(zing)- Khi du lịch bằng máy bay đã quá quen thuộc, thì khám phá
cung đường tuyệt đẹp Việt – Thái – Lào bằng xe tự lái lại đem lại những trải nghiệm mới lạ cực kỳ thú vị và ấn tượng.
Khởi đầu từ cửa khẩu Lao Bảo, Quảng Trị theo đường Chín
Nam Lào vượt dãy Trường Sơn, băng qua cây cầu hữu nghị Thái - Lào số 2 tuyệt
đẹp đến Nakhon Phanom rồi tiếp tục tiến lên Udon Thani, sau đó chạy dọc dãy
Trường Sơn hùng vĩ về Việt Nam qua cửa khẩu Cha Lo (Quảng Bình). Trên hành
trình này có rất nhiều điểm tham quan nổi tiếng.
Điểm dừng chân đầu tiên là Mường Phìn, Savanakhet - nơi được biết đến là cái nôi của cách mạng Lào. Ở Mường Phìn có nhiều người dân Việt cùng Lào sinh sống hòa thuận. Khi đến đây dễ dàng cảm nhận sự gần gũi thân thiết từ những bảng hiệu cửa hàng đầy đủ tiếng Việt, người dân nói tiếng Việt và những món ăn ngon thuần Việt cũng đầy đủ trong các hàng quán trong thị trấn.
Rời Mường Phìn, trước khi đến trung tâm Savanakhet thì Thai Ing Hang- ngôi chùa cổ nhất Lào hơn 2000 năm tuổi là một điểm không thể bỏ qua. Tương truyền năm xưa đức Phật đã in dấu chân nơi đây khi đi giảng đạo. Ngôi chùa càng trở nên cổ kính thâm nghiêm trong ánh hoàng hôn. Vào mùa trăng tròn tháng giêng chùa tổ chức lễ hội suốt ba ngày để cầu phúc cho bá tánh thập phương, du khách may mắn ghé thăm dịp này có thể xin xăm hay cầu bình an cho những cuộc hành trình.
Đêm nghỉ chân tại Savanakhet nơi ngăn đôi biên giới 2 nước Thái – Lào, gió nhẹ mơn man. Phía xa là cây cầu Hữu Nghị lung linh ánh đèn. Là người Việt ngồi trên đất bạn Lào nhâm nhi cốc bia Lào ngắm nhìn đất Thái cũng thật thú vị. Càng về khuya không gian càng tĩnh lặng, lòng người mênh mang bao lo âu tất bật của cuộc sống thường ngày bỗng tan biến từ lúc nào.
Thủ tục xuất cảnh Lào và nhập cảnh Thái Lan khá đơn giản, chỉ mất chừng 15 phút. Để vào đất nước Thái Lan sẽ phải băng qua cây cầu Hữu Nghị Thái – Lào II: Được xem là kỳ quan kiến trúc trên biên giới hai quốc gia. Cầu xây năm 2004, khánh thành 2006, bắc qua sông Mê Kông nối tỉnh Mukdahan (Thái Lan) với Savannakhet (Lào). Dài 1600 m và rộng 12 m với 2 làn xe, đây là cây cầu thứ ba bắc qua hạ lưu sông Mê Kông, thứ hai qua biên giới Thái Lào trên sông Mê Kông. Rồi từ đây sẽ đi tiếp về Nakhon Phanom.
Điểm dừng chân thú vị tiếp của hành trình là Wat Phrathat Phanom - quần thể chùa và các bảo tháp đầy tráng lệ, trong đó có tháp lớn nhất cao 53 mét, trên đỉnh có khố vàng đúc trang trí nặng đến 110kg. Theo truyền thuyết, trong bảo tháp có chứa xương ngực của Đức Phật, nên được xem là một trong những cấu trúc quan trọng nhất của Phật giáo nguyên thủy. Khởi thủy, Tháp được xây dựng vào thế kỷ 16 bởi vua Lào Setthathirath. Mỗi năm, một lễ hội được tổ chức tại Phanom để tôn vinh các ngôi đền. Lễ hội diễn ra trong suốt một tuần lễ với sự tham dự của hàng ngàn người hành hương đến chiêm bái tại chùa.
Sau một ngày dài viếng thăm các di tích thì việc thưởng thức một bữa chiều với các món ngon của Thái trên du thuyền ngoạn cảnh sông Mê Kông là chọn lựa tuyệt vời nhất. Từ du thuyền có thể ngắm những kiến trúc đền đài cổ kính của cả 2 nước Thái, Lào huyền bí trong ánh hoàng hôn.
