(Bình luận
chính trị)
Đảng
Pheu Thai thách ông Suthep Thaugsuban giữ lời hứa sẽ đến cảnh sát để nộp mình
nếu cuộc biểu tình ngày 9/12 không lật đổ được Chính phủ của bà Yingluck
Shinawatra.
Thực
tế hôm qua, 9/12, số lượng người biểu tình chỉ đạt khoảng 14-15 vạn, còn xa so
với mong ước 1 triệu của ông Suthep (Siamviet cũng đã đề cập sự khó tin với con
số này). Nhưng, do người biểu tình chỉ nhăm nhăm đổ về vây
quanh trụ sở Chính phủ, nên hình ảnh của họ kín đặc trên các phương tiện truyền
thông là vì vậy, gây hiệu ứng tâm lý “nể sợ” của người đọc báo, người xem
truyền hình trước sức mạnh của phe đối lập.
Để
giảm nhiệt tình hình, bà Thủ tướng Yingluck đã tuyên bố giải tán Hạ viện. Tối cùng ngày
9/12, Nhà vua đã chính thức phê chuẩn Sắc lệnh giải tán Hạ viện và ấn định thời
gian tổ chức cuộc tổng tuyển cử mới vào ngày 2/2 năm tới.
Bất chấp, ông Suthep cùng đảng Dân chủ và các
phe phái chống Chính phủ vẫn tiếp tục đẩy tình hình căng thẳng lên mức cao hơn
nữa, ra tối hậu thư ngày hôm nay (trong vòng 24 giờ) bà Yingluck phải từ chức.
Ông cựu Phó Thủ tướng Suthep còn “hẹn hò” rằng… sẽ tiếp tục tiến hành biểu
tình trong 3 ngày nữa.
"Tôi đã lùi đến đỉnh điểm và
tôi không biết phải lùi thêm thế nào nữa. Vì vậy, mọi người hãy cho tôi một
chút công bằng", bà Thủ tướng nói tại buổi họp báo trong ngày với đôi mắt ngấn
nước và giọng xúc động. Bà cho biết tiếp tục nhiệm vụ của mình cho đến khi cuộc
bầu cử dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 2/2/2014 bắt đầu.
Ở đây cần nói thêm, bà Yingluck
rơm rớm nước mắt trong buổi họp báo, có lẽ do xúc động khi bắt buộc phải nói đến
những điều người ta xúc phạm tới gia tộc Shinawatra đầy hãnh
diện của bà, thậm chí có kẻ còn yêu cầu “không cho gia đình bà đặt chân trên đất
nước Thái Lan”. Phe đối lập có cực đoan quá chăng?
Lại nữa, có một chi tiết đáng lưu ý, tờ báo
tiếng Anh “Bangkok Post” lúc 10.12PM hôm
nay đăng bài, nói bà Thủ tướng có “nước mắt cá sấu”.
Lãnh đạo cuộc biểu tình Suthep đã
bác bỏ kêu gọi bầu cử của bà Yingluck và tuyên bố sẽ thành lập một “Hội đồng
nhân dân” bao gồm “những người tốt trong nhân dân”, một chính phủ nhân dân song
song với chính phủ hiện tại trong vòng 8-12 tháng, và sẽ viết lại Hiến pháp.
Như vậy ý đồ của đảng Dân chủ phải lật đổ bà
Yingluck để giành được chính quyền càng ngày càng rõ.
Về phía Chính phủ của bà Yingluck, họ vẫn vừa
mềm dẻo vừa kiên quyết bác bỏ yêu cầu “Chính phủ từ chức”.
Một số điều khoản của Hiến pháp 2007 (do giới
quân sự soạn thảo sau đảo chính năm 2006) đã được các quan chức Chính phủ, các
chính trị gia, các học giả đề cập trong những ngày qua và trong Tuyên bố giải
tán Hạ viện là:
Việc lập
Hội đồng nhân dân không thông qua bầu cử là vi hiến tại điều 68 về cấm lật đổ
chính quyền hợp hiến, quyền của Tòa Hiến pháp xử lý các chính đảng hay cá nhân
liên quan. Việc thành lập một "Hội đồng nhân dân" và "Chính phủ
nhân dân" không qua bầu cử là "phi dân chủ" và "không
tưởng". Điều này sẽ gây thiệt hại to lớn cho Thái Lan cả về kinh tế - xã
hội và đối ngoại.
