Ảnh minh họa: Internet |
Varri Sodprasert - Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Thái Lan cho biết: “Mặc dù sản lượng cà phê của Thái Lan vẫn còn thấp so với các quốc gia ASEAN như Việt Nam và Indonesia, nhưng Thái Lan có tiềm năng cao để phát triển thành trung tâm cà phê của khu vực nhờ vào chất lượng, quá trình sản xuất và vị trí địa lý thuận lợi”.
Các thành viên của Hiệp hội, trong đó bao gồm các nhà
xuất khẩu, các nhà sản xuất cà phê hòa tan và người trồng cà phê sẽ cùng hợp
sức lại và làm việc cùng nhau để tập trung vào các sản phẩm đặc biệt nhằm nâng
cao năng lực cạnh tranh cho cà phê Thái Lan.
Ngay cả khi tiêu thụ cà phê ở Thái Lan tăng mỗi năm, quốc
gia này vẫn là một nước nhập khẩu cà phê ròng. Nhiều người trồng cà phê đã
chuyển sang các cây khác sinh lợi hơn như cao su và dầu cọ vì giá thị trường
cao hơn.
Sản xuất cà phê của Thái Lan đã giảm trong 6 năm qua, và
ước tính đạt khoảng 40.000 tấn trong năm nay.
Cà phê đã được trồng ở Thái Lan hơn 100 năm. Quốc gia này
đã chính thức trở thành nước xuất khẩu cà phê vào năm 1976, bán 850 tấn cà phê
Robusta. Nhờ vào giá thị trường thế giới cao trong những năm 1980, cho nên xuất
khẩu tăng mạnh, mà đỉnh cao là vào năm 1991 - 1992 với 60.000 tấn.
Từ diện tích trồng cà phê gần 400.000 rai vào năm 1992,
Thái Lan ước tính chỉ còn 280.000 rai trong năm nay, giảm so với 310.000 rai
năm ngoái. Tiêu thụ trong nước ước tính khoảng 70.000 tấn/năm, với tốc độ tăng
trưởng trung bình khoảng 10%/năm. Thái Lan nhập khẩu khoảng 25.000 tấn để cung
cấp cho các nhà sản xuất cà phê hòa tan.
Tiêu thụ cà phê bình quân đầu người được ước tính là khoảng
200 cốc mỗi năm ở Thái Lan, tương đối thấp so với 500 cốc tại Nhật Bản và 700 -
800 cốc tại Mỹ. Thị trường cà phê Thái Lan có giá trị khoảng 30 tỷ Baht, nhưng
chủ yếu bị chi phối bởi cà phê hòa tan và cà phê loại gói 3 trong 1.
Sao Mai - baocongthuong.com.vn