Một điểm đến mà mọi du khách Việt đều thường ghé thăm là Khu lưu niệm Hồ Chí Minh ở Nakhon Phanom, nằm cạnh khuôn viên Làng hữu nghị Thái – Việt thuộc làng Nakhok, Noongyath. Nơi đây lưu giữ nhiều hình ảnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi hoạt động ở Thái Lan những năm 1928 với biệt danh Thầu Chín. Khu lưu niệm còn phục dựng nhiều không gian thân thuộc như nhà tranh ở Làng Sen, vườn rau, ao cá. Cuộc gặp gỡ với đồng bào việt kiều xa quê luôn ấm cúng thân tình và bịn rịn lúc chia tay.
Để hiểu rõ về vùng đất nào thì việc ghé thăm bảo tàng là rất cần thiết. Được xây dựng năm 1912, Bảo tàng tỉnh trưởng Nakhon Phanom hoàn thành năm 1914 dành cho tỉnh trưởng đầu tiên. Đây là nơi lưu trữ nhiều hiện vật, thông tin hình ảnh về lịch sử, quá trình hình thành và phát triển của Nakhom Phanom. Tòa nhà ảnh hưởng lối kiến trúc phương tây kết hợp với văn hóa Thái trong trang trí nội thất nên tạo ra được những nét đặc sắc riêng.
Với diện tích 1800 hecta, cả khuôn viên như một khu rừng xanh mát. Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Dự án Hoàng gia Phu Phan là nơi lưu giữ, nghiên cứu và phát triển nông lâm ngư nghiệp, cung cấp các loại hạt giống, con giống cho người dân nuôi trồng. Ghé và được tận tay tham gia vào một số hoạt động thú vị như trồng lúa, bắt cá, lấy trứng cá giống, cho hươu ăn hoặc trồng cây đem rất nhiều điều thú vị.
Udon Thaini vừa mang nét cổ kính của kiến trúc xưa lẫn hiện đại của văn hóa nay, bên cạnh đó đây có thể được xem là thiên đường mua sắm của vùng đông bắc Thái Lan với nhiều sản phẩm đa dạng và khá rẻ. Ở một số chợ người Thái gốc Việt chiếm đến gần 50%, do đó du khách sẽ thoải mái “trả giá” mua sắm cho những món đồ mình yêu thích như trên đất Việt.
Niềm tự hào lớn lao của người Thái chính là Bảo tàng quốc
gia Ban Chiang: Cách Udon Thani khoảng 55 km, nằm trong khu di tích khảo cổ Ban
Chiang, bảo tàng Quốc gia Ban Chiang tái hiện và trưng bày hàng trăm cổ vật có
niên đại tiền sử từ 4000 đến 7.500 năm tuổi. Khu di tích này được UNESCO công
nhận là di sản thế giới và cũng là bảo tàng mở đầu tiên của Thái Lan. Đây thật
sự là nơi du khách nên ghé thăm để hiểu về nên văn hóa huy hoàng của người Thái
cổ.
Khám phá cung đường Trường Sơn huyền thoại từ phía Lào
đem lại sự choáng ngợp với khung cảnh hùng vĩ. Qua một khúc cua lên một đỉnh
cao cả một vùng núi xanh bạt ngàn cao vút giăng kín trùng trùng điệp điệp hiện
ra trước mắt rồi cứ chạy dài mãi không dứt. Từ đây cứ tiếp mãi là nối cung tây
Trường Sơn huyền thoại. Năm 1883 -1888 khi thực hiện phong trào Cần Vương, Tôn
Thất Thuyết đã đưa vua Hàm Nghi chạy lên đây ẩn trốn, vào những ngày mây giăng
khung cảnh hết sức huyền ảo siêu thực.
Hiện nay Tổng cục du lịch Thái Lan đã có rất nhiều chính
sách để hỗ trợ du khách Việt Nam, khám phá đất nước xinh đẹp này bằng đường bộ.
Với thời gian 5 ngày 4 đêm giúp du khách phần nào thưởng lãm được vẻ đẹp thiên
nhiên, văn hóa, lịch sử của nước bạn Lào và vùng Đông bắc Thái Lan, cũng như
cảm nhận sự hiền hòa mến khách của hai quốc gia mang đậm nét văn hóa Phật giáo
này.
Hải An - news.zing.vn