng, hầu hết thuộc dân tộc
Suai, một sắc tộc cư ngụ tại miền Đông Bắc Thái Lan từ trước lúc người Khmer
đến định cư trong thế kỷ thứ chín.
RFI : Anh cũng có nói đến các nghi thức thờ cúng. Ở vùng Đông Bắc Thái
Lan, các nghi thức đó có gì là đặc biệt ?
Arnaud Dubus : Có một truyền thống mạnh mẽ của những tu sĩ được gọi là nhà sư sống
trong rừng, tức là các tu sĩ Phật giáo không sống trong chùa, mà rút vào rừng
hay trong các hang động để tu. Mặc dù phần lớn rừng đã biến mất, những truyền
thống này vẫn tiếp tục, đặc biệt là xung quanh thành phố Ubol Ratchathani.
Một đặc điểm khác là trong vùng này có một sự hòa quyện
mạnh mẽ giữa Phật giáo và loại tín ngưỡng thờ vạn vật. Tôi đã gặp một số nhà sư
vừa là tu sĩ, vừa là đồng cốt, thầy bói hoặc thầy pháp. Họ ban phát bùa hộ mệnh
để ngăn đạn hay dao, giúp tín đồ trục đuổi tà ma và đọc thần chú, thường bằng
một ngôn ngữ pha trộn tiếng Khmer và Pali. Trên nguyên tắc, các nghi thức phi
Phật giáo này bị giới lãnh đạo Phật giáo Thái Lan nghiêm cấm, nhưng chúng vẫn
tiếp tục tồn tại trong những ngôi làng nhỏ miền Đông Bắc.
Arnaud Dubus / Mai Vân - viet.rfi.fr