Có nhiều
bạn viết thư hỏi thăm và hỏi tại sao không thấy tôi viết về chuyện biểu tình ở
Thái lan, một sự kiện đang nóng trên các mặt báo. Có lẽ cũng vì đa phần
báo nhà nước Việt nam bây giờ cũng thừa nhận biểu tình của Thái lan là
chuyện
bình thường, không gây ra xáo trộn xã hội như trước họ vẫn thường tuyên truyền.
Vả lại cuộc sống ở đó vẫn diễn ra bình thường, theo lối việc ai nấy làm và mọi
người đều tôn trọng quyền đã được pháp luật bảo hộ.
Sự
bất ổn của chính trị Thái lan đã mang tính chu kỳ. Trong gần mười năm trở lại
đây, mỗi chính phủ chỉ tồn tại không thời gian trên dưới 2 năm nghĩa là chỉ
bằng nửa thời gian hạn định. Khi ấy các lực lượng đối lập tìm mọi cách, mọi lý
do để mở các cuộc biểu tình chống chính phủ với mục đích nhằm hạ bệ đảng cầm
quyền. Buộc Thủ tướng phải giải tán Quốc hội để tiến hành tổng tuyển cử để bầu
ra Quốc hội mới. Nói cho đúng thì cũng chỉ là chuyện tranh giành quyền lực giữa
2 phe đảng chính trị.
Thực
ra cuộc biểu tình chống chính phủ Thái lan lần này đã được nhen nhóm cách đây
chừng 4 tháng. Nhưng có lẽ thời điểm phát động biểu tình không đúng thời
cơ nên ngòi nổ của cuộc biểu tình được châm nhưng không bắt lửa. Đó là lý do vì
sao cuộc biểu tình chống chính phủ ở công viên Lumphini trung tâm Bangkok kéo
dài hàng tháng với số người tham gia thưa thớt. Điều đó cho thấy, sự căm ghét
chính quyền dù luôn thường trực trong lòng đa số người dân, nhưng không dễ mà
phát động được biểu tình, nếu lòng dân chưa tích tụ đủ sự phẫn nộ. Và cái đó
chưa đủ để cho họ thấy cần thiết phải quan tâm và biểu thị.
Biểu tình ngày 9/12/2013 tại trung tâm
Bangkok với khoảng 1,5 triệu người tham gia (Ba Cang: thực tế chỉ trong khoảng
14-16 vạn người)
Những
điều trông thấy
Phải
thừa nhận người dân Thái lan có ý thức và nhận thức rất cao về quyền làm chủ
của họ, cái đó đã được các chính trị gia Thái lan tận dụng để lôi kéo họ vào
trong các sinh hoạt chính trị một cách thường xuyên. Đó là nguyên nhân vì sao
cách lãnh tụ biểu tình có thể huy động được hàng vạn, hàng chục vạn, đến hàng
triệu người ủng hộ họ tham gia biểu tình. Và chuyện các gia đình chia đôi
người, một nửa ở nhà để một nửa đi biểu tình và hoán đổi nhau, đồng thời bỏ
tiền túi ra chi phí hay ủng hộ quỹ biểu tình là chuyện quá phổ biến.
Nhưng
cho dù giác ngộ chính trị của người dân cao đến mấy thì vai trò của các tổ chức
chính trị là điều kiện đủ buộc phải có. Không thể có các cuộc biểu tình với quy
mô lớn nếu không có sự chuẩn bị chu đáo và tổ chức một cách khoa học. Nếu không
có sự chuẩn bị và tổ chức tốt thì việc tập trung thành đám đông chỉ là việc tụ
tập đông người như ở Việt nam. Với sự có mặt của vài ba trăm người với một số
khẩu hiệu, băng rôn tuần hành với cự ly 4-5 km rồi giải tán thì chắc chắn sẽ
không giải quyết được vấn đề gì. Vì đã nói đến biểu tình thì ngoài yếu tố đông
người thì một yếu tố không kém phần quan trọng đó là vấn đế thời gian. Có nghĩa
là phải kéo dài trong một thời gian. Có như vậy mới có tác dụng gây áp lực.
