19/4/15

KÝ SỰ SONGKRAN 2015: Kỳ 2 - ĐƯỜNG ĐẾN THAKHEC TẾT TÉ NƯỚC 2015

(SiamViet)- Đích tiếp phải đến là Thakhec (Lào), từ đây sẽ sang Nakhon Phanom của Thái Lan.
TRÊN ĐẤT VIỆT NAM
Ở Vinh có 2 bến xe: Bến xe Vinh và Bến xe Chợ Vinh. Lúc còn ở Hà Nội, tôi đã lọ mọ tìm trên mạng nhưng không rõ bến nào có xe đi Thakhec. Trước khi xuống tàu hỏa tôi cũng đã hỏi mấy hành khách xung quanh, ai
nấy đều không rõ đường đi. Vậy là để chắc ăn, tôi nghĩ nên đến bến xe cần tìm bằng xe ôm. Bác xe ôm, trung niên, nhưng có lẽ kém tuổi tôi, hiền lành và chịu chuyện. Nhà bác gần ga, khi nào có tàu về, tàu đến, bác từ nhà mới phóng xe ra. Thỏa thuận giá trước, cuốc xe đến Bến xe Vinh gần ga (Số 77, Đường Lê Lợi; Điện thoại: 038.3844127) là 20K đồng. Ở bến xe này rất ngộ, lúc tôi kéo vali vào chỗ bán vé để hỏi, khi quay ra, bà nhân viên tạp vụ đang lau sàn nhà, nhắc tôi, ông phải bê vali lên chứ. Tôi vội cười buồn với bà ta mà bê vali lên thật. Bến xe khang trang, nhưng cách cư xử với khách của bà này thì quả là quá đáng. Ở đây không có tuyến nào đi Lào, vậy là phải đi tiếp đến Bến xe Chợ Vinh (Địa chỉ: Vinh Tân, Tp Vinh; Điện thoại: 038.3842627), sẽ trả thêm 20K nữa cho bác xe ôm.

