Từ 11/12/2013, ngày đăng kỳ 4 của loạt bài “Thái Lan: Bao giờ dừng bất ổn chính
trị?”, đến hôm qua 11/1/2014, đúng 1 tháng, tôi cứ lưỡng lự viết hay không viết
tiếp kỳ 5. Khó quá, mặc dù tôi đang sống ngay tại Bangkok. Tự thấy chưa hiểu
nhiều về chính trị Thái Lan nên lưỡng lự là vì vậy.
Những ngày nửa
cuối tháng 12/2013, Bangkok lạnh, đêm 17-18 độ C. Tôi thấy có những người đi
vào buổi tối hoặc từ sáng sớm dùng áo khoác có mũ lông. Các quầy hàng áo ấm bán
chạy hơn. Qua năm mới 2014 đã ấm dần và nay nhiệt độ bình quân hàng ngày khoảng
25-26 độ C. Đó là thời tiết, còn chính trường ở Thái Lan cứ nóng dần và liên
tiếp ngay từ tháng 12 năm ngoái, thậm chí đã cảm thấy nóng rực. Phe đối lập đi
biểu tình dùng còi thổi ầm ĩ. Tôi được anh bạn hàng xóm cho một cái còi, mang
về từ cuộc biểu tình, nói để làm kỷ niệm.
Trong một tháng
qua, có biết bao biến động, sóng gió của chính trường Thái Lan.
Các cuộc biểu
tình chống chính phủ do ông Suthep lãnh đạo liên tục được triển khai, gây căng
thêm trên chính trường.
Cơ quan
điều tra đặc biệt (DSI) phong tỏa đã 2 tài khoản ngân hàng PDRC lập ra để nhận
tiền quyên tặng của dân chúng. Ngoài thủ lĩnh Suthep Thaugsuban, 16 thành viên chủ chốt khác của PDRC cũng đối mặt với
lệnh bắt giữ vì các tội nổi loạn.
Phía Áo vàng đối lập
đáp lại, trong các cuộc biểu tình từ cuối năm ngoái cho đến nay, người biểu tình
đã tài trợ cho ông Suthep ước tính trên dưới 100 triệu baht.
Ông Suthep Thaugsuban thủ lĩnh biểu tình chống chính phủ, có
sự hậu thuẫn của Đảng Dân chủ, tạm gọi tắt là phe Áo vàng, đã thề và thách đấu:
· “Đóng cửa
Bangkok” (tiếng Thái là “pịt Krungthep”, tiếng Anh báo chí dùng từ “shutdown
Bangkok”) vào ngày 13/1. Sau đó tiếp tục làm tê liệt thủ đô trong 15-20 ngày. Kế
hoạch này sẽ tạo ra các sân khấu biểu tình trên khắp thủ đô, chặn không
để các quan chức Chính phủ tới công sở, cắt điện và nước tại các cơ quan chính
phủ cũng như các dinh thự của Thủ tướng và các thành viên nội các.
· Phá kế hoạch tổ
chức tổng bầu cử Hạ viện 2/2/2014. Cản trở người các đảng vào đăng ký và gây
lôn xộn tại nơi làm việc của Ủy ban bầu cử quốc gia ở Sân vận động Thái - Nhật.
Ngay từ cuối năm 2013, phe ông Suthep đã ngăn cản đăng ký tại 28 đơn vị bầu cử
của 8 tỉnh phía Nam.
· Phe đối lập gây
sức ép pháp lý để tạo ra điều kiện “đảo chính tư pháp” lật đổ Chính phủ của bà
Yingluck. Mới đây, 7/1 Ủy ban chống tham nhũng quốc gia (NACC) đã cáo buộc 308
cựu Hạ nghị sỹ và đương nhiệm Thượng nghị sỹ vi hiến khi thông qua dự luật bổ sung
về điều chỉnh thành phần Thượng viện.
· Nếu phe bà Thủ
tướng Yinhluck Shinawatra thắng cử, PDRC sẽ tiếp tục
biểu tình triền miền trong nhiều tháng tới.
Bản đồ các khu vực biểu tình ngày 13/1. Ảnh: Reuters.