Ở
Thái lan nói riêng hay các nước dân chủ nói riêng quyền biểu tình được ghi nhận
trong hiến pháp và được pháp luật bảo hộ. Nghiêm cấm chính quyền có các hành
động cản trở quyền biểu tình trong ôn hòa của công dân đưới mọi hình thức,
ngược lại chính quyền phải tạo mọi đièu kiện cần thiết như các dịch vụ công
cộng liên quan như điện, nước, nhà vệ sinh, các dịch vụ y tế khám chữa và cấp
cứu người bị nạn v.v…
Điều
mà ít người biết đến, đó là người biểu tình nếu gặp tai nạn vì tham gia các
cuộc biểu tình có yếu tố chính trị sẽ được hưởng những khoản bồi thường
rất lớn từ chính phủ. Cụ thể: Chết do xung đột được trợ cấp 7.960.000 baht
tương đương 270.000 USD, bị thương nặng khoảng 2.000.000 baht (70.000 USD),
bị thương nhẹ 200.000 baht (6.500 USD)…
Một
mặt khác, người tổ chức phải đảm bảo các điều kiện cần thiết khác cho người
biểu tình như lều tránh nắng, ghế ngồi, chỗ ngủ và phục vụ ăn uống miễn
phí với thức ăn và đồ uống đa dạng phục vụ mọi đối tượng 24/24 h. Ngoài ra
là các thiết bị cần thiết cho người biểu tình trong việc đối phó với tình huống
cảnh sát sử dụng lựu đạn cay, vòi rồng như kính bảo hộ, khẩu trang, nước
uống và thuốc các loại, v.v…Mọi chi phí do người tổ chức đảm nhiệm cộng với sự
hảo tâm của các cá nhân và các tổ chức khác ủng hộ.
Lều rạp tránh năng kiêm chỗ ngủ ban đêm
Các màn hình được đặt nhiều nơi trong
khu vực biểu tình để giúp người biểu tình theo dõi
Một xe vận tải dùng làm nơi diễn thuyết
di động
Phần
thiết bị phục vụ cho biểu tình cũng là một bộ phận quan trọng. Đó là hệ thống
với hàng chục sân khấu ngoài trời, được kết nối với nhau để truyền tải
thông tin thông qua hệ thống truyền thanh, truyền hình trực tiếp thông qua hệ
thống loa công suất lớn và hệ thống màn hình cỡ lớn đạt khắp mọi nơi. Cộng với
các sân khấu diễn thuyết di động đặt trên các xe vận tải cỡ lớn, vừa và nhỏ để
sử dụng trong khi tuần hành.
Không
thể không nhắc đến lực lượng bảo vệ (security) phục vụ cho cuộc biểu tình với
số lượng hàng ngàn người với quần áo đồng phục. Đây là lực lượng tình nguyện
đăng ký tham gia phục vụ, với nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự và thiết lập
hàng rào chắn bằng người cho các mục tiêu trọng yếu hoặc đối mặt với cảnh sát
trong suốt cuộc biểu tình
Tuy
vậy vẫn chưa đủ, người tổ chức muốn lôi kéo đông người tham gia phải cung cấp
các xe bus chở khách du lịch để tạo điều kiện cho người biểu tình có thể di
chuyển từ các địa phương về nơi biểu tình. Cũng có những nơi, nếu cần
thiết người tổ chức phải trả tiền thuê người biểu tình ở mức 1.000 -1.500
baht/ người/ngày.
Phần
người biểu tình cần nhất là chuẩn bị tinh thần để trụ lại nơi biểu tình trong
nhiều ngày (đối với những người ở xa) với các vật dụng cá nhân cần thiết, gọn
nhẹ dễ di chuyển trong lúc tuần hành. Ngoài ra họ cũng tự mua sắm cho mình các
vật dụng như áo, mũ, còi… có in biểu tượng của phe biểu tình.
