Ngày 11/12, hàng loạt nước đã bày
tỏ ủng hộ quyết định tiến hành một cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn tại Thái
Lan đồng thời hy vọng chính phủ tạm quyền của nước này sẽ tiến hành đối thoại
với phe đối lập và tìm giải pháp
hòa bình để giải quyết tình hình.
Người biểu tình phản đối Chính phủ tụ
tập ở khu vực Tượng đài Dân chủ, thủ đô Bangkok ngày 11/12. Ảnh: Reuters.
Tuy nhiên, bất chấp sự nhượng bộ của Thủ
tướng Thái Lan Yingluck khi tuyên bố giải tán Hạ viện và Tổng tuyển cử trước
thời hạn, phe đối lập vẫn quyết tâm lật đổ chính phủ tạm quyền. Những diễn biến
mới này đang đưa Thái Lan đứng trước những căng thẳng mới.
Các nước Mỹ, Trung Quốc, Ðức, Canada, New Zealand
ngày 11/12 đã bày tỏ quan ngại về tình hình bất ổn của Thái Lan. Trong tuyên bố
của mình, Trung Quốc hy vọng sẽ nhìn thấy một cuộc bầu cử diễn ra suôn sẻ ở
Thái Lan.
Phát biểu tại cuộc họp báo, người phát ngôn
viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nói: "Trung Quốc hy vọng nhìn
thấy các bên liên quan ở Thái Lan có thể giải quyết sự khác biệt
thông qua đối thoại và tham vấn trong khuôn khổ của Hiến pháp và pháp luật.
Trung Quốc hy vọng Thái Lan sớm khôi phục sự ổn định và trật tự”.
Cùng ngày, Ngoại trưởng Australia Julie
Bishop bày tỏ hy vọng rằng, quyết định kêu gọi tổng tuyển cử sớm của Thủ tướng
Thái Lan Yingluck Shinawatra sẽ giúp giảm căng thẳng chính trị tại quốc gia
Đông Nam Á này. Bà Bishop nhấn mạnh, Thái Lan đang phải đương đầu với những thách
thức chính trị lớn, song đánh giá cao việc chính quyền Bangkok cho phép biểu
tình hòa bình và phản ứng một cách kiềm chế.
Ngoại trưởng Bishop khuyến khích tất cả các
đảng phái chính trị ở Thái Lan giải quyết những bất đồng thông qua tiến trình
dân chủ hòa bình, đồng thời tôn trọng luật pháp. Bà Bishop nhắc lại rằng
Australia ủng hộ Thái Lan trong quá trình tìm cách giải quyết bất đồng chính
trị.
Trong khi đó, ngày 12/12, tình hình tại Thái
Lan vẫn tiếp tục diễn biến căng thẳng. Những người biểu tình chống chính phủ
Thái Lan vẫn chiếm khu vực gần tòa nhà chính phủ ở Bangkok. Một nhóm nhỏ người
biểu tình chống Chính phủ Thái Lan đã đột nhập vào khu tòa nhà chính phủ, nơi
đặt văn phòng của Thủ tướng Yingluck. Tuy nhiên, đã không xảy ra xung đột giữa
những người biểu tình và cảnh sát.
Trong bối cảnh phe Áo Vàng vẫn tiếp tục biểu
tình chống chính phủ, phe Áo Đỏ cho biết, họ sẵn sàng xuống đường tuần hành để
bày tỏ sự ủng hộ với chính quyền đương nhiệm. Thủ lĩnh Mặt trận Thống nhất vì
Dân chủ chống Độc tài (UDD) Jatuporn Promphan cho biết, lực lượng Áo Đỏ sẽ lập
tức đổ ra đường phố Bangkok nếu phe Áo Vàng dùng bạo lực chiếm đoạt quyền lực.
Thủ lĩnh Mặt trận Thống nhất vì Dân chủ chống
Độc tài từ chối cho biết địa điểm tổ chức các cuộc biểu tình, đồng thời nhấn
mạnh mục đích của họ không phải là đối đầu với người biểu tình chống chính phủ
mà chỉ để cho thấy lực lượng ủng hộ chính phủ mạnh hơn rất nhiều.