Phe UDD ủng hộ
Chính phủ
Mặt
trận thống nhất vì Dân chủ chống Độc tài (UDD, gọi tắt là phe Áo đỏ) sẽ thực
hiện chiến dịch “ Mở cửa Thái Lan” để đối đầu với kế hoạch “đóng cửa Bangkok”
của ông Suthep. Các cuộc tuần hành của phe Áo đỏ sẽ ra trên toàn quốc vào ngày 13/1
và sẽ dựng các sân khấu lớn ở Chiang Mai, Ubon Ratchthani, Khon Kaen và
Ayutthaya, nhưng không tổ chức hoạt động nào tại Bangkok.
Tuần hành ở thủ đô Bangkok hôm 10/1 bày tỏ
sự ủng hộ đối với chủ trương bầu cử và phản đối kế hoạch biểu tình chống Chính
phủ rầm rộ của lực lượng đối lập vào ngày 13/1. Ảnh: THX/ TTXVN
Chưa
rõ phe nào nã súng
Vụ nã súng sáng sớm
ngày 11/1 gần trụ sở Xổ số Nhà nước và tại ngã
tư Khok Wua đại lộ Ratchadamnoen (Bangkok), làm 7 người phe biểu tình chống
chính phủ đã bị thương.
Hành động của
Chính phủ
· Kiến nghị các
đảng phái chính trị và đã triển khai hội thảo cho việc lập Hội đồng cải cách toàn
quốc, bao gồm các đại diện từ tất cả các tầng lớp
trong xã hội, trong đó có cả giới hàn lâm, các đảng phái và nhóm chính trị.
· Thủ tướng tạm quyền Yingluck đã ra tuyên bố về Lộ trình 3 bước cải
cách đất nước song song với tiến trình bầu cử Hạ viện.
·
Đảng
Pheu Thai (PT) đăng ký bà Thủ tướng là ứng viên số 1 cùng 124 ứng viên khác và
triển khai ngay chiến dịch vận động bầu cử tại Bangkok và các tỉnh.
· Chính phủ tuyên bố có đủ khả năng kiểm soát tình hình
trong ngày 13/1, cuộc sống của người dân sẽ vẫn tiếp tục diễn ra bình thường. Thủ
tướng Yingluck lo ngại về khả năng bùng phát bạo lực do "bàn tay thứ
ba" lợi dụng tình hình gây ra. Bà sẵn sàng đối thoại với phe biểu tình.
Thăm dò dư
luận:
Trung tâm thăm dò dư
luận Suan Dusit Poll đã thực hiện việc thăm dò về vai trò của quân đội trong
tình hình hiện nay từ 1-4/1 với 1.219 người trên toàn quốc. 45,93% số người được
hỏi cho rằng quân đội cần hoàn toàn trung lập, 24,39% cần lo việc giữa nước và
bảo vệ nền dân chủ và còn lại là các ý kiến khác.
Một cuộc thăm dò dư
luận khác cũng do bởi Trung tâm Suan Disit Poll thực hiện với 1.337 bạn trẻ
trong 3 ngày 6,7,8/1. 61,51% số người được hỏi đã nói chính trường Thái Lan quá
hỗn loạn và đầy chán ngán. 19,25% cho rằng nó cản trở sự phát triển của đất nước
và gây ra bất hạnh. 15,09% cho rằng tất cả các chính khách đều xấu xa, tham
lam, thủ đoạn và lười nhác, làm gương xấu cho trẻ em.
Các hoạt động
và phát biểu của quân đội
Quân đội đã điều động một số đơn vị
cùng vũ khí hạng nặng tập kết tại Bangkok để tập rượt cho cuộc diễu hành kỷ
niệm Ngày thành lập quân đội 18/1. Hoạt động này góp phần tăng đồn đoán
liên tục về khả năng đảo chính quân sự, tới mức tướng Prayuth Chan-ocha, Tư lệnh lục quân, đã gay gắt khi trả lời
báo chí hôm 11/1. Tướng
Prayuth nói: Đảo chính "không phải là chủ đề chúng ta nói hàng ngày. Các
phương tiện truyền thông nên dừng suy đoán", “Tại sao các bạn cứ hay hỏi
tôi vậy? Nó giống như việc đi chợ hàng ngày.”.