Hoạt
động biểu tình dễ gây cho những người xung quanh cảm giác bất ổn, đây cũng chỉ
là động thái tâm lý của con người nói chung khi cảm thấy sinh hoạt bình thường
của họ bị xáo trộn. Như đường tắc, trường học đóng cửa vì lý do an toàn, một số
khu vực sầm uất của thủ đô bị tê liệt… do ảnh hưởng của biểu tình. Đây cũng là
lý do vì sao biểu tình được dùng như công cụ để gây áp lực lên chính quyền.
Tuy
nhiên người dân Thái lan dù không ủng hộ cuộc biểu tình đó song họ cũng vẫn hết
sức tôn trọng quyền biểu tình của những người khác. Hầu như bạn không nghe thấy
các lời phàn nàn của dân chúng, vì mọi người đều biết họ phải làm gì để giảm
thiểu những hệ quả từ việc biểu tình mang lại.
Mỗi
khu vực biểu tình do một người trong ban tổ chức chịu trách nhiệm. Hàng ngày từ
sáng sớm sẽ có việc thông báo hoạt động trong ngày, sẽ tuần hành đi đâu hay các
nội dung quan trọng. Sau đó là phần điểm tin thời sự và bình luận của các nhà
bình luận chuyên nghiệp, Tiếp theo là phần diễn thuyết của các diễn giả hay đại
diện của người biểu tình để hâm nóng tinh thần mọi người. Xen lẫn là các chương
trình văn nghệ do các ban nhạc nổi tiếng tình nguyện tham gia và người
biểu tình nhảy múa theo tiếng nhạc. Ai đói thì đi ăn uống, mệt thì nằm nghỉ tại
chỗ hoặc đi lại đây đó theo nhu cầu. Không khí vui vẻ thực sự là ngày hội
sinh hoạt chính trị trên đường phố của nhân dân, những người làm chủ đất nước.
Phải
thừa nhận các diễn giả ở các cuộc biểu tình có khả năng cuốn hút thính giả rất
cao, có khả năng gây nghiện. Chỉ cần sau 2-3 buổi nghe diễn thuyết của họ thì
hầu hết người tham gia biểu tình sẽ nghiện và sẽ tìm mọi cách để đến nghe
thường xuyên. Đó là lý do vì sao các cuộc biểu tình luôn đông người tham gia.
Sự
khác biệt
Nếu
phân cấp mức độ của các cuộc biểu tình nói chung về số lượng người tham gia ,
thì biểu tình ở Việt nam cũng chỉ xứng tầm với tên gọi một cuộc tụ tập đông
người. Với số lượng ngày cao nhất của các cuộc biểu tình chống Trung quốc, lên
đến khoảng 2-3 ngàn người mà trong số đó gần một nửa là các lực lượng bảo vệ an
ninh trật tự trong và ngoài đồng phục. Nếu so với các cuộc xuống đường trong
những ngày này ở Thái lan hay Ucraina có từ hàng trăm ngàn đến cả triệu người
tham gia cho dù đây là một so sánh được coi là khập khễnh. Bởi ở các quốc gia
nói trên sự tồn tại của phe đối lập và quyền biểu tình của người dân được Hiến
pháp và luật pháp bảo hộ. Ngược lại, ở Việt nam việc biểu tình cho dù đã được
ghi nhận trong Hiến pháp gần 70 năm, nhưng nó vẫn chưa được luật hóa để tạo
điều kiện cho người dân thực hiện quyền hợp pháp của họ. Đó là lý do vì sao
việc tập hợp đông người để biểu thị ý chí luôn vẫn bị coi là tụ tập bất hợp
pháp.