Tuyên bố này của lực lượng Áo Đỏ khiến nhiều
người lo ngại các cuộc biểu tình sẽ leo thang thành bạo lực. Nhà phân tích
chính trị Kan Yuen Yong của Thái Lan cho biết: “Nếu những người biểu tình đụng
độ với những người biểu tình Áo Đỏ khác thì sẽ có thêm rắc rối và lực
lượng vũ trang sẽ phải can thiệp. Điều đó sẽ là một vấn đề lớn. Nếu họ có
thể nói chuyện thì họ nên cố gắng để tìm ra một giải pháp mà các bên có
thể chấp nhận”.
Về phần mình, lãnh đạo lực lượng biểu tình
Suthep tuyên bố trước những người ủng hộ rằng, toàn bộ nội các của bà Yingluck
hiện đã vô hiệu lực. Trong khi đó, đại diện Đảng Vì nước Thái của Thủ tướng
Yingluck đã chuyển đơn kiện tới Cục Điều tra đặc biệt, đề nghị điều tra ông
Suthep phạm tội "khi quân phạm thượng" theo Điều 112 của Bộ luật Hình
sự, vì tự ý "ra lệnh" cho Thủ tướng tạm quyền Yingluck phải từ chức
trong khi Nhà Vua Thái Lan đã phê chuẩn sắc lệnh giải tán Hạ viện và giao cho
bà Yingluck và Ủy ban Bầu cử quốc gia phối hợp tổ chức cuộc tổng tuyển cử mới ở
nước này vào ngày 2/2/2014.
Liên quan đến yêu cầu thành lập Hội đồng Nhân
dân của ông Suthep, nhóm chuyên gia pháp lý của Chính phủ Thái Lan đã vận dụng
chính Điều 3 trong Hiến pháp mà ông Suthep đưa ra để giải thích, rằng không một
tổ chức nhân dân nào có quyền thực hiện quyền tối cao của nhân dân mà Nhà Vua
sẽ thực hiện quyền này thông qua Quốc hội, chính phủ và tòa án.
Như vậy, có thể thấy, Tuyên bố giải tán Quốc
hội, bầu cử sớm của Thủ tướng Yingluck chưa thể thỏa mãn yêu cầu của phe đối
lập khi đảng Dân chủ đối lập tuyên bố tẩy chay Hạ viện. Động thái này được coi
là bước đi quyết định để đạt tới mục tiêu lật đổ chính phủ của bà Yingluck. Đây
cũng là lần đầu tiên kể từ khi nổ ra làn sóng biểu tình ở Bangkok, đảng Dân chủ
đã quyết định công khai đứng về phía những người biểu tình chống chính phủ.
Giải tán Quốc hội và tiến hành bầu cử sớm chỉ
là những giải pháp tình thế mà bà Yingluck lựa chọn vào thời điểm “nước sôi lửa
bỏng” với hy vọng có thể củng cố quyền lực nhờ sự ủng hộ ở vùng nông thôn. Tuy
nhiên, hướng tiếp cận này như “đổ thêm dầu vào lửa” khiến phe đối lập càng thêm
quyết tâm lật đổ chính phủ, đẩy tình hình đến chỗ khó kiểm soát được.
Ông Kan - nhà phân tích chính trị tại Thái
Lan nhận định: "Những người biểu tình đang tạo ra một cuộc khủng
hoảng nhân tạo. Họ không muốn có một chính phủ hoạt động, một thủ tướng
hoạt động và các thành viên nội các hoạt động. Vì vậy, họ đang
lôi kéo bất cứ ai để trở thành thủ tướng tạm thời".
Với những diễn biến hiện tại, các nhà phân
tích chính trị nhận định, Thái Lan đang đứng trước "lối rẽ mới nguy
hiểm", có thể làm cho khủng hoảng kéo dài./.
Vũ Anh Tuấn/VOV - Trung tâm Tin