Ảnh minh họa: Internet |
Từ tháng 1-2013, Chính phủ Thái Lan sẽ
nâng mức lương tối thiểu lên 300 baht/ngày, áp dụng trên toàn quốc. Các doanh
nghiệp vừa và nhỏ đang lo ngại sẽ phải đối mặt với một cú sốc lớn.
Thật ra từ tháng 4-2012, Chính phủ Thái Lan đã cho áp
dụng chính sách tăng mức lương tối thiểu 300 baht (9,79 USD)/ngày ở bảy tỉnh
thành, trong đó có thủ đô Bangkok và Phuket.
Từ giữa tháng 11, khối kinh tế tư nhân ở Thái Lan đã kêu
gọi chính phủ hoãn thực hiện chính sách nâng lương đến năm 2015 do lo ngại phần
lớn doanh nghiệp vừa và nhỏ ở nước này sẽ bị phá sản. Tổng thư ký Liên đoàn
Công nghiệp Thái Lan (FTI) Sommat Khunset dẫn chứng ở tỉnh Phayao, nơi mức
lương tối thiểu hiện nay chỉ 159 baht (5,19 USD)/ngày, và cảnh báo nếu nâng
lương lên 300 baht/ngày thì các công ty sẽ khó lòng trụ nổi và họ buộc phải
điều chỉnh sản xuất hoặc từ bỏ kinh doanh.
Công nhân làm việc trong một nhà máy sản xuất linh kiện xe hơi ở Ayutthaya,
Thái Lan. Ảnh: Reuters
Những lo ngại từ doanh nghiệp
Theo báo The Nation, mặc dù chính phủ đã đưa ra 27 biện
pháp khắc phục các tác động của việc tăng lương nhưng các doanh nghiệp cho rằng
những biện pháp này không hiệu quả và không giúp được gì cho hầu hết doanh
nghiệp. Theo họ, việc tăng lương có thể khiến các nhà đầu tư chuyển hướng sang
các nước và khu vực khác, nơi có giá nhân công rẻ hơn, cũng như sẽ đẩy nhiều
doanh nghiệp vào cảnh phá sản, phải sa thải nhân công và làm nền kinh tế suy
yếu. Dẫn chứng: đơn đặt hàng nước ngoài của ngành dệt may Thái đã giảm 20-30%
sau đợt tăng mức lương tối thiểu hồi tháng 4.
Ông Taweekit Chaturacharoenkun, Chủ tịch Ủy ban lao động
thuộc FTI, cho biết một số doanh nghiệp vừa và nhỏ đã chuyển nhà máy sang Việt
Nam và Campuchia. Một số nhà nhập khẩu nước ngoài cũng tỏ ý cho biết họ sẽ
chuyển đơn hàng sang Việt Nam và Campuchia trong năm tới. Đơn cử như Công ty
may mặc TK Garment đã chuyển nhà máy sang tỉnh Sisophon của Campuchia, nơi mức
lương theo ngày chỉ 60-70 baht (1,96-2,28 USD).
Ông Saowanee Thairungroj, Chủ tịch các trường đại học
thuộc Phòng Thương mại Thái Lan, cũng cảnh báo: “Các chính sách dân túy - bao
gồm cả tăng lương, trợ giá nông sản, giảm thuế - đều dẫn đến nợ công cao và đẩy
đất nước vào một cuộc khủng hoảng tài chính như ở các nước phương Tây”.
Thế nhưng, Chính phủ và các nhà kinh tế lại không chia sẻ
cái nhìn tương tự với các doanh nghiệp. Giám đốc Văn phòng thống kê của Ngân
hàng Quốc gia Thái Lan Somsajee Siksamat lại cho rằng đợt tăng lương mới này sẽ
là một cú sốc cho nền kinh tế, nhưng là cần thiết vì mức lương hiện tại đã quá
thấp và lại được duy trì trong một thời gian quá dài.
Ảnh minh họa: Internet.
Theo bà, ngay cả các lần tăng lương trước cũng không cân
xứng với tỉ lệ lạm phát và đã đến lúc các doanh nghiệp phải nhận ra rằng họ
không còn có thể thuê nhân công với giá rẻ nữa. Về lo lắng giá sản phẩm sẽ tăng
theo lương, như báo Bangkok Post cho biết, bà Somsajee khuyến cáo các doanh
nghiệp nên tập trung vào việc cải thiện năng suất, hiệu quả và chất lượng nguồn
lao động để vượt qua các thách thức này.
Bộ Lao động Thái Lan ngày 8-12 cũng thừa nhận việc tăng
lương tối thiểu sẽ khiến hơn 2.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp khó khăn, nhất
là các doanh nghiệp ở các tỉnh. Tuy nhiên, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài
chính Kittiratt Na-Ranong trước đó khẳng định Thái Lan cần phải tăng mức lương
tối thiểu, đặc biệt là trong bối cảnh khối đồng euro đang gặp khủng hoảng.
Theo ông, khủng hoảng ở châu Âu tồi tệ hơn mức đánh giá
trước đây và điều này ảnh hưởng đến xuất khẩu của Thái Lan. “Thái Lan không thể
dựa chủ yếu vào xuất khẩu được nữa” - ông nhấn mạnh. Thay vào đó, việc tăng mức
lương tối thiểu sẽ giúp tăng tiêu dùng trong nước.
Nhà kinh tế Wei Zheng Kit thuộc Citigroup cho rằng lương
cao hơn sẽ không gây ra lạm phát quá cao bởi các công ty sẽ không chuyển chi
phí bị đội lên này sang người tiêu dùng. Thay vào đó, lương cao sẽ được bù đắp
bằng năng suất cao. Lương cao hơn cũng sẽ là chiếc phao cứu sinh cho các nền
kinh tế ở Đông Nam Á bởi sẽ kích thích người tiêu dùng trung bình chi tiêu
nhiều hơn.
“Thời của lao động giá rẻ đã qua rồi”
Ngoài Thái Lan và Indonesia, Malaysia đang rục rịch tăng
mức lương tối thiểu vào tháng tới. Myanmar cũng đang xem xét biện pháp này.
Theo Wall Street Journal, Chính phủ Indonesia cam kết sẽ tăng lương tới 44% ở
Jakarta và sau đó sẽ áp dụng cho các vùng khác.
“Thời của lao động giá rẻ đã qua rồi”- Tổng thống
Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono tuyên bố. Nhiều nhà xuất khẩu lớn của
Indonesia hiện đã trả lương cao hơn mức lương tối thiểu và lương chỉ chiếm phần
nhỏ trong chi phí tổng thể nên việc tăng lương này sẽ không tác động lớn vào
giá thành sản phẩm.
Đề cập vấn đề này, báo Asie-Info của Pháp chuyên về Đông
Nam Á cho rằng đối với chính phủ các nước này, vấn đề là làm sao để không ảnh
hưởng đến tính cạnh tranh trong xuất khẩu, hơn nữa việc tăng thu nhập sẽ góp phần
tạo nên một tầng lớp những người tiêu dùng trung lưu.
Vào thời điểm này, theo nhận định của nhiều nhà kinh tế,
tính cạnh tranh của các nước Đông Nam Á sẽ không bị tác động gì bởi việc tăng
mức lương tối thiểu. Thậm chí với mức tăng mới này, lương tối thiểu của khu vực
này vẫn còn thấp hơn so với ở Trung Quốc.
Việt Phương - tuoitre.vn