Đường phố Vinh thoáng đãng, lúc khoảng 6 giờ sáng càng thoáng đãng hơn. Người, xe đi lại lèo tèo. Tưởng bến xe gần đường lớn và sát chợ, nhưng không phải, phải đi vào phía sau chợ, qua một hai con phố nhỏ, xập xệ kiểu phố chợ nghèo.
Đến nơi, may quá đã có xe đi Thakhec đang chuẩn bị rời bến. Bác tài động viên, ăn sáng đã. Tôi vội làm suất bánh cuốn kiểu Vinh, chả giò nhiều, 30K, tạm được.
Lên xe thấy chưa đến chục hành khách, cứ nghĩ dọc đường xe sẽ bắt khách thêm. Biên chế nhà xe 40 chỗ này thật là đông đảo: nữ chủ xe khá xinh, 2 lái thay nhau và 2 “tên” trai phụ xe nữa.
Đến cửa khẩu Cầu Treo, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh, khoảng 9.30AM, mưa nhỏ và lạnh. Thủ tục xuất cảnh không lâu.
Nghe nói Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cầu Treo được thành lập nhằm thúc đẩy quan hệ giữa Việt Nam với Lào, góp phần phát triển kinh tế Hà Tĩnh. Khu vực này cũng là cửa ngõ ngắn nhất để Lào và các nước trong tiểu vùng Sông Mekong Mở rộng hướng ra biển Đông qua cụm cảng nước sâu Vũng Áng- Sơn Dương.
TRÊN ĐẤT LÀO
Qua cửa khẩu Nampao, huyện Khamkheuth, tỉnh Bolikhamxai của Lào, thấy lạnh dữ, do chờ lâu vì đông khách và mưa cũng nặng hạt hơn bên Việt Nam.
Hành khách Việt ta, hình như đa số là nông dân nghèo, ăn mặc xềnh xoàng, áo ngắn tay, trời rét mà không có, hay chủ quan không mang theo, hay không bỏ áo khoác ra mặc cho đỡ lạnh.
Nhìn quanh một hồi thấy có một cô mặc jiup. Chính vì thế mà cánh đàn ông thấy đỡ lạnh hơn chăng? He he.
Cảnh vật và thời tiết rõ ràng khác nhiều với đợt tôi đi Viên Chăn cũng qua 2 cửa khẩu Việt-Lào này cách đây 5-6 năm.
Không thấy ai chụp ảnh, tuy không thấy có biển hiệu nào cấm chụp ảnh cả. Lúc ở Cầu Treo, tôi giơ điện thoại di động hỏi một anh bộ đội biên phòng Việt Nam, câu trả lời là cái lắc không được chụp. Ở Nampao tôi không dám hỏi để xin chụp nữa.
Qua khỏi cửa khẩu Lào khoảng mươi cây số, trời nóng dần lên, trên người đã phải cởi bỏ áo khoác.
Tuyến đường này có nhiều quán xá hơn tuyến từ Cầu Treo tôi đi Viên Chăn trước đây. Chủ nhân đa số là người Việt, cũng là những người nhận hàng hóa từ xe khách này. Điều này đã lý giải cho tôi, vì sao trên xe ít khách mà nhiều đồ thế, đến mức một vài băng ghế đã được tháo ra.
Xe dừng ăn trưa ở một quán ăn của người Việt, quán Lacsao. Cứ 6 người 1 bàn, 1 đĩa gà luộc, 1 đĩa cá kho, 1 tô canh cá, 1 đĩa cải xanh luộc và 1 món gì nữa tôi quên mất. Ăn xong, từng người trả 15K kip Lào. Do không đổi tiền kip, tôi trả bằng tiền Việt là 70K. Bàn nhà xe không biết trả bao nhiêu.
Xe đến Thakhec khoảng 6.00PM, chậm so dự kiến khoảng 1 giờ do dừng nhiều lần để trả hàng đã đặt trước. Qua nét mặt cô chủ xe, người chuyên ngồi phân chia hàng và nhận tiền, tôi thấy chuyến hàng này là được, tuy đã phải chi quà biếu nhân dịp Tết té nước cho những địa chỉ cần biếu (bia, bánh, phong bì). Cô cho biết, khoảng tiếng nữa là quay về lại Việt Nam, chuẩn bị cho chuyến đi tiếp.
Đến Thakhec giờ này lỡ trớn, hết xe bus của Lào sang Nakhon Phanom. Đành ở lại 1 đêm vậy. Nghĩ bụng, thế mà lại hay, có dịp biết thêm một vùng đất của Lào, sáng hôm sau sẽ được chứng kiến cảnh té nước của bà con Lào ở đây.
Đi tìm phòng trọ dọc theo dãy nhà kinh doanh nhà trọ mà không dám ở phòng nào cả. Có 2 lý do chính: không có wi-fi và nhếch nhác quá, thêm nữa giá có rẻ đâu, 300 bạt (1 bạt = 660 VND). Đắt quá trời luôn, nếu so với giá hotel ở khu vực nhà tôi ở Bangkok. Quyết định ra khỏi khu vực bến xe, tìm phòng nào kha khá mới nghỉ được. Không biết đi xa hơn có hotel không, nhưng mới đi khoảng 20-30 mét thấy có 2 nhà nghỉ. Tại nhà nghỉ đầu tiên, hỏi có wi-fi nhưng phải ngồi vỉa hè mặt tiền nhà nghỉ mới có sóng. Đánh liều, OK, rồi phải trả trước 300 bạt. Lấy phòng mới thấy về nội thất nó chỉ hơn quán trọ tí chút. Quay lại bến xe, ăn ở quán người Việt nơi cô chủ xe gợi ý. Đĩa cơm đơn sơ quát những 15K kip (tiền Lào) dù bà chủ quán cười rất tươi và nói năng dí dỏm, và tôi cũng cười rất tươi và dí dỏm lại khi trả 60 bạt Thái. He he. Bữa cơm mới ăn hồi trưa nay, thịnh soạn hơn nhiều, 15K kip/người mà tôi còn chê đắt. Sáng hôm sau cũng tại quán này tôi phải trả cho cô con gái bà chủ (tôi đoán vậy) cũng 60 bạt cho tô phở bò như… canh, bánh phở xắt to hơn... sợi miến, nấu với thịt bò. Đúng là… Đi một ngày đàng học một sàng khôn. He he.
Hôm trước đọc bảng giờ xe, nhớ nhầm chuyến đầu tiên 8.00AM thành 7 giờ sáng. Ra sớm, chờ 1 tiếng rưỡi đồng hồ, còn gì là người nữa. May có cuốn sách cầm theo và thỉnh thoảng lôi máy di động ra chụp, nên mới có bức ảnh đôi gà “đang tám” chuyện gì không biết. He he.
Mới sáng ra, chào và chúc Tết mọi người bằng tiếng Thái «Sawadee pee mai» (nói bằng tiếng Lào phải là sabaidi pi mai) cả người Lào và người Việt bán hàng ở đây đều không đáp lại. Cho đến gần giờ xe chạy và dọc đường đến cửa khẩu đều không thấy một cảnh té nước như bên Thái. Hay là còn sớm? Có lẽ lại phải đến Lào vào dịp té nước năm khác vậy. He he.

MỘT SỐ HÌNH ẢNH DỌC ĐƯỜNG TỪ NAMPAO ĐẾN THAKHEC

Một góc quán cơm người Việt ở Lacsao (Lào).

Thanh niên Lào nhảy nhót ở một quán bên kia đường.

Bến xe Thakhec sẩm tối 12/4/2015.

Hàng quán ở bến xe Thakhec tối 12/4/2015.

Suất cơm tự chọn ở một quán ăn của người Việt ở bến xe Thakhec tối 12/4/2015, 15K kip.

Laptop của An Bường và chai bia Lào trên bàn lát đá granite, vỉa hè nhà nghỉ ngoài bến xe Thakhec.

Vé xe bus quốc tế Thakhec – Nakhon Phanom. 70 bạt + 5 bạt thủ tục XNC với người nước ngoài. 


Đôi gà đang tám chuyện ở bến xe Thakhec.

Nhà nghỉ gần bến xe, sáng 13/4/2015.
(còn nữa)
An Bường
19/4/2015
Xem thêm:

Ký sự Tết Thái té nước 2014. Kỳ 5: Nơi nơi chung vui Songkran