(Daidoanket)- Không quá ồn ào nhưng hàng Thái Lan đang ngấm dần vào thị trường Việt Nam.
Đặc biệt kể từ khi diễn ra thương vụ mua lại Metro Việt Nam của Tập
đoàn Berli Jucker (BJC), dư luận ngờ rằng doanh nghiệp Thái Lan đang lộ diện là
đối thủ đáng gờm của hàng Việt.
Hàng Thái đang lặng lẽ chiếm thị phần tại Việt Nam
Sự xâm nhập không ồn ào
Do những nhược điểm về chất lượng và vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, nên
mặc dù có lợi thế về giá rẻ, song các sản phẩm tiêu dùng nhập từ
Trung Quốc vẫn không phải là lựa chọn hàng đầu của người tiêu dùng Việt Nam.
Đây được coi là cơ hội để các sản phẩm Việt thế chân. Tuy nhiên, người ta lại
đang chứng kiến một sự xâm nhập mới mang tên Thái Lan. Không phải cho đến bây
giờ hàng Thái mới điểm tên mình trên thị trường Việt, song tới nay người ta đã
nhận ra đó là một sự xâm nhập không ồn ào. Họ bước vào thị trường Việt Nam với
những sản phẩm tốt về chất lượng, phù hợp về giá cả.
Hầu hết các sản phẩm Thái Lan có mặt trên thị trường Việt đều là các sản
phẩm tiêu dùng trong nước cũng sản xuất được: Từ những vật dụng thường dùng
nhất như kem đánh răng, dầu gội đầu, khăn mặt, mỹ phẩm… đặc biệt, trái cây, rau
củ quả, hàng nông sản là chủng loại có sản lượng lớn nhất tràn lan thị trường
Việt, từ Nam ra Bắc. Tại các siêu thị lớn, hoa quả, gạo dán mác Thái Lan cũng
xếp đầy các kệ hàng.
Một con số thống kê của Tổng cục Hải quan, nhiều tháng trở lại đây, kim
ngạch nhập khẩu nhiều mặt hàng từ Thái Lan, đặc biệt là rau củ quả đã tăng lên
đáng kể. Cụ thể, nếu như 6 tháng đầu năm 2014, kim ngạch nhập khẩu rau quả Thái
Lan về Việt Nam mới đạt giá trị 73 triệu USD thì tính đến hết tháng 7, con số
này tăng thêm tới 33 triệu USD, đạt mức 106 triệu USD, chiếm 34,2% thị phần so
với 23,1% của Trung Quốc. Trong khi cùng kỳ năm ngoái, thị phần của Trung Quốc
là 34,2% còn Thái Lan là 29,4%. Như vậy, kim ngạch nhập khẩu rau quả từ Thái
Lan lần đầu tiên đã vượt Trung Quốc và trở thành nước dẫn đầu trong việc xuất
khẩu rau quả vào Việt Nam với các mặt hàng chủ yếu là sầu riêng, măng cụt,
me... Con số mới nhất tính đến cuối quý 3, lượng nhập khẩu rau quả từ nước này
vào Việt Nam đã đạt trên 135 triệu USD, trong khi nhập từ Trung Quốc chưa tới
100 triệu USD. Như vậy, trung bình mỗi tháng chúng ta bỏ ra khoảng 300 tỉ đồng
cho việc nhập khẩu rau, quả từ Thái Lan. Đối với các mặt hàng gia dụng khác như
đồ điện tử, điện lạnh, hàng Thái Lan cũng đã chiếm đến gần 70% thị phần. Hiện
nay, sản phẩm may mặc, đồ dùng gia dụng do Thái Lan sản xuất đã có mặt tại
khoảng 9.000 chợ trên cả nước và chiếm ưu thế so với những sản phẩm nhập khẩu
từ các nước khác…
Doanh nghiệp Việt vẫn loay hoay
Trên thực tế, những gì diễn ra cho thấy lợi thế hàng tiêu dùng trên thị
trường Việt đang có nguy cơ rơi vào tay người Thái. Gần đây nhất, thương vụ mua
lại Metro Việt Nam của Tập đoàn Berli Jucker (BJC) Thái Lan mới khiến dư luận
dậy sóng. Còn trên thị trường thức ăn chăn nuôi cũng đang chứng kiến sự mở rộng
quy mô ngày càng lớn của Tập đoàn C.P Thái Lan (Charoen Pokphand - Thái Lan).
C.P Thái Lan là một trong những tập đoàn mạnh nhất của Thái Lan trong lĩnh vực
công - nông nghiệp, điển hình là lĩnh vực sản xuất thức ăn chăn nuôi, hoạt động
chăn nuôi, sản xuất thực phẩm. Đầu tư vào Việt Nam từ năm 1993, đến nay doanh
số của tập đoàn này liên tục tăng trưởng và ngày càng mở thêm quy mô tại Việt
Nam. Từ đó, giới chuyên gia cho rằng cùng với Trung Quốc thì nay lại có
thêm Thái Lan là đối thủ đáng gờm đối với hàng Việt.
Điểm vượt trội mà hàng Thái có được không chỉ ở chất lượng, giá cả… mà họ
vẫn luôn thay đổi mẫu mã để hướng đến thị hiếu của người tiêu dùng, đáp ứng nhu
cầu tâm lý của người tiêu dùng. Đây là một điểm yếu lâu nay mà các doanh nghiệp
Việt Nam vẫn chưa thể khắc phục được. "Nếu các doanh nghiệp trong nước
không đẩy mạnh việc nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã, xây dựng hệ
thống phân phối… thì rất khó có thể cạnh tranh với hàng Thái và những doanh
nghiệp đến từ các nước khác, nhất là khi cánh cửa hội nhập đang ngày một rộng
mở”, TS Đinh Thị Mĩ Loan- Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam nhận định.
Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thời gian
qua đã và đang giúp nhận thức của người tiêu dùng thay đổi, từ đó người tiêu
dùng đã chú trọng hơn trong việc lựa chọn hàng tiêu dùng trong nước. Song, nếu
bản thân doanh nghiệp Việt vẫn loay hoay "giậm chân tại chỗ” không nỗ lực
để vươn lên cạnh tranh thì sẽ chẳng có một cuộc vận động nào, một phong trào
nào có thể giúp họ chiếm lĩnh được niềm tin của người tiêu dùng trong nước.
Minh Phương - daidoanket.vn