3/12/14

Nông dân Thái Lan dùng ma túy để có sức làm việc

(vnexpress)- Trường học của Cap bắt đầu lúc 8h sáng, vì thế sau khi kết thúc công việc ở đồn cao su, từ 1h đến 4h sáng, cậu thanh niên ở tỉnh Loei, Thái Lan, phải dùng "yaba" để tỉnh táo suốt một ngày dài.

Kiệt sức sau nhiều giờ làm việc mệt nhoài, các công nhân ở phía đông bắc Thái Lan đang chuyển sang dùng ma túy đá (methamphetamine hay meth - một loại chất gây nghiện tổng hợp) để giữ trạng thái tỉnh táo. Cap, phu cao su 16 tuổi, bắt đầu dùng "thần dược" này thường xuyên từ năm 13 tuổi. Không tiết lộ tên thật, cậu chỉ muốn được gọi với biệt danh là Cap.
Để có sức làm việc, các công nhân ở đồn điền cao su hay những vùng trồng mía chuyên canh phải nhờ tới "yaba". Ảnh: Al Jazeera.
Bố Cap cần con cái làm việc trên cánh rừng cao su, thế nên cậu "cắm chốt" ở đấy từ 1h đến 4h sáng để thu hoạch mủ.
"Công việc rất vất vả nên phải cần tới sự trợ giúp của yaba", Cap, hiện ở trung tâm cai nghiện của Bệnh viện Wang Saphung ở tỉnh Loei, đông bắc Thái Lan, nói. "Nhờ nó, tôi không cảm thấy mệt mỏi nữa".
Được gọi là "yaba" hay "crazy medicine" (thuốc điên), loại "thần dược" trên khiến người dùng làm việc không biết mệt mỏi. Yaba được tuồn vào vào Thái Lan từ Myanmar, càn quét các vùng thôn quê, hấp dẫn những người nông dân phải làm việc dưới sức ép công việc lớn.
Trường học của Cap bắt đầu lúc 8h sáng, vì thế sau khi kết thúc công việc ở đồn cao su, cậu phải dùng yaba để tỉnh táo suốt một ngày dài.
"Có giai đoạn, tôi không đến trường hàng ngày, chỉ bởi vì không có sức và hứng thú học hành. Tôi chỉ có thể đi học được nếu đã dùng yaba", Cap cho hay. Theo phu cao su này, hầu hết công nhân ở khu vực của cậu cũng đang "cậy nhờ" ở meth để làm việc.
Mối đe dọa từ ma túy đá
Khi người dân ở đông bắc Thái Lan có nhiều cây trồng sinh lợi và các cơ hội nghề nghiệp hơn đồng nghĩa với việc mối đe dọa từ meth cũng tìm đường len lỏi vào cuộc sống hàng ngày của họ.
"Thông thường, mọi người đi kiếm tiền vào ban ngày, còn đêm xuống lại ra đồng làm việc. Họ dùng ma túy để canh tác được nhiều hơn trên đồng, hay năng suất hơn trong các đồn điền cao su", Wirayuth Raengdee, nhân viên của Cơ quan Kiếm soát các chất gây nghiện, cho hay.
Từ những năm 1960, chính phủ Thái Lan đẩy mạnh nông sản thương mại ở phía đông bắc, khu vực nghèo nhất nước. Hiện, sự bùng nổ của cây cao su cũng là kết quả của sự chỉ đạo ấy. Diện tích trồng cây cao su trưởng thành tăng gấp ba lần trong ba năm qua. Vùng đông bắc nhanh chóng nổi lên là khu vực lớn thứ hai của Thái Lan về sản xuất cao su, sau vùng phía nam.
Tuy nhiên khi cây trồng thương mại được mở rộng thì giờ giấc làm việc của những người nông dân cũng trở nên thất thường. Họ rạch mủ cao su khi trời chưa sáng và thu hoạch mủ trước khi nó cứng lại dưới thời tiết nóng bức ban ngày.
Ở quận Wang Saphung thuộc Loei, một tỉnh chuyên canh cây cao su, giới chức Thái cho hay công nhân sử dụng meth tràn lan. Năm ngoái, 60 % bệnh nhân cai nghiện ở Bệnh viện Wang Saphung là công nhân cao su, và gần như tất cả đều nghiện meth.
Là quốc gia sản xuất cao su tự nhiên lớn nhất thế giới, Thái Lan đầu tư nhiều cho các đồn điền trên khắp cả nước, huấn luyện và hỗ trợ hàng chục nghìn nông dân như cha của Cap. Với nhiều hộ, cây trồng mới này mang lại cho họ thu nhập lớn. Gia đình Cap hiện kiếm được khoảng 6.000 USD một năm từ cao su, nhiều gấp 5 lần so với trồng sắn.
Tuy nhiên, meth, "thần dược" mà Cap dùng để có sức làm việc, đã lấy đi của cậu cơ hội học tập. Cap bỏ học khi nghiện nặng và giờ dù đã cắt cơn, cậu cũng không có ý định trở lại trường.
"Ở mọi ngóc ngách"
Ngoài công nhân cao su, những người làm việc trên cánh đồng mía ở Khon Kaen, tỉnh chuyên canh mía, cũng là nạn nhân của meth. Theo Supankalaya Lamleua, nhân viên y tế cộng đồng ở bệnh viện thành phố, meth có ở mọi ngóc ngách.
Trong những cuộc phỏng vấn với nông dân ở đây, Lamleua và các đồng nghiệp của mình thường nghe thấy nhiều lời than thở rằng ông chủ mua ma túy về cho họ dùng. Tất nhiên, ông chủ phủ nhận trách nhiệm. Một số người làng còn nói rằng chủ còn chọn cách hòa tan ma túy vào nước uống của công nhân.
Ken Putthakam, một nông dân trồng mía, cho biết các ông chủ đóng vai trò lớn trong việc khiến công nhân nghiện meth.
"Nếu nhà máy đường và chủ đất muốn nhân công làm việc cho mình, họ sẽ mua ma túy để chúng tôi có thể cắt được nhiều cây mía hơn trong khoảng thời gian ngắn hơn", Al Jazeera dẫn lời Ken nói.
Cuộc chiến với ma túy
Năm ngoái, giới chức Thái Lan tịch thu 126 triệu viên meth, con số lớn nhất trong lịch sử nước này, theo Cục Ngăn ngừa các chất gây nghiện. Trong khoảng thời gian từ 2010 đến 2013, số vụ bắt giữ liên quan tới meth tăng gấp ba lần. Đã có những chính sách nghiêm ngặt hơn, cùng các chương trình cai nghiện bắt buộc và án tù nghiêm khắc để ngăn chặn người nghiện.
Giống như nhiều người cai nghiện khác, Cap phải thử nước tiểu trong một cuộc vây bắt của cảnh sát. Cậu bị kết luận nghiện và được yêu cầu đi cai. Trong nhiều trường hợp, người nghiện được đưa tới các trại lính trong vòng bốn tháng để rèn thể lực hay tham gia các chương trình định hướng. Những kẻ buôn bán ma túy có thể đối mặt với mức án tù chung thân, hoặc thậm chí tử hình.
Dưới sự quản lý của chính phủ mới, chính sách chống ma túy của Thái Lan cũng được tăng cường.

Bình Minh (theo Al Jazeera) - vnexpress.net