Nguyên
nhân chính của vấn đề này là do thể chế chính trị toàn trị mang màu sắc cộng
sản còn đang hiện hữu ở Việt nam. Khi mà đảng CSVN tự cho họ quyền lãnh đạo mọi
mặt nhà nước và xã hội, khi mà mọi vấn đề liên quan đến chính trị bị coi là
nhạy cảm. Đặc biệt là cách hành vi phản kháng mang tính tổ chức là điều bị coi
là hết sức nguy hiểm. Điều đó hoàn toàn khác với ở Thái lan hay Ucraina, các
quốc gia theo thể chế dân chủ tự do, khi mà toàn bộ quyền lực thuộc về nhân dân
một cách thực thụ. Vì hệ thống dân chủ cho phép công chúng có quyền tước bỏ
giới cầm quyền mà không cần thay đổi căn bản luật pháp của chính thể, nó làm
cho công dân tin rằng họ có thể bất đồng với chính sách hiện thời, nhưng sẽ luôn
có cơ hội thay đổi giới cầm quyền, hoặc thay đổi chính sách. Điều này có thể
giảm bớt những bất trắc và bất an chính trị hơn là thay đổi chính trị bằng bạo
động.
Các
chính phủ chỉ là người được nhân dân lựa chọn thay mặt họ để sử dụng quyền lực
nhà nước để lãnh đạo quốc gia. Nói một cách dễ hiểu, nếu tưởng tượng một quốc
gia như một hệ thống xe lửa bao gồm đầu kéo, các toa xe và các cơ sở hạ tầng
phụ trợ như: đường sắt, cầu, hầm, thông tin liên lạc v.v … Thì ở các quốc gia
theo thể chế dân chủ tự do, chính phủ chỉ đảm nhận vai trò của một ê-kíp tổ
lái. Khi thay chính phủ này bằng chính phủ khác cũng ví như thay ê-kíp này bằng
tổ ê-kíp khác, còn mọi hoạt động của hệ thống đường sắt ấy vẫn vận hành bình
thường. Đó có lẽ là nguyên nhân khi người ta nói rằng “Chính phủ cũng như
tã lót, cần thay đổi thường xuyên bởi cùng một lý do”. Ý thức được điều đó, nên
dân chúng ở các quốc gia tự do dân chủ luôn bằng mọi giá bảo vệ quyền của mình
thông qua sự hướng dẫn của các đảng phái chính trị mà họ tin tưởng. Và thực tế
cho thấy ở các quốc gia ấy, cho dù có các cuộc xuống đường của đông đảo nhân
dân hay có sự chuyển tiếp của chính phủ nhưng không gây ra những xáo trộn lớn
như chúng ta tưởng. Viên chức và guồng máy nhà nước vẫn làm việc bình thường dù
có hay không có chính phủ trong một thời gian ngắn. Những điều nêu trên cho
thấy sự khác biệt giữa thể chế chính trị độc đoán và thể chế dân chủ tự
do.
Kết
Từ
đó cho thấy để có một cuộc cách mạng để chuyển đổi thể chế chính trị ở Việt nam
thông qua biểu tình bất bạo động như nhiều người suy nghĩ không hề đơn giản.
Ngoài các yếu tố khách quan, như thể chế chính trị hiện tại không có biểu hiện
sẽ không nương tay với các hành vi chống đối có tổ chức kể cả đấu tranh bất bạo
động. Song nên nhớ, tới một mức độ nhất định khi đủ về tầm cỡ và quy mô
thì trong bất kỳ cuộc biểu tình bất bạo động nào cũng vậy. Dù phía chính
quyền hay phía biểu tình, bên nào sử dụng bạo lực trước lập tức họ sẽ mất đi sự
chính nghĩa và đồng thời bên đó sẽ mất đi sự ủng hộ của cộng đồng trong nước và
quốc tế. Đó là lý do vì sao các cuộc biểu tình ở Thái lan hay Ucraina trong
những ngày này, chính quyền ở các quốc gia đó không dám ra tay trấn áp người
biểu tình dẫu rằng họ rấtt muốn.
Hy
vọng bài viết này phần nào cũng giúp cho các nhà chính trị và những người quan
tâm hiểu thêm rằng: Mọi sự thay đổi không bao giờ dễ dàng, song nó không phải
là quá khó. Nếu khi ta biết tổ chức tốt khi có đủ các điều kiện cần và đủ để
thực hiện điều đó trong tay.
Ngày
05 tháng 12 năm 2013
©
Kami - rfavietnam.com