(VOV.VN)- Ủy ban Soạn thảo Hiến pháp Thái Lan sẽ có các cuộc gặp
riêng rẽ với các chính đảng và tổ chức chính trị xã hội từ ngày 17-25/11.
Chiều 12/11, Chủ tịch đảng Dân chủ Thái Lan
Abhisit Vejjajiva lên tiếng nhận lời tham dự cuộc gặp với Ủy ban Soạn thảo Hiến
pháp Thái Lan nhằm đề xuất kiến nghị cho việc soạn thảo bản Hiến pháp chính
thức, dự kiến hoàn thiện vào năm 2015.
Đảng Dân chủ là chính đảng lâu đời nhất tại
Thái Lan và là đảng đối lập trong quốc hội trước cuộc đảo chính quân sự 22/5
vừa qua. Sau cuộc họp kín chiều 11/11, Ủy ban Soạn thảo Hiến pháp Thái Lan
thông báo quyết định mời đại diện một số chính đảng chủ chốt và 3 tổ chức chính
trị xã hội lớn có nhiều ảnh hưởng tham dự các cuộc họp nhằm đóng góp ý kiến cho
việc soạn thảo bản Hiến pháp thứ 20 của Thái Lan.
Theo kế hoạch, các cuộc gặp giữa Ủy ban
Soạn thảo Hiến pháp Thái Lan với các chính đảng và tổ chức chính trị xã hội
được tổ chức riêng rẽ từ ngày 17-25/11.
Có thể thấy, ngoài tính phức tạp và khối
lượng ý kiến đề xuất, việc tổ chức các cuộc trao đổi riêng bắt nguồn các chính
đảng và tổ chức này có những quan điểm đôi khi trái ngược nhau trong nhiều vấn
đề chính trị, xã hội.
Các chính đảng từng có mâu thuẫn sâu sắc và
các tổ chức chính trị xã hội từng có xung đột đổ máu kéo dài nhiều tháng với
nhau trước cuộc đảo chính quân sự.
Một số chính đảng và tổ chức xã hội mà Ủy
ban Soạn thảo Hiến pháp Thái Lan mời là đảng Vì Nước Thái của cựu Thủ tướng
Yingluck Shinawatra, đảng Dân chủ, Mặt trật Dân chủ chống Độc tài (UDD) của lực
lượng Áo Đỏ.
Các chính đảng và tổ chức chính trị xã hội
tại Thái Lan hiện nay bị cấm hoạt động do chính quyền Thái Lan đang duy trì
thiết quân luật.
Trước đây, một số chính đảng lớn từng tẩy
chay khi được mời đăng ký tham gia thành phần Ủy ban Cải cách quốc gia, cơ quan
cao nhất phụ trách công tác cải cách đất nước cũng như là cơ quan xem xét thông
qua dự thảo hiến pháp Thái Lan.
Đến chiều 12/11,
Đảng Vì nước Thái và Mặt trận Dân chủ chống Độc tài chưa có các phản ứng trước
đề nghị của Ủy ban Soạn thảo Hiến pháp Thái Lan.
Đảng Vì nước
Thái là chính đảng cầm quyền của cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra bị lật đổ
bởi cuộc đảo chính vừa qua, còn Mặt trận Dân chủ chống Độc tài là tổ chức chính
trị xã hội thân Chính phủ của bà Yingluck với số lượng người ủng hộ lên tới
hàng chục triệu thành viên.
Việc hình thành bản
Hiến pháp chính thức là điểm cuối của giai đoạn 2 trong lộ trình cải cách 3
giai đoạn, mà cuối cùng là một cuộc tổng tuyển cử thành lập Chính phủ, dự kiến
sẽ diễn ra vào cuối năm 2015 hoặc đầu năm 2016 tại Thái Lan./.
Xuân
Sơn/VOV-Bangkok