Việc giải tán Hạ viện cũng như việc đóng cửa
toàn bộ nội các tuân theo khoản 2 điều 180. Nhưng Chính phủ hiện thời vẫn tồn
tại để quản lý đất nước, được tuân theo điều 181.
Có ý kiến cho rằng
với việc phe đối lập dự định sửa đổi Hiến pháp 2007 bởi những xung đột trên
chính trường hiện nay dường như xuất phát từ những cách hiểu khác nhau đối với
bản Hiến pháp đó. Ý kiến này có lẽ chưa có sức thuyết phục, bởi lẽ chính giới
quân sự lật đổ ông Thaksin đã soạn thảo Hiến pháp này.
Điều có thể khẳng
định, sự rạn nứt khó hàn gắn nhiều năm, đặc biệt từ 2007 đến nay, trong xã hội
Thái Lan là hệ quả từ hai quan điểm đối lập nhau mà đại diện là đảng Dân chủ và
phe áo đỏ. Ủng hộ Chính phủ là tầng lớp nông dân chủ yếu ở các tỉnh phía bắc. Họ
đấu tranh cho nền dân chủ theo hướng cải cách, chống lại cái họ gọi là những
nhà tư bản cũ. Bởi vậy, dễ hiểu rằng, cựu Thủ tướng Thaksin và em gái ông là bà
Yingluck Thủ tướng hiện nay, lại được phe áo đỏ ủng hộ như vậy.
Ngược lại, lực lượng đối lập lại phần
lớn là tầng lớp trung lưu trở lên ở các thành phố lớn và thủ đô Bangkok, và những
người có tư tưởng bảo hoàng cực đoan. Những người này kiên quyết chống lại những
nhà tư bản mới ở “phía bên kia”. Họ luôn cáo buộc ông Thaksin thực hiện chính
sách mị dân và tham nhũng, trục lợi khi nắm quyền lực trong tay nên giàu lên
nhanh chóng. Họ cứ nói bà Yingluck chỉ là con rối do ông anh Thaksin giật dây. Họ
tìm mọi cách phải lật đổ bà Yingluck, phải diệt tận gốc “chế độ Thaksin” như
cách họ gọi.
Còn dư luận Thái Lan, đa số cho rằng
giải tán Hạ viện và tiến hành tổng tuyển cử là giải pháp tốt nhất để đảm bảo
nguyên tắc dân chủ, công bằng cho tất cả các phe phái, cũng như lấy lại uy tín
trước quốc tế cho nền dân chủ nước nhà.
Theo kết quả
khảo sát của Đại học Suan Dusit Rajabhat ở Bangkok thực hiện trong ngày 6 và
7-12, 42,42% số người được hỏi cho rằng biểu tình đông người không làm thay đổi
chính trị Thái Lan, 27,76% ghi nhận biểu tình không mang lại giải pháp cho xung
đột chính trị mà chỉ làm tình hình tồi tệ hơn. Chỉ 29,82% tin rằng biểu tình sẽ
giúp cải thiện tình hình bế tắc chính trị.
Các chính phủ Mỹ và New Zealand hôm qua cũng
đã kêu gọi Thái Lan đảm bảo duy trì thể chế dân chủ và bầu cử dân chủ, ủng hộ
các động thái, các bước đi đúng đắn của Chính phủ Thái Lan nhằm giảm căng thẳng
tình hình và để tìm được giải pháp tích cực bằng con đường hòa bình.
Bây giờ ta quay lại cái mốc ngày 12/12 mà ông
Suthep “hẹn hò”. Tình hình chính trường Thái Lan đến ngày đó (chỉ đến ngày đó
thôi) sẽ thế nào, các bạn đọc thử đoán nhé.
Tình huống thứ nhất, bà Yingluck do không
chịu nổi sức ép tiếp tục của phía biểu tình sẽ phải đệ đơn từ chức lên Nhà vua.
Tình huống thứ hai, phe đối lập vẫn tiếp tục
biểu tình dai dẳng.
Liệu có các tình huống khác không?
Các bạn nghĩ thế nào?
Một số hình ảnh an bình tại đại siêu thị
Fasionisland, Bangkok trong ngày lễ Hiến pháp 10/12/2013
Người nườm nợp tại khu vực bán hàng của dân
tỉnh Chiangmai.
Phiên chợ miền núi bắc Việt Nam?
Đi shopping và đi ăn
Mùa giảm giá
Trang trí Christmas tại một góc nhỏ bên trong
đại siêu thị
Bài và ảnh: An Bường
BKK, 11.30PM, 10/12/2013
Xem thêm: