Vẫn cái chất giọng Việt Nam lơ lớ sau sáu
năm chơi bóng đá cho HA Gia Lai, Kiatisak vui vẻ trò chuyện về vai trò mới của
anh và về giải Fair Play tại Việt Nam mà anh quan tâm.
Kiatisak nói chuyện và thỉnh thoảng đặt vào
một vài từ tiếng Việt mà anh vẫn không quên khi còn thi đấu tại Việt Nam.
Kiatisak cũng là biểu tượng Fair Play không chỉ ở Thái Lan mà cả ở Việt Nam bởi
phong cách thi đấu hòa nhã với nụ cười luôn nở trên môi cùng hành động giúp đỡ
đồng nghiệp.
. Chúc mừng anh khi được lệnh
ngồi vào chiếc ghế HLV trưởng U-23 Thái Lan. Việc tuyển chọn cầu thủ sắp tới
của anh ra sao? Tự tay anh chọn hay LĐBĐ Thái Lan đã chọn cho anh?
+ Tất nhiên phải là tự chúng tôi chọn chứ
người khác chọn thì tôi ngồi vào vị trí HLV trưởng còn có ý nghĩa gì. Tôi cũng
muốn nói về quan điểm của tôi khi chọn cầu thủ. Đó phải là những cầu thủ biết
cầu tiến, khi được ra sân là phải “cháy” hết mình, phải tôn trọng đấu pháp của
ban huấn luyện. Với tôi không có ngôi sao riêng lẻ trong đội bóng và đội bóng
chỉ có ngôi sao duy nhất là tập thể.
. Được biết giải truyền
thống King’s Cup của Thái Lan khai mạc ngày 23-1, chủ yếu là thành phần U-23
của đội anh tham dự?
+ King’s Cup là giải truyền thống mang tầm
cỡ đội tuyển trong đó có nhiều cầu thủ ở tuổi U-23 có thể dự SEA Games 27 được
chứ không phải đội U-23 của tôi. Tuy nhiên, đó là cơ hội của nhiều cầu thủ trẻ
khi HLV trưởng đội tuyển Thái Lan Schaefer quyết định gọi nhiều cầu thủ U-23 bổ
sung thay cho một số tuyển thủ có dấu hiệu quá tải sau mùa giải vô địch và sau AFF
Cup. Chủ yếu các cầu thủ trẻ này sẽ làm quen nhiều hơn là được đá chính.
HLV Kiatisak (phải) trong một lần gặp gỡ
với HLV
Phan Thanh Hùng. Ảnh: Xuân Huy
. Anh nghĩ gì khi báo Pháp Luật TP.HCM của chúng tôi có cuộc bầu
chọn giải Fair Play của bóng đá Việt Nam?
+ Tôi nghĩ một cơ quan truyền thông làm
được điều này sẽ trở nên một thế mạnh, có tính lan tỏa cao hơn cả một liên
đoàn. Tôi nghĩ một giải thưởng như thế là cần thiết cho bóng đá Việt Nam nói
chung và khu vực Đông Nam Á nói riêng. Nó sẽ dẫn đường cho cầu thủ biết quý
trọng nghề nghiệp hơn, quý đồng nghiệp, tôn trọng khán giả hơn và sẽ nêu cao
tinh thần cống hiến hơn.
. Được biết ở Thái Lan
cũng có giải này do một tờ báo tổ chức?
+ Tôi không biết quy mô giải Fair Play ở
báo các bạn ra sao nhưng ở Thái Lan, giải Fair Play do tờ báo thể thao của Tập
đoàn Siam tổ chức bầu chọn riêng từng danh hiệu và song hành cùng với LĐBĐ Thái
Lan. Trong hàng loạt những danh hiệu đó có cả danh hiệu Fair Play. Danh hiệu
này có thể là của nhóm cổ động viên CLB nào đó, đội bóng nào đó, hoặc cầu thủ
hay quan chức, trọng tài có tinh thần Fair Play. Còn giải Fair Play của các bạn
thì tôi đang tìm hiểu về cách thức tổ chức và mức quy mô. Qua sự kiện này tôi
thấy tiếc cho tôi vì những năm tháng tôi còn thi đấu cho HA Gia Lai hầu như tôi
không bị thẻ phạt, vì vậy mà lúc ấy có giải trên thì chắc tôi sẽ có danh hiệu
(cười).
. Từng là một cầu thủ
tiêu biểu cho tinh thần Fair Play ở Thái Lan và cả Việt Nam khi anh thi đấu cho
HA Gia Lai, anh nghĩ gì về giải thưởng này?
+ Nó sẽ tôn vinh sự cao thượng trong bóng
đá nhưng tính hiệu quả còn lệ thuộc vào những nhà tổ chức và công tác giáo dục
của nhiều bộ phận. Theo tôi, giải Fair Play của các bạn nên có riêng một giải
thưởng dành cho cầu thủ trẻ đá hay, đá đẹp không bị thẻ sau một mùa bóng và không
tai tiếng trên thị trường chuyển nhượng. Đặc biệt là cầu thủ trẻ này còn có
cuộc sống lành mạnh đằng sau bóng đá… Như thế thì phần thưởng đấy sẽ mang tính
giáo dục rất cao. Nhân trao đổi với các bạn và chợt nghĩ ra điều này nên tôi
cũng có ý định sẽ gợi ý cho giới truyền thông Thái Lan thử về phần thưởng này
xem sao. Coi như đây là một ý tưởng tốt mà tôi bật mí cho các bạn đấy nhé
(cười).
. Xin cám ơn và chúc anh
may mắn trong vai trò HLV trưởng U-23 Thái Lan.
Duy Ân thực hiện - phapluattp.vn