Tướng
Prayuth cũng tuyên bố hôm 9/1: “Quân đội vẫn thực hiện nhiệm vụ của mình theo quy định của
pháp luật và luôn đặt quốc gia, tôn giáo, Nhà vua và người dân lên đầu, miễn là
bốn trụ cột trên đứng vững. Chúng tôi sẽ kỷ luật thẳng tay và hứa bảo vệ tất cả
người dân Thái Lan, đồng thời cố gắng không can thiệp vào bất kỳ một cá nhân
hay tổ chức nào”.
Quân đội cũng sẽ điều động binh sỹ tham gia bảo vệ 20 khu vực
quan trọng trong ngày 13/1.
Những nấc leo
thang của xung đột chính trị nói lên điều gì?
Mục tiêu cao
nhất của phe ông Suthep là lật đổ Chính phủ dân cử hiện hành, thủ tiêu triệt để
“chế độ Thaksin”, và giành chính quyền thông qua việc lập Hội đồng nhân dân do
họ lập nên (không phải do dân bầu). Một hai ngày gần đây, cụm từ “cách mạng
nhân dân” đã được phe đối lập và truyền thông đề cập.
Vấn đề nội
chiến cũng đã được nêu ra nếu các bên không chịu nhau, kể cả sau bầu cử nếu phe
bà Thủ tướng thắng cử.
Các chuyên gia nhận định
ngày 13/1 thật ra chỉ là “cao trào” trong chiến dịch biểu tình của ông Suthep
nhằm gây sức ép buộc quân đội can thiệp, đảo chính.
Timothy Huxley, Giám đốc
Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) ở Singapore, nhận định mục tiêu làm
Bangkok tê liệt là xa rời thực tế. Ông ngạc nhiên khi chưa thấy nơi nào như ở Thái
Lan, Chính phủ được bầu hợp hiến và phe đối lập biểu tình lại giằng co lâu đến
vậy.
Một số vấn đề quan
trọng đặt ra
1. Khoảng trống
chính trị hay là yêu cầu cấp bách về cải cách chính trị
Phe đối lập có lẽ đang muốn mọi thứ đi vào bế tắc để có thể có
lý do yêu cầu quân đội, tư pháp, kể cả hoàng cung hỗ trợ cho mục tiêu loại bỏ
bà Yingluck cũng như “chế độ Thaksin”.
Một chính khách dấu tên cho rằng, quyết định cuối cùng cho giải
quyết xung đột chính trị hiện nay sẽ phụ thuộc vào quân đội. Quân đội có sứ mệnh
quan trọng là ngăn chặn đổ máu và mở đường cho việc sửa đổi hiến pháp bởi những
xung đột hiện nay dường như đang xuất phát từ những cách hiểu khác nhau đối với
bản Hiến pháp 2007. Xin lưu ý, bản Hiến pháp này do chính lực lượng đảo chính
năm 2006 chủ trì soạn thảo.
Có nhiều ý kiến cho rằng, nếu việc một thủ tướng mới được bổ
nhiệm thay thế bà Yingluck như ông Suthep đề nghị, chắc chắn sẽ dẫn tới xung đột
bạo lực bởi những phe Áo đỏ ủng hộ Chính phủ sẽ không dễ dàng bỏ qua. Họ sẽ lại
phát động một chiến dịch trả thù việc bà Yingluck bị loại bỏ.
Lúc này, quân đội có thể sẽ "ra tay" nhằm ổn định tình hình. Nó có thể không giống như những cuộc đảo chính trước đây, nhưng ít ra nó sẽ là hành động nhân danh hai bên để loại bỏ hiến pháp hiện nay và viết lại bản hiến pháp mới.
Lúc này, quân đội có thể sẽ "ra tay" nhằm ổn định tình hình. Nó có thể không giống như những cuộc đảo chính trước đây, nhưng ít ra nó sẽ là hành động nhân danh hai bên để loại bỏ hiến pháp hiện nay và viết lại bản hiến pháp mới.
Phe Áo
vàng muốn hoãn cuộc bầu cử sắp tới để thực hiện các cải cách chính trị có thể
kéo dài trong 1 năm hoặc 18 tháng. Theo ông Suthep, những quy định trong hệ
thống bầu cử hiện nay có nhiều lỗ hổng có thể dẫn tới tình trạng gian lận phiếu
bầu.
