13/12/13

Lối thoát tình thế ở Thái-lan

Tuyên bố của Thủ tướng Yingluck Shinawatra giải tán Hạ viện, mở đường cho cuộc tổng tuyển cử sớm vào ngày 2//2/2014, đươc coi là giải pháp tình thế giải quyết khủng hoảng chính trị tại Thái-lan, trong bối cảnh làn sóng biểu tình rầm rộ
lên tới hàng trăm nghìn người ở thủ đô Bangkok có nguy cơ biến thành bạo lực, vượt tầm kiểm soát.
Giằng co giữa một bên là chính phủ (góc phải) và một bên là phe đối lập (góc trái). Biếm họa của PARESH NATH.
Cơn “xáo động” trên chính trường và đường phố Thái-lan kéo dài hơn một tháng qua sau những ngày tháng tương đối bình lặng kể từ sau cuộc biểu tình “đổ máu” hồi năm 2010, một lần nữa “phơi bày” mâu thuẫn nội tại, sự chia rẽ sâu sắc trong lòng xã hội nước này. Cuộc khủng hoảng có nguyên nhân trực tiếp từ Dự luật Ân xá do nghị sĩ đảng Vì nước Thái cầm quyền Worachai đề xuất, được chính phủ ủng hộ. Nhưng đằng sau đó là hình bóng cựu Thủ tướng Thaksin và sự chia rẽ trong xã hội giữa những người dân vùng nông thôn, người dân nghèo được hưởng lợi từ những chính sách khi ông Thaksin còn tại vị, với tầng lớp trung lưu, thành thị, giới “tinh hoa” ghét ông cay đắng.
Nguyên nhân gốc rễ, theo sử gia, nhà bình luận chính trị nổi tiếng Thái-lan Nidhi Eoseewong, là những biến đổi kinh tế - xã hội lớn trong 20 năm qua ở Thái-lan. Hàng triệu người dân nước này đã gia nhập tầng lớp trung lưu, đòi quyền được lên tiếng, được hưởng ưu đãi của chính phủ trong khi tầng lớp trung lưu cũ không chấp thuận.
Dự luật Ân xá nhằm xóa tội cho mọi đối tượng liên quan các biến cố chính trị từ năm 2004, bị phe đối lập cho là chỉ cốt để mở đường cho cựu Thủ tướng Thaksin về nước mà không phải thụ án hai năm tù giam vì bị kết tội tham nhũng. Tuy dự luật đã bị Thượng viện bác bỏ và chính phủ, rồi liên minh bốn đảng cầm quyền cam kết từ bỏ, không đưa trở lại xem xét tại Hạ viện nhằm “tháo ngòi” căng thẳng chính trị.
Nhưng, phe đối lập và thủ lĩnh cuộc biểu tình chống chính phủ, cựu Phó Thủ tướng, cựu Nghị sĩ đảng Dân chủ Suthep Thaugsuban chuyển mục tiêu sang đòi Thủ tướng Yingluck từ chức, giải tán QH, rồi nhanh chóng “nâng lên” thành lật đổ “chế độ Thaksin” vì cho rằng ông Thaksin vẫn là “nhân vật chính”, điều khiển hoạt động của chính phủ đương nhiệm. Để tăng sức ép lên chính phủ, toàn bộ nghị sĩ thuộc đảng Dân chủ đối lập đã tuyên bố từ chức ngay trước cuộc “đại biểu tình” ngày 9-12.
Việc phản đối Dự luật Ân xá vì thế chỉ là cái cớ. Mục tiêu cuối cùng mà các thủ lĩnh biểu tình theo đuổi là lật đổ chính phủ Yingluck, xóa bỏ ảnh hưởng của ông Thaksin, lập “hội đồng nhân dân”. Theo “ý tưởng” của ông Suthep, “hội đồng” này gồm đại diện mọi tầng lớp trong xã hội, sẽ chọn thủ tướng và thành phần chính phủ gồm những người không theo đảng phái nào, giỏi chuyên môn để thực hiện cải cách chính trị, trước khi tiến hành tổng tuyển cử, bầu ra một chính phủ mới.
Nhiều nhà phân tích cho rằng, đề xuất của ông Suthep phi thực tế và không xác định được cụ thể “hội đồng” này sẽ được lập như thế nào. Hơn nữa, nó lại trái với Hiến pháp hiện hành của Thái-lan. Song, ông Suthep hiểu rõ rằng, nếu cuộc tổng tuyển cử mới được tiến hành sau khi Hạ viện bị giải tán, với sự ủng hộ của số đông dân chúng, đảng Vì nước Thái sẽ trở lại nắm quyền.
Dù vậy, nếu ông Suthep, người đang bị Tòa án Hình sự Thái-lan phát lệnh bắt giữ với cáo buộc xúi giục nổi loạn, kích động người biểu tình chiếm giữ các trụ sở văn phòng chính phủ, cùng những người biểu tình có đạt được mục tiêu lật đổ chính phủ, phong trào Mặt trân Dân chủ thống nhất chống độc tài (hay còn gọi là lực lượng áo đỏ) ủng hộ chính phủ liệu có ngồi yên. “Vòng xoáy” xung đột vì thế lại tiếp diễn.
Trong việc giải quyết xung đột chính trị lần này, các nhà quan sát đánh giá cao cách đối phó của Chính phủ Yingluck bởi thiện chí đối thoại, kiềm chế tối đa sử dụng vũ lực và có những quyết định nhượng bộ kịp thời, không để bạo lực bùng phát ngoài tầm kiểm soát, tổn hại tới đất nước. Tuy nhiên, chính Thủ tướng Yingluck cũng thừa nhận tình trạng bế tắc chính trị tại nước này chưa thể sớm kết thúc.
Dư luận Thái-lan cho rằng, để giải quyết căn bản những mâu thuẫn, chia rẽ xã hội hiện nay, cần có cải cách chính trị hợp hiến với trọng tâm là sửa đổi Hiến pháp, các thế lực chính trị tránh đối kháng mang tính “thù địch” và đặt lợi ích đất nước lên trên hết.

TRƯỜNG SƠN (TỪ BANGKOK) (theo Thời Nay) - nhandan.org.vn