3/12/14

Tìm kiếm cơ hội cho miền Nam Thái Lan

(bienphong)- Thủ tướng Thái Lan Pray-út Chan-ô-cha ngày 1-12 đã có cuộc hội đàm với người đồng cấp Ma-lai-xi-a Na-gíp Ra-dắc trong chuyến thăm đầu tiên tới quốc gia láng giềng có chung đường biên giới này, nhằm
tìm kiếm sự giúp đỡ để khôi phục các cuộc đàm phán hòa bình với lực lượng Hồi giáo nổi dậy ở miền Nam Thái Lan.
Ma-lai-xi-a là nước thành viên thứ 5 trong khu vực ASEAN mà ông Pray-út Chan-ô-cha đến thăm chính thức sau khi ông nhậm chức Thủ tướng Thái Lan hồi tháng 8 vừa qua.
Thủ tướng Pray-út Chan-ô-cha và Thủ tướng Na-gíp Ra-dắc trong cuộc họp báo sau hội đàm ngày 1-12.  Ảnh: bangkokpost.com
Kể từ tháng 1-2004, các vụ bạo lực đã liên tiếp xảy ra tại các tỉnh miền Nam Thái Lan có đa số người Hồi giáo sinh sống như Y-a-la, Pát-ta-ni, Na-ra-thi-vắt và 4 quận ở Xông-khla. Theo số liệu thống kê của quân đội Thái Lan, trong một thập kỷ qua, bạo lực đã cướp đi sinh mạng của 5.900 người và khiến 10.600 người bị thương. Chính phủ của cựu Thủ tướng Dinh-lúc Xi-vắt và nhóm nổi dậy Mặt trận Cách mạng Dân tộc (BRN) đã tiến hành 5 vòng đàm phán thông qua vai trò trung gian của Ma-lai-xi-a.
Tuy nhiên, các cuộc đàm phán trước đây rất ít tiến triển và đã đổ vỡ năm ngoái trong bối cảnh khủng hoảng chính trị tại Thái Lan dẫn tới cuộc đảo chính lật đổ chính quyền của bà Dinh-lắc Xi-vắt. Ngày 3-11 vừa qua, chính quyền của Thủ tướng Pray-út Chan-ô-cha cho biết muốn khởi động lại các cuộc hòa đàm với lực lượng nổi dậy người Hồi giáo và cam kết "trong vòng 1 năm" sẽ đem lại hòa bình cho khu vực miền Nam.
Trong cuộc hội đàm giữa Thủ tướng Pray-út Chan-ô-cha và Thủ tướng Na-gíp Ra-dắc, hai bên nhất trí thúc đẩy quan hệ đối tác kinh tế trên nhiều lĩnh vực; nhất là về hợp tác phát triển và đảm bảo an ninh ở khu vực biên giới chung hai nước; tăng cường hợp tác kết nối khu vực và phát triển kinh tế theo các khuôn khổ songphương và đa phương.
Đáng chú ý, Thủ tướng Pray-út Chan-ô-cha khẳng định Chính phủ Thái Lan sẽ tiếp tục tiến hành đối thoại hòa bình với các tổ chức Hồi giáo cực đoan ở cực Nam Thái Lan nhằm chấm dứt bạo lực, khôi phục ổn định ở khu vực này. Việc Chính phủ Ma-lai-xi-a hỗ trợ, tạo thuận lợi cho cuộc đối thoại hòa bình nêu trên sẽ được hai bên thảo luận cụ thể trong thời gian tới.
Về phần mình, Thủ tướng Na-gíp Ra-dắc khẳng định nước này sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong các cuộc hòa đàm ở miền Nam Thái Lan. Thủ tướng Na-gíp Ra-dắc cho biết tại cuộc gặp, hai nhà lãnh đạo đã thảo luận 3 nguyên tắc chính về cuộc hòa đàm ở miền Nam Thái Lan gồm: Cần có khoảng thời gian không có bạo lực ở khu vực này; Tất cả các bên sẽ có đại diện trong các cuộc hòa đàm và Ma-lai-xi-a và Thái Lan sẽ cố gắng đàm phán với tất cả các bên ở miền Nam Thái Lan chứ không phải chỉ một hoặc hai nhóm; Yêu cầu của các bên cần phải thống nhất.
Ông Na-gíp Ra-dắc nhấn mạnh tất cả các bên phải đồng ý với nguyên tắc trên và các yêu cầu sẽ được chuyển cho Chính phủ Thái Lan, chỉ có như vậy thì các cuộc đàm phán quan trọng mới có thể bắt đầu. Theo ông Na-gíp Ra-dắc, Băng Cốc công nhận vai trò của Ma-lai-xi-a trong tiến trình hòa bình ở miền Nam Thái Lan và cũng đã tuyên bố rõ rằng Ma-lai-xi-a là quốc gia duy nhất mà Thái Lan sẽ hợp tác trong tiến trình hòa bình.
Quan hệ giữa Thái Lan và Ma-lai-xi-a đã có những bước tiến đáng kể trong thời gian gần đây. Năm 2013, hai bên đã ký Hiệp định về đi lại qua biên giới, thay thế Hiệp định đã ký năm 1940, nhằm tăng cường an ninh và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đi lại của người dân hai nước qua biên giới. Giới phân tích nhận định, chuyến thăm Ma-lai-xi-a lần này của Thủ tướng Pray-út "sẽ tạo cơ hội cho hai bên tăng cường hợp tác về nhiều lĩnh vực, trong đó có tiến trình đối thoại hòa bình tại miền Nam Thái Lan, thương mại và đầu tư giữa hai nước, đặc biệt ở khu vực vùng biên.

Phương Châu - bienphong.com.vn