Ông Abhisit Vejjajiva, cựu Thủ tướng, lãnh tụ Đảng Dân chủ, phát
biểu rằng, tính hợp pháp của cuộc bầu cử không phải là liệu đảng Dân chủ có
tham gia hay không mà là liệu người dân có tẩy chay nó hay không. Chính phủ tạm
quyền nên thảo luận với Ủy ban bầu cử để tìm cách hoãn cuộc bầu cử sắp tới một
cách hợp pháp.
Báo chí phân tích, tình
hình hiện nay khác xa so với cuộc tổng tuyển cử 2006, khi đó Đảng Dân chủ đã
thuyết phục được các đảng liên minh tẩy chay bầu cử và chỉ còn để lại một mình Đảng
Người Thái yêu người Thái tranh cử. Trong cuộc đua lần này, Đảng Dân chủ đã
tẩy chay bầu cử nên có rất ít tác động bởi tất các đảng nhỏ liên minh đều đăng
ký tham gia. Như vậy, đảng Dân chủ sẽ chẳng được gì ngoài việc mất ghế trong
quốc hội. Trong cuộc bầu cử 2011, những người dân chủ đã giành được 50 ghế ở
miền Nam, 26 ghế ở miền Trung và phía Đông, 13 ghế ở miền Bắc, 4 ghế ở Đông Bắc
và 24 ghế ở Bangkok. Lần này họ lại tẩy chay bầu cử thì nó sẽ có tác động xấu
tới đảng về mặt lâu dài.
Ông Huxley, Giám đốc IISS, cho
rằng, “nếu ông Suthep có thể cải cách thành công hệ thống chính trị bằng lực
lượng người biểu tình tay không tấc sắt thì nó sẽ là cuộc cách mạng bất bạo
động đầu tiên trên thế giới”. Ông khẳng định “lực lượng biểu tình là vũ khí chính
của ông Suthep. Tuy nhiên, ông không thể quy tụ và duy trì được lượng người
tham gia đông đảo nếu cứ biểu tình triền miên”.
2. Khái niệm
dân chủ đang còn tranh cãi
Trên các phương tiện truyền
thông, các chính khách, các học giả có nhiều cuộc tranh luận về Hội đồng cải
cách (bà Yingluck đề xuất) và Hội đồng nhân dân (của ông Suthep).
Khái niệm dân chủ còn đang
được tranh cãi ở các khía cạnh cụ thể của đời sống chính trị hiện nay. Người
dân Thái Lan thoải mái biểu tình và làm những gì họ muốn khi biểu tình mà không
e ngại bị pháp luật xử lý, điều mà ở các nước có nền dân chủ cao hơn Thái Lan
là không được phép. Có ý kiến cho rằng, dân chủ ở Thái Lan là một khái niệm khó
hiểu.
3. Pháp luật và
thực thi pháp luật
Ngày 12/12, Tòa Hình sự
Thái Lan đã chính thức cáo buộc cựu Thủ tướng Abhisit Vejjajiva, Chủ tịch Đảng
Dân chủ và cựu Phó Thủ tướng Suthep Thaugsuban tội danh giết người trong cuộc
đàn áp biểu tình năm 2010 cướp đi sinh mạng nhiều người. Ông Abhisit được tại
ngoại sau khi nộp tiền bảo lãnh, còn ông Suthep không ra trình diện trước Tòa Hình
sự mà chỉ cử một luật sư đến để hoãn tới 16/1 với lý do… bận lãnh đạo biểu tình
chống Chính phủ tạm quyền! Nunthasak Poonsuk - Phát ngôn viên của Viện Kiểm sát
tối cao - đã khẳng định thông tin này, và cho biết cơ quan đã đồng ý với yêu
cầu trì hoãn buộc tội cựu Phó Thủ tướng Suthep đến ngày 8/1 tới tuân theo quy
tắc được hoãn 30 ngày của luật pháp Thái Lan.
DSI
khuyến cáo những người ủng hộ biểu tình dừng cung cấp tài chính hoặc các hình thức
hỗ trợ khác cho biểu tình, nếu không họ sẽ phải đối mặt với pháp luật.
DSI cũng tuyên bố chủ sở hữu các phương tiện dùng trong các cuộc biểu tình sẽ
được triệu tập để thẩm vấn, để xem liệu họ được thuê cung cấp dịch vụ cho PDRC
hay tự nguyện tham gia vì mục đích biểu tình.
Ngoài
thủ lĩnh Suthep, 16 thành viên chủ chốt khác của PDRC cũng đang đối mặt với lệnh
bắt giữ vì các tội nổi loạn. Nhóm này được yêu cầu có mặt tại DSI để thừa nhận
tội danh trong các ngày 26-27/12. DSI khẳng định họ sẽ bị bắt giữ nếu không tự
nguyện đến.
Nhưng cho đến nay chưa có việc bắt giữ nào được triển khai. Có lẽ
các cơ quan thực thi pháp luật còn e ngại nhiều điều.
Bộ trưởng Tư pháp tạm quyền Chaikasem
Nitisiri đã cảnh báo người dân nước này không tham gia kế hoạch do những người
biểu tình chống chính phủ phát động nhằm làm tê liệt thủ đô Bangkok vào ngày
13/1. Ông Chaikasem tuyên bố kế hoạch này là phạm pháp và nguy hiểm, hành vi
tham gia sẽ vi phạm pháp luật và đẩy đất nước vào hỗn loạn. Ông cũng cảnh báo
người dân có thể bị thương nếu đụng độ xảy ra.
Hội đồng nhà nước Thái Lan đã
khẳng định rằng việc hoãn cuộc bầu cử sắp tới là không thể được bởi hiến pháp
hiện nay quy định phải tổ chức một cuộc bầu cử trong vòng 60 ngày sau khi giải
tán quốc hội.
Thể chế nhà
nước
Báo chí Việt Nam đưa tin, Thủ
tướng Yingluck lưu ý: “Chính phủ mới phải thành lập Hội đồng cải cách như là
một nghị trình của quốc gia. Chính phủ đảm bảo rằng cải cách có thể tiến hành
cùng với cuộc bầu cử. Cần phải có một cuộc bầu cử bởi cơ chế nghị viện sẽ điều
hành tiến trình cải cách”. Bà Yingluck cho biết thêm rằng ủy ban này sẽ có
2 năm để hoàn thành kế hoạch cải cách.
Hôm 25/12, ông Suthep đã
thách thức nữ Thủ tướng một cuộc tranh luận trên truyền hình để so sánh Hội
đồng cải cách (bà Yingluck đề xuất) và Hội đồng nhân dân (của ông Suthep).
Vậy thể chế
chính trị nào sẽ được lựa chọn: quân chủ nghị viện hay quân chủ nghị viện nửa
vời? Nội dung này sẽ được giải quyết như thế nào với các tình huống giả định: Đảng
Phue Thai thắng cử; Hạ viện không đủ số ghế nên bị giải tán lần nữa; Có đảo
chính quân sự? Đất nước Thái Lan sẽ đi về đâu nếu xảy ra nội chiến?
Hy vọng
Phát biểu tại lễ kỷ niệm sinh nhật lần thứ 86 của
mình, ngày 5/12, Nhà Vua đã kêu gọi cả đất nước Thái
Lan đồng
lòng vì "sự ổn định của đât nước". Nhà vua trong lời kêu gọi đầu năm 2014 cũng
đã nhắc lại tinh thần đó.
Khẩu
hiệu Ngày trẻ em Thái Lan 11/1 năm nay do Thủ tướng đưa ra là: "Hãy biết
ơn, có trách nhiệm, đạo đức, kỷ luật, và bảo vệ sự ổn định của Thái Lan". Thủ tướng tuyên bố: “Chúng tôi luôn sẵn
sàng đàm phán để mang lại hòa bình cho đa số người dân Thái Lan”.
Còn ông Suthep thì đưa ra khẩu hiệu: “Suy nghĩ thông minh,
yêu nước, yêu Đức Vua, trung thực và giữ gìn nước Thái”. Trả lời phỏng vấn ngày
12/1, ông Suthep cho biết, "nếu cuộc nội chiến nổ ra, tôi sẽ chấm dứt biểu
tình. Với tôi, mạng sống của người dân rất quý giá".
Quân đội tuyên bố
trung lập và sẵn sàng làm trung gian hòa giải. Lòng dân của đa số cũng vậy.
Bởi vậy, điều
mong mỏi là các bên chấp nhận đàm phán để tìm ra lối thoát cho bế tắc chính trị.
An
Bường
BKK, 12-13/1/2014
Xem
thêm: