2/10/14

Doanh nghiệp Thái Lan đón đầu dự án lọc dầu Nhơn Hội

(vnexpress)- Một số nhà đầu tư Thái Lan đã đến Bình Định tìm hiểu, xúc tiến đầu tư công trình phụ trợ cho "siêu dự án" lọc hóa dầu Nhơn Hội trị giá 22 tỷ USD. 
Trong khi dự án nhà máy lọc hóa dầu Nhơn Hội (còn gọi là dự án Victory) đang được Bộ Công Thương thẩm định trình Thủ tướng thì một số
doanh nghiệp Thái Lan đã đến Bình Định tìm hiểu, xúc tiến đầu tư vào các công trình phụ trợ cho dự án này.
Theo lãnh đạo Ban quản lý Khu kinh tế Nhơn Hội, hai đơn vị đến Bình Định khảo sát sớm nhất là Công ty TNHH Đại chúng Ratchaburi Electricity Generating Limited (Thái Lan) và Công ty TNHH Phát triển Năng lượng KST (liên danh Việt Nam – Thái Lan). Trong đó, Ratchaburi Electricity Generating từng đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tại một số nước trên thế giới. Cổ đông chính của công ty là Tập đoàn Điện lực nhà nước Thái Lan (EGAT).
Theo trình bày của các doanh nghiệp Thái Lan nói trên, họ muốn khảo sát, tìm hiểu cơ hội đầu tư một số nhà máy điện, cung cấp nước và xây dựng hệ thống xử lý nước thải cho khu liên hợp lọc- hóa dầu Nhơn Hội.
Sơ đồ mặt bằng Khu liên hợp nhà máy lọc hóa dầu Nhơn Hội (tên gọi mới là dự án Victory). Ảnh: UBND tỉnh Bình Định cung cấp.
Trao đổi với VnExpress, ông Lê Hữu Lộc, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho hay, khu liên hợp này có nhu cầu tối đa 300.000 m3 nước sạch mỗi ngày, đòi hỏi hệ thống khử khoáng trong nước quy mô lớn cho hệ thống nước làm mát khép kín. Trước mắt, trong giai đoạn xây dựng, nhà đầu tư cần 240 ha đất xây dựng lán trại cho khoảng 40.000 người lao động trên công trường; cáp viễn thông, nguồn điện ổn định và 8.000 m3 nước sinh hoạt. 
Sáng 30/9, Bộ Công Thương đã chính thức lập Hội đồng thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi dự án Khu liên hợp lọc hóa dầu Nhơn Hội.
Dự án lọc hóa dầu Nhơn Hội do Tập đoàn PTT và Saudi Aramco hợp tác đầu tư, mỗi bên sẽ cùng góp 40% vốn vào dự án này. Số còn lại nhà đầu tư mong muốn có sự tham gia của một đối tác Việt Nam. Phía PTT đặt tên Tổ hợp lọc hóa dầu Nhơn Hội là "Dự án Victory" có tổng vốn đầu tư khoảng 22 tỷ USD (vốn dự kiến ban đầu là 28,7 tỷ USD). Tổ hợp được thiết kế xử lý 400.000 thùng mỗi ngày (tương đương khoảng 20 triệu tấn dầu thô mỗi năm), trong đó sản xuất ra 12 triệu tấn sản phẩm lọc dầu theo tiêu chuẩn kỹ thuật EURO-V và gần 5 triệu tấn sản phẩm hóa dầu. Đây là khu liên hợp nhà máy lọc hóa dầu tích hợp được xây mới lớn nhất ở châu Á.

Trí Tín - vnexpress.net