Hôm nay 19/12/2012, một Phó thủ tướng
Thái Lan đã bị điều tra vì có liên quan đến vụ xuất khẩu sang Trung Quốc 100 con
cọp Bengale, một loài có nguy cơ tuyệt chủng, được Công ước quốc tế bảo vệ.
Công ước quốc tế về việc buôn bán động vật hoang dã (Cites) cấm xuất nhập khẩu
cọp, trừ phi xuất khẩu không nhằm mục đích thương mại, chẳng hạn như để nghiên
cứu khoa học.
Ông Plodprasop Suraswadi, khi còn là người đứng đầu Cục
Lâm nghiệp của Bộ Nông nghiệp, năm 2002 đã duyệt cho xuất khẩu 100 con cọp
Bengale từ một sở thú Thái Lan sang một trại chăn nuôi Trung Quốc. Teerayhut
Mapame, văn phòng Công tố viện cho biết, ông Plodprasop bị điều tra theo một điều
khoản của bộ luật hình sự về tội «lạm dụng chức vụ, không hoàn thành
nhiệm vụ hoặc tham nhũng».
Ông Plodprasop Suraswadi, khi còn đứng
đầu Cục Lâm nghiệp đã
cho xuất khẩu 100 con cọp Bengale từ Thái Lan sang Trung
Quốc (DR)
Ông Plodprasop, được tự do sau khi đóng tiền bảo chứng,
nhìn nhận đã cho phép xuất khẩu cọp nhưng bác bỏ các cáo buộc. Phó thủ tướng
nói với các nhà báo: «Tôi không sai phạm, vì tôi luôn hoàn thành nhiệm
vụ. Xuất cọp sang Trung Quốc không phải là một lỗi lầm. Nếu có ai lên án tôi là
phạm pháp, thì tôi yêu cầu họ phải đưa ra bằng cớ».
Sở thú nói trên nằm cách thủ đô Bangkok khoảng vài tiếng
đồng hồ xe chạy ở phía nam, nuôi 400 con cọp. Theo như trang web của sở thú,
thì việc nuôi cọp giúp khách du lịch có thể tiếp cận chúa sơn lâm, xem các màn
trình diễn như cọp nhảy qua vòng lửa.
Thái Lan là nơi tập trung các hoạt động buôn bán động vật
hoang dã có nguy cơ diệt chủng tại châu Á, và là một trong 13 nước có loài cọp
đang sinh sống, với gần 300 loài đang có mặt trong thiên nhiên - theo như Quỹ
Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF).
Theo Thụy My - viet.